Phóng viên: Trong gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Luật sư có thể cho biết những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua?
Luật sư Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Tôi cho rằng, trong suốt quá trình được ban hành và thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, đặc biệt là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số và khoa học công nghệ 4.0.
Thứ hai, một số trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới.
Thứ ba, thực tế xuất hiện những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.
Thứ tư, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ (không thương lượng với vụ việc khiếu nại nhiều người, áp dụng thủ tục của trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp tiêu dùng hay chưa phù hợp giữa Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Tố tụng dân sự trong việc áp dụng thủ tục đơn giản/rút gọn…) khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết.
Phóng viên: Qua quá trình thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân và các cơ quan chức năng có gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa Luật sự?
Luật sư Trần Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, ngoài khía cạnh về quy định pháp luật, thực tế còn phát sinh những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có thể kể đến như:
Về ngân sách: Ngân sách hàng năm dành cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương và địa phương là rất ít, không tương xứng với khối lượng công việc mà các cơ quan tổ chức thực thi.
Về nhân lực: Hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền đang trong tình trạng không đủ nhân lực, một người phải thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Người tiêu dùng: Nhận thức, kỹ năng của người tiêu dùng về các cơ chế bảo vệ quyền lợi của mình, và cộng đồng là chưa cao.
Phóng viên: Tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới. Luật sư có kiến nghị, đề xuất nội dung gì đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân được tốt hơn cũng như giải quyết dứt điểm các vụ việc kiện tụng kéo dài?
Luật sư Trần Mạnh Hùng: Để bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân được tốt hơn cũng như giải quyết dứt điểm các vụ việc kiện tụng kéo dài. Tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo hướng đảm bảo sự đơn giản, nhanh chóng trong quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Thứ hai, bổ sung và hoàn thiện quy định về quyền lợi của những nhóm người tiêu dùng mới. Song song với đó, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với những nhóm người tiêu dùng đó.
Thứ ba, bổ sung và hoàn thiện các quy định về giao dịch giữa tổ chức cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng, đặc biệt các giao dịch có yếu tố mới như các mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số và khoa học công nghệ 4.0.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, tránh việc đặt ra các quy định vô lý hoặc trách nhiệm nặng nề dẫn đến thiệt hại hoặc chi phí tuân thủ cao đối với doanh nghiệp, ngăn ngừa hành vi người tiêu dùng lợi dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=73028