Sáng 18-4, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đại diện là LS.Trần Hữu Huỳnh thành viên Hội đồng Trung tâm đã tham dự Hội thảo Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức. Nhiều thông tin được đưa ra và nhiều giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho hay thuế đối ứng mà Mỹ áp với các quốc gia nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng nặng nề. Trong số 15 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ thì ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn nhất. Thuế này cũng sẽ tác động đến chuyển hướng thương mại toàn cầu, cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn khi hàng hoá không vào được Mỹ sẽ chuyển hướng qua Việt Nam.
Theo ông Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải tự lực xoay sở, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần khai thác hết tiềm năng các FTA và thị trường của hơn 60 đối tác thương mại.
“Gốc rễ vấn là năng lực cạnh tranh, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp. Vai trò các ngành hàng, hiệp hội trong quá trình tham vấn đàm phán chiến lược với Mỹ cũng quan trọng”, ông Tuấn nói.
Cùng với việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhằm cân bằng cán cân thương mại, các doanh nghiệp cũng nên góp phần chống gian lận thương mại.
“Con tôm, con cá là hàng hoá xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam vào Hoa Kỳ”, ông Tuấn nêu. Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp cần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại từ chính sách thuế đối ứng, nêu giải pháp đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại với Chính phủ. Bởi vì đa dạng hóa, khai thác thị trường cần vai trò tiên phong của Nhà nước.
“Từng doanh nghiệp, từng ngành hàng triển khai đa dạng hóa thị trường là rất khó. Doanh nghiệp cần có kiến nghị cụ thể với Chính phủ”, ông Tuấn khuyến nghị.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cần có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ trong cách ứng phó với thuế đối ứng từ Hoa Kỳ
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng chuyển hướng sang thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ vì chi phí mở thị trường mới gấp ba lần giữ thị trường cũ.
“Cần có giải pháp để giữ thị trường xuất khẩu Mỹ đồng thời đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cũng cần đa dạng hoá thị trường. Tuy nhiên cần có cách thức phù hợp vì Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam”, chuyên gia Phạm Chi Lan khuyến nghị.
Chờ một cuộc đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ
TS Cấn Văn Lực, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng trong bối cảnh này, kích đầu tư tư nhân trong nước là một động lực quan trọng. Bởi cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường vẫn có nhưng không lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn còn, phụ thuộc nhiều vào đàm phán thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
TS Lực khuyến nghị cần sớm giải đáp 24 băn khoăn, vướng mắc trong 14 lĩnh vực mà phía Mỹ đã nêu ra với hàng hoá Việt Nam trong báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
“Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt gỡ các vướng mắc này. Chính phủ cũng cần Hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng bị ảnh hưởng và tập trung vào thị trường nội địa”, TS Lực khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cuộc đàm phán thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tới đây là rất quan trọng. Nếu đàm phán tốt sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Chi Lan nói mình cũng có lo lắng về đoàn đàm phán với Hoa Kỳ lần này nhưng qua tìm hiểu những người có uy tín, kinh nghiệm đàm phán thì bà an tâm vì bà được khẳng định rằng “chất lượng đoàn đàm phán rất tốt”.
Theo bà, đoàn đàm phán rất cần thông tin từ phía doanh nghiệp để có cơ sở đàm phán tốt hơn. Hiện Hoa Kỳ nghi ngờ Việt Nam là nơi lẩn tránh xuất xứ của hàng hoá nên cần giải trình rõ với phía Hoa Kỳ để họ yên tâm, đồng thời giải thích cho Mỹ biết các điều kiện sản xuất của Việt Nam hiện thuận lợi thế nào.
Hội thảo của VCCI thu hút hơn 300 đại biểu là các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với Hoa Kỳ.
Nhìn cách toàn diện hơn, bà Chi Lan khẳng định thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ có rủi ro mà còn có cả cơ hội. Cuộc đàm phán tới đây cần đưa ra được những bằng chứng thuyết phục về giá trị nhập khẩu dịch vụ, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ. Ở trong nước, cần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam ra khỏi thân phận gia gia công trước khi vươn mình lên ngưỡng phát triển cao hơn.
TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình và lưu ý doanh nghiệp phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa Việt Nam.
Khắc phục “nhận thức nhanh nhưng chuyển biến chậm”
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, thành viên Hội đồng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng cần phải tăng được tỷ lệ nội địa hóa cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng phải tăng cường vai trò của Hiệp hội và doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực tốt cho các Hiệp hội.
Ls. Trần Hữu Huỳnh – thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Đại diện hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam thì đề nghị cần gỡ bỏ cả các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ thông qua việc lùi hoặc có lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, đồng thời chưa mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chúng tôi đã có kiến nghị gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành theo hướng chưa đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, vị đại diện này nêu.
Ông Đậu Anh Tuấn cho hay VCCI cũng có văn bản kiến nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng vào lúc này.
Theo Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng ngày 18/04/2025