Trong phiên đầu tiên, GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Viêt Nam (VIAC) nhận định rằng: Khi dịch bệnh bùng phát và lây lan, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề và may thay Việt Nam là một trong những nước có công tác chống dịch hiệu quả, từ hoạt động y tế đến hoạt động kinh doanh thương mại. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng vì dịch bệnh mà tạm thời hoãn lại, thay thế bằng hoạt động tiêu thụ nội địa. Nhưng bởi hoạt động thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế của đất nước nên khi kiểm soát dịch ổn định, các doanh nghiệp đã liên tục đẩy mạnh hoạt động này.
GS.TS Võ Thanh Thu đề cập đến 4 phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế bao gồm: chuyển tiền, nhờ thu, giao chứng từ nhận tiền ngay và tín dụng chứng từ (L/C). Trong đó, GS.TS trình bày cụ thể về nghĩa vụ của người bán, người mua và các ngân hàng bằng sơ đồ thanh toán đối với từng phương thức. Bà nhấn mạnh những ưu - nhược điểm của từng phương thức để các doanh nghiệp có sự lựa chọn sáng suốt khi sử dụng các phương thức thanh toán với từng đối tác cụ thể. Đặc biệt, vai trò của ngân hàng trong phương thức tín dụng chứng từ rất khác biệt so với ba phương thức còn lại, theo đó, ngân hàng sẽ trực tiếp tham gia, kiểm soát quá trình thanh toán, tham gia vào cuộc chơi trở thành thành viên của hoạt động kinh doanh quốc tế. Thêm vào đó, GS.TS đưa ra những ví dụ đối với từng trường hợp cụ thể nêu lên vấn đề doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình thực hiện các phương thức thanh toán. Thời gian hiện nay là thời điểm khủng hoảng kinh tế, nhiều ngân hàng trong và ngoài nước đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, người nhập khẩu cần lựa chọn kĩ càng ngân hàng để thanh toán. Một số lưu ý đối với phương thức thanh toán L/C trong quá trình giao nhận hàng hóa trên tàu (ship on board) là trong một số trường hợp, nhiều con tàu chỉ chuyên chở hàng hóa một tháng một lần, nghĩa là người bán mất nhiều thời gian mới nhận được tiền. Vì vậy, người mua cần hỗ trợ phát hành, tu chỉnh L/C với ngân hàng và sau đó ngân hàng sẽ kiểm tra sự hợp lệ của bộ chứng từ, nhận định các lỗi L/C để thực hiện các bước tiếp theo.
Tiếp nối các phương thức thanh toán quốc tế, trong phiên buổi chiều, ông Tô Bình Minh – Phó Viện trưởng, Giám đốc Phân Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tại TP. HCM (VJCC – HCMC); Thành viên Hội đồng Khoa học, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Giảng viên Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Geneva, Thụy Sỹ trình bày về những điều khoản để vận chuyển hàng hóa bằng các hình thức Incoterms.
Để có thể sử dụng tốt những lợi ích mà Incoterms đem lại, theo ông trước tiên phải hiểu rõ về khái niệm và tác dụng của Incoterms trong buôn bán quốc tế và nội địa. Qua phân tích, có thể thấy rằng quá trình hình thành và phát triển của Incoterms trong những năm gần đây không phải theo lộ trình 10 năm vì Incoterms 2010 mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Sự ra đời của các phiên bản Incoterms phụ thuộc vào những thay đổi và phát triển của kinh tế và xã hội. Và theo ông, dự kiến trong tương lai có thể sẽ bổ sung thêm hình thức giao và nhận hàng trên không trung. Một trong những điều quan trọng của Incoterms là xác định nghĩa vụ, chi phí và rủi ro của các bên. Trong Incoterms 2010 về việc giao hàng trên tàu (FOB), nhiều tài liệu có đề cập đến việc nghĩa vụ của người giao hàng sẽ dừng khi hàng hóa qua lan can tàu, như vậy sự hư hỏng khi hàng hóa tại thời điểm được đặt trên lan can tàu không phải nghĩa vụ của người giao hàng. Tuy nhiên, trong điều khoản này, nghĩa vụ của người bán chỉ kết thúc khi hàng hóa an toàn trên lan cau tàu. Vì vậy, sẽ hạn chế được hành vi gian lận hàng hóa của người bán đối với người mua, tạo được sự công bằng giữa các bên.
Theo ông, so sánh giữa phiên bản Incoterms 2020 và phiên bản 2010 thì Incoterms 2020 dễ hiểu và dễ sử dụng hơn trong cách trình bày, thêm vào đó là cách hướng dẫn sử dụng và phát triển ứng dụng Incoterms trên giao diện Android. Điểm nổi trội của phiên bản này là lần đầu tiên trong Incoterms không chỉ trình bày nội dung các điều trong từng quy tắc như các phiên bản trước mà còn trình bày nội dung các quy tắc trong từng điều. Ví dụ: trong điều A1, nội dung các quy tắc bao gồm điều khoản EXW, FCA, CPT,… giúp người đọc so sánh nội dung các quy tắc trong từng điều. Đối với phương thức thanh toán có bảo hiểm (CIP, CIF), tùy vào từng loại hàng hóa khác nhau để mua các loại bảo hiểm tương ứng ICC (A), ICC (B) hay ICC (C). Ví dụ, nếu là hàng nguyên liệu thông thường được vận chuyển bằng đường biển, giá trị thấp, khả năng hư hỏng không cao thì điều kiện ICC (C) là thích hợp. Điểm khác biệt giữa 2 phiên bản là nếu không có thỏa thuận gì, điều kiện bảo hiểm của phiên bản 2010 là ICC (C) trong khi của phiên bản 2020 là ICC (A) với CIP và ICC (C) với CIF. Từ những kiến thức về Incoterms, ông Tô Bình Minh nêu lên những thực trạng sử dụng các điều khoản tại Việt Nam và đưa ra một số bài học kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến việc mất quyền vận tải, bảo hiểm hay những yếu tố làm doanh nghiệp khó lựa chọn được phương thức giao nhận hàng hóa phù hợp.
Thông qua lớp tập huấn, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) mong muốn các doanh nghiệp sẽ có nhiều kiến thức bổ ích trong Incoterms và thanh toán quốc tế, từ đó ngăn ngừa và phòng tránh các rủi ro không đáng có, sử dụng Incoterms 2020 một cách hiệu quả đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tải tài liệu lớp tập huấn tại đây.