...

Khoá tập huấn: "Nâng cao năng lực vận dụng giải quyết tranh chấp trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử"

25 Tháng 6, 2021
 
  Với mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết về phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến, trong các ngày 19/6, 22/6-23/6, 24/6-25/6/2021 vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức thành công Chuỗi tập huấn và hướng dẫn thủ tục về giải quyết tranh chấp trực tuyến thuộc Dự án Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng với gần 300 đại biểu tham dự ở 3 đợt tập huấn.
 
  Mở đầu các buổi tập huấn, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có phần trình bày khái quát về Dự án bao gồm mục tiêu, định hướng và kế hoạch triển khai dự án. Theo ông Dương, phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) hiện nay đang là xu hướng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc áp dụng hình thức giải quyết tranh chấp này đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp không chỉ về mặt tài chính, thời gian mà còn về tính hiệu quả, nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 – khi mà việc liên lạc, trao đổi trực tiếp trở nên hạn chế hơn. Tiếp nối phần trình bày của ông Dương, đại diện của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trình bày chi tiết về các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế và cách vận hành phương thức này trên nền tảng trực tuyến. So với thời gian trước, các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế gồm thương lượng, hoà giải, trọng tài dần được ưa chuộng và phổ biến hơn với doanh nghiệp. Với những ưu điểm về mặt thủ tục nhanh gọn, tính hiệu quả, bảo mật…các phương thức này đã dần được cân nhắc lựa chọn nhiều hơn. Tại các buổi tập huấn, bên cạnh việc giới thiệu về các phương thức GQTC thay thế, các báo cáo viên của VIAC cũng chỉ ra những ưu, khuyết điểm và có các lưu ý cụ thể thông qua một số tình huống giúp người tham dự có góc nhìn tổng quát và trọn vẹn hơn về các phương thức này. Đồng thời, trên tinh thần chung của dự án, đại diện của VIAC cũng đã có các giải thích chi tiết về cách áp dụng, vận hành các phương thức này trên nền tảng trực tuyến và phân tích những điểm khác biệt về thủ tục giữa quy trình truyền thống và quy trình có sự hỗ trợ của công nghệ.
 
 
  Sau phần trình bày của đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đại diện Công ty Giải quyết Tranh chấp Trực tuyến (RDO) và đại diện Công ty TNHH International Economics Consulting (IEC) cũng đã có những chia sẻ về nội dung liên quan đến nền tảng sử dụng cho việc giải quyết tranh chấp trực tuyến và những lợi ích khi áp dụng công nghệ vào quá trình giải quyết tranh chấp trực tuyến. Theo chia sẻ của các chuyên gia, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, các doanh nghiệp được đòi hỏi phải ngày càng cải tiến không chỉ trong quy trình sản xuất, mà còn cả trong việc xử lý các rủi ro, mẫu thuẫn phát sinh. Áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp (ODR) được xem là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp cần hướng tới. Từ các phân tích về thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, các báo viên khuyến nghị rằng doanh nghiêp cần quan tâm hơn về việc soạn thảo, ký kết hợp đồng cũng như xây dựng một hệ thống xử lý khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả để bảo vệ doanh nghiệp mình trong quá trình thực hiện giao dịch với đối tác. Khi tiến hành giải quyết tranh chấp, nhất là đối với việc áp dụng công nghệ vào quy trình giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp cần cân nhắc một bên thứ ba có uy tín, đáng tin cậy để quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra hiệu quả, chất lượng hơn.
 
 
  Cuối phần trình bày, các báo cáo viên cũng đã có những tương tác, trao đổi nhằm giải đáp các thắc mắc từ người tham dự. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp cũng như giải đáp kỹ lưỡng, chi tiết từ các chuyên gia.
 
  Thông tin chi tiết và tải về vui lòng truy cập TẠI ĐÂY

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI