...

Luật Trọng tài thương mại ở Việt Nam: Hành trình phát triển

15 Tháng 1, 2021

* Thành quả của Luật TTTM

Luật Trọng tài thương mại (“Luật TTTM”) đã được thông qua năm 2010. Đây là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc phát triển hoạt động trọng tài.

So với trước đó và so với chuẩn mực thế giới, Luật TTTM đã thể hiện nhiều tiến bộ như ghi nhận tự do lựa chọn của doanh nghiệp, mở rộng loại tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài, tăng thẩm quyền cho Hội đồng trọng tài, đề cao sự trợ giúp của Tòa án (nhất là trong vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), linh hoạt đối với sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, tăng sự tự do của các bên trong hoạt động trọng tài nhưng cũng đòi hỏi các bên có những chuẩn mực nhất định khi tham gia tố tụng.

Trải qua 10 năm tồn tại, Luật TTTM là khung pháp lý quan trọng trong việc phát triển trọng tài. Thực tế, nhờ Luật TTTM mà đã có sự phát triển về số lượng như số lượng Trung tâm trọng tài nhiều hơn nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn, số vụ tranh chấp được giải quyết tại trọng tài nhiều hơn so với trước đây, số lượng Trọng tài viên cũng tăng lên nên tăng khả năng lựa chọn cho các bên trong tranh chấp. Nhờ Luật TTTM mà có gia tăng về chất lượng của hoạt động trọng tài như chất lượng các phán quyết trọng tài ngày được nâng cao, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng hệ thống trọng tài của Việt Nam.

Sự phát triển như nêu trên của hoạt động trọng tài được thể hiện rõ nét tại Trung tâm trọng tài lớn nhất của Việt Nam là Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ở Trung tâm này, số lượng Trọng tài viên trong danh sách năm 2010 là xxx còn ngày nay là yyy. Về số lượng tranh chấp được thụ lý năm 2010 tại VIAC là xxx còn năm 2019 tại Trung tâm này là yyy. Về chất lượng, các phán quyết của VIAC được ban hành ở nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và được đánh giá cao trong nước cũng như quốc tế.

* Nhược điểm của Luật TTTM

tuy nhiên, do được thông qua cách đây 10 năm nên, đối với một số vấn đề, Luật TTTM không có sự tương đồng với văn bản khác được sửa đổi trong thời gian vừa qua. Ví dụ, BLDS năm 2015 đã có quy định mở rộng khả năng giải quyết tranh chấp dân sự bằng trọng tài nhưng Luật TTTM chưa có quy định để song hành cùng BLDS năm 2015 về vấn đề này. Tương tự, BLTTDS đã ghi nhận thủ tục giám đốc thẩm các quyết định của Tòa án đối với phán quyết trọng tài nước ngoài nhưng Luật TTTM lại không có thủ tục tương tự đối với phán quyết trọng tài Việt Nam.

Thông qua 10 năm tồn tại, Luật TTTM cho thấy có những quy định không phù hợp, trở thành rào cản cho sự phát triển của trọng tài. Bên cạnh đó, Luật TTTM cũng có những quy định chưa rõ ràng nên dẫn tới tranh cãi làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động trọng tài. Chẳng hạn, Luật quy định phán quyết trọng tài thuộc trường hợp bị hủy nếu “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, đây là quy định không rõ ràng nên gây ra rất nhiều tranh cãi và thường xuyên bị lạm dụng để vô hiệu hóa kết quả của hoạt động trọng tài.

Khác với những nước có nền trọng tài phát triển, Luật TTTM chưa có quy định thể hiện rõ là Tòa án cần ủng hộ trọng tài. Chính việc không có quan điểm rõ nét như vậy nên đã dẫn đến thực trạng Tòa án hủy phán quyết trọng tài còn nhiều, thời gian Tòa án xử lý các vấn đề về trọng tài nhiều khi quá lâu. Hệ quả của việc không có quan điểm rõ nét là Tòa án cần ủng hộ trọng tài là khá rõ nét: Kinh nghiệm cho thấy 92% doanh nghiệp FDI từ chối dùng Toà án để giải quyết tranh chấp nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI chọn trọng tài trong nước thấp hơn trọng tài nước ngoài trong khi đó trọng tài Việt Nam có lợi thế là phán quyết được thi hành trực tiếp, không phải trải qua quá trình xin công nhận và cho thi hành và ở Việt Nam đã có trên 20 tổ chức trọng tài phục vụ doanh nghiệp, đặc biết VIAC đã có giải quyết các tranh chấp quốc tế, trị giá tranh chấp tới hàng trăm triệu USD.

* Định hướng sửa đổi Luật TTTM

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ kinh tế quốc tế của Việt Nam, việc sửa đổi Luật TTTM để phát triển hoạt động trọng tài tại Việt Nam là cần thiết, giúp giảm tải hoạt động của Tòa án (nên cũng giảm chi phí ngân sách nhà nước cho hoạt động tài phán). Trong Nghị quyết số 99/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu “Xây dựng Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức TTTM, hòa giải thương mại và phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tố tụng theo hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản”. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần có hướng sửa đổi Luật TTTM và dưới đây là một số định hướng sửa đổi.

Liên hợp quốc đã có Luật mẫu về trọng tài. Đây là văn bản được rất nhiều hệ thống trọng tài trên thế giới sử dụng để sửa đổi pháp luật trọng tài trong nước. Nhiều hệ thống có hoạt động trọng tài phát triển như Pháp, Hồng Kông, Singapore đều dựa vào văn bản này khi sửa đổi pháp luật của mình. Việc thể hiện rõ quan điểm căn cứ vào Luật mẫu của Liên hợp quốc tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn trọng tài và từ đó phát triển trọng tài. Thực tế, khi xây dựng Luật TTTM vào năm 2010, chúng ta cũng đã tham khảo Luật mẫu nhưng chưa mạnh và chưa thể hiện rõ nét nên chưa cho cộng đồng doanh nghiệp thấy chúng ta đã theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, chúng ta cần đề cao vai trò của Luật mẫu và có thể có phần mở đầu nói rõ là có căn cứ vào Luật mẫu (đã có hệ thống theo hướng này).

Khi sửa đổi Luật TTTM, chúng ta cần đảm bảo sự tương đồng giữa Luật TTTM và các văn bản khác để đảm bảo tính “hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi” như Nghị quyết số 99 nêu trên của Chính phủ. Ở đây, việc đảm bảo sự thống nhất với BLDS 2015, BLTTDS 2015, Luật thi hành án dân sự 2014… cần được đề cao. Vì vậy, cần rà soát các văn bản có nội dung liên quan đến đến trọng tài và đưa ra hướng sửa đổi Luật TTTM để đảm bảo sự thống nhất này. Khi sửa đổi Luật TTTM, chúng ta cần rà soát để lược bỏ những quy định không phù hợp, cản trở sự phát triển trọng tài. Ngoài ra quy định có hệ quả rào cản như nêu trên, chúng ta cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với thực tiễn để tìm ra bất cập để có hưởng điều chỉnh phù hợp.

Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết với một số quy định tiến bộ về trọng tài như quy định xử lý trường hợp vừa có thỏa thuận chọn tòa án vừa có thỏa thuận chọn trọng tài. Tòa án nhân dân Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh có đường lối giải quyết thuyết phục đối với một số vấn đềtài. Khi sửa đổi Luật TTTM, chúng ta nên cân nhắc luật hóa các quy định tiến bộvà đường lối giải quyết đó. Việc luật hóa này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, trong việc tiếp cận hệ thống trọng tài Việt Nam vì họ có thói quen xem Luật hơn là văn bản dưới Luật hay là bản án của Tòa án.

Với việc mở cửa, trọng tài Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh với trọng tài nước ngoài, nhất là với Hồng Kông và Singapore. Thực tế, rất nhiều tranh chấp với doanh nghiệp Việt Nam được mang sang Hồng Kông hay Singapore giải quyết do hệ thống pháp luật ở đây rất ủng hộ trọng tài và thực trạng này không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, việc giải quyết tranh chấp ở nước ngoài thay vì ở trọng tài Việt Nam rất tốn kém về thời gian, về tài chính và phải khai thác nguồn nhân lực nước ngoài (tức sử dụng dịch vụ trọng tài nước ngoài thay vì khai thác được nguồn nhân lực tại Việt Nam) nên là một thất thu cho nền kinh tế Việt Nam. Do đó, để phát triển trọng tài Việt Nam, chúng ta cũng cần có những quy định thể hiện rõ nét việc ủng hộ hoạt động trọng tài trong chính Luật TTTM và không hiếm nước đã theo hướng này như Nga trong lần sửa đổi gần đây nhất.

Hoạt động trọng tài luôn có sự song hành của Tòa án để giám sát cũng như trợ giúp hoạt động trọng tài. Vai trò của Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trọng tài và, ở các nước có nền trọng tài phát triển, tính chuyên môn của thẩm phán phụ trách luôn được đề cao. Luật TTTM hiện này chưa thể hiện rõ nét tính chuyên môn của thẩm phán phụ trách giải quyết các vấn đề về trọng tài và việc nay đã dẫn đến tồn tại của những quyết định của Tòa án về trọng tài không thuyết phục, cản trở cho hoạt động trọng tài, nhất là những thẩm phán không thuộc biên chế của Tòa kinh tế. Do đó, trong việc sửa đổi Luật TTTM, chúng ta nên quan tâm và đề cao tính chuyên môn của thẩm phán giải quyết các vấn đề của trọng tài.

Hoạt động trọng tài tại Việt Nam đã dần chuyên nghiệp hơn và việc này nhờ một tổ chức dẫn đầu và là hình mẫu phát triển là VIAC (nơi quy tụ nhiều các chuyên gia uy tín nhất với bộ máy hỗ trợ trọng tài rất chuyên nghiệp). Ngày nay, chúng ta đã có một cộng đồng doanh nghiệp quen dần với thói quen sử dụng trọng tài để hội nhập với các giao dịch quốc tế. Nói cách khác, chúng ta đã có một cơ sở vững chắc nhưng cơ sở đó có được vận hành hiệu quả hay không còn lệ thuộc vào cơ chế thể hiện trong văn bản quy phạm, nhất là trong Luật TTTM. Hy vọng rằng chúng ta biết kế thừa những ưu việt của quá khứ, thành tựu của nhân loại về trọng tài trong những năm qua để có một khung pháp lý tốt với những hướng nêu trên để có biến những trung tâm trọng tài đang hoạt động như VIAC trrở thành điểm đến của tranh chấp quốc tế giống như SIAC, HKIAC, hay KCAB ở khu vực.

 

PGS. TS Đỗ Văn Đại

Trưởng Khoa Luật dân sự Trường Đh Luật tp. HCM

Trọng tài viên VIAC

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI