...

Thiết chế trọng tài trong kỷ nguyên mới của đất nước

17 Tháng 1, 2025

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đang ngày càng được chú trọng tại Việt Nam, không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả từ Đảng và Nhà nước, đặc biệt trực tiếp từ Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong buổi tiếp đoàn cán bộ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, bên cạnh việc thay mặt Bộ Tư pháp cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm rất tốt đẹp của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, của cá nhân Chủ tịch GS.TS Lê Hồng Hạnh dành cho Bộ Tư pháp, lời chúc cho VIAC sẽ ngày càng phát triển, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của thiết chế ADR cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã có phát biểu một số vấn đề chứa đựng tầm nhìn và nhiều định hướng phát triển quan trọng đối với thể chế trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại buổi tiếp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam vào ngày 14/11/2024!

Thiết chế trọng tài đúng nghĩa đã xuất hiện ở nước ta từ năm 1993. Điều đó có nghĩa là Hội đồng trọng tài ngoại thương (Bộ Ngoại thương lúc đó) và Hội đồng trọng tài Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) tuy được gọi là trọng tài song thực chất là thiết chế được nhà nước thành lập để giải quyết tranh chấp. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam mới thực sự là thiết chế trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp dựa trên sự ủy thác của các bên tranh chấp chứ không phải dựa trên chức năng quản lý nhà nhà nước của cơ quan chủ quản như hai cơ quan trọng tài từng tồn tại trước năm 1993.

Như vậy, đặc điểm nổi bật của thiết chế trọng tài là quyền lực của những người giải quyết tranh chấp dựa trên sự ủy thác của các bên. Các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, chọn những chuyên gia giỏi làm trọng tài viên và họ toàn quyền tự định đoạt. Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là một trong những nội dung của quyền tự do kinh doanh vốn rất đặc trưng của kinh tế thị trường. Nhắc lại bản chất của thiết chế trọng tài để chúng ta không ngạc nhiên khi trọng tài thương mại xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam sau thời điểm đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Hiến pháp 1992 hiến định quyền tự do kinh doanh. Một hàm ý khác mà tôi muốn nhấn mạnh khi nói điều này đó là sự chậm phát triển của thiết chế trọng tài ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Buổi tiếp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Bộ Tư pháp

Năm 2001, tôi có chuyến công tác nước ngoài sang Singapore và đã ghé thăm Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Vào thời điểm đó, tuy đã cách đây 23 năm nhưng có thể thấy SIAC cũng như nền trọng tài tại Singapore đã có những mốc phát triển vượt bậc. Khi đó, họ đã có hàng chục năm phát triển thể chế trọng tài. Ở Việt Nam, chúng ta phát triển nền trọng tài dựa trên một số điều kiện thực tiễn khác biệt gắn với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong thập kỷ đầu tiên, dù là trung tâm trọng thương mại duy nhất lúc đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng không có đủ các vụ việc để giải quyết. Theo tôi biết, trong thời gian đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chỉ có vài chục vụ trong một năm. Doanh nghiệp hầu như không biết đến VIAC. Sau khi có Pháp lệnh trọng tài 2003, có thêm một số trung tâm trọng tài thương mại khác xuất hiện. VIAC có những bước phát triển tốt hơn từ thời điểm đó, song theo đòi hỏi của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu của cải cách tư pháp thì các trung tâm trọng tài vẫn chưa đáp ứng được. Thiết chế trọng tài được phát triển mạnh hơn khi nền tảng pháp luật của nó vững chắc và phù hợp hơn với sự ra đời của Luật Trọng tài thương mại 2010. Hiện tại, sau gần 15 năm, trên nền tảng của Luật Trọng tài thương mại 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của HĐTP TANDTC, thiết chế trọng tài ở nước ta phát triển khá mạnh mẽ về số lượng với gần 50 trung tâm trọng tài trên cả nước. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng đã có những bước phát triển đáng mừng về chất lượng. Từ một trung tâm ít ai biết đến trong nước chứ chưa nói đến ở nước ngoài, VIAC đã được đánh giá là một trong những thiết chế trọng tài có uy tín hàng đầu khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, có sự hợp tác với nhiều trung tâm trọng tài có uy tín trên thế giới. Tất cả những kết quả đó của VIAC và các trung tâm trọng tài khác cho thấy thể chế trọng tài đang có những bước phát triển đáng mừng.

Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng và các phương thức khác của ADR chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vừng của đất nước với nhiều mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Trong tiến trình toàn cầu hóa thương mại thì những phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự bình đẳng, quyền tự quyết của doanh nghiệp, dân chủ, minh bạch, công bằng và không có tham nhũng đang được các quốc gia, các doanh nghiệp, tập đoàn chú trọng lựa chọn. Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương hội nhập sâu và rộng vào đời sống kinh tế quốc tế nên trong các quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải chú trọng đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Tôi nhấn mạnh rằng, ai cũng dễ dàng nhận ra điều này nếu nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký. Trong các hiệp định này, tòa án quốc gia ít được lựa chọn nếu như không nói là không, để giải quyết tranh chấp phát sinh không lớn giữa các bên ký hiệp định. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của trọng tài thương mại trong giai đoạn mới của đất nước. Tôi chỉ đơn cử một sự kiện này để thấy rõ vì sao Nghị quyết 27/NQ-TW lại nhấn mạnh đến phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài và vì sao đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần đề cập đến điều này trong các bài phát biểu, chỉ đạo của mình. Đảng và Nhà nước đang chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là các giao dịch tài chính quốc tế sẽ diễn ra nhiều hơn, quy mô lớn và giá trị lớn hơn rất nhiều so với hiện tại. Giao dịch tài chính diễn ra hàng ngày và không thể tránh khỏi rủi ro, tranh chấp. Xử lý như thế nào các rủi ro và giải quyết như thế nào các tranh chấp là điều mà Bộ Tư pháp, các Bộ liên quan cần nghĩ đến. Các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp lớn khi có tranh chấp sẽ không muốn đến tòa án vì với họ, chậm một ngày là mất một hoặc nhiều cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận. Tài chính vận động trong nền kinh tế như hệ thống tuần hoàn trong cơ thể của chúng ta. Tắc ở khu vực này dẫn đến sự hoạt động không bình thường đó. Vậy, Trung tâm Tài chính quốc tế ở Việt Nam cung cấp phương thức nào cho giải quyết tranh chấp tài chính phát sinh. Tôi có thể khẳng định rằng đó là phương thức ADR mà trọng tài là thiết chế đáng được định hình rõ nhất, cốt lõi nhất trong đó.

Tô phải nói rằng kỷ nguyên mới của đất nước là kỷ nguyên phát triển bền vững trong sự cân bằng các giá trị và phát huy lợi thế của những giá trị hiện hữu đã được kiểm chứng. Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài đã được kiểm chứng bởi những đóng góp của nó cho sự phát triển kinh tế, sự hỗ trợ cho hoạt động tư pháp và càng ngày tạo được niềm tin lớn hơn đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, tôi cho rằng thiết chế trọng tài vẫn còn đang khiêm tốn trong đời sống kinh tế của đất nước. Chỉ lấy số liệu các vụ kiện được các trung tâm trọng tài thụ lý so với số lượng các vụ án thương mại, kinh tế do tòa án thụ lý, xét xử mà báo cáo của VIAC đưa ra hôm nay sẽ thấy rõ thực tế này. Bên cạnh đó còn nhiều rào cản khác mà hôm này tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt là những hạn chế trong thể chế trọng tài hiện hành. Đến thời điểm này, khi chúng ta cùng thảo luận về phương hướng phát triển, tôi muốn khẳngđịnh rằng cần phải phải phát triển hơn nữa thiết chế trọng tài để nó đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong kỷ nguyên bứt phá. Tôi xin nêu một vài ý tưởng và giải pháp phát triển phương thức trọng tài từ góc nhìn hoàn thiện thể chế, tức là không chỉ nâng số lượng các trung tâm trọng tài mà là toàn bộ những yếu tố như pháp luật, chính sách, cơ chế hoạt động v.v.

Trước hết, vì sao chúng ta cần phát triển nền trọng tài thương mại. Nhìn nhận từ thực tiễn, hệ thống Tòa án của chúng ta đang ở trạng thái quá tải. Số lượng vụ việc lớn, biên chế có hạn và phân bố chưa hợp lý đã tạo nên sự quá tải nặng ở một số thành phố lớn là trung tâm kinh tế, thương mại của đất nước. Sự quá tải này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng xét xử. Các trung tâm trọng tài trong cả nước nếu có được thể chế phù hợp, hiệu quả thì chúng sẽ giúp giảm tải sự quá tải này của tòa án. Không ngẫu nhiên mà trong tiến trình cải cách tư pháp, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tòa án luôn có sự gắn kết nhất định với thể chế trọng tài. Là người được tham gia xây dựng Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2005 về cải cách tư pháp và sau đó được tham gia theo dõi thực hiện Nghị quyết này trong thời gian dài, tôi khẳng định vai trò tương hỗ phát triển to lớn giữa tòa án và trọng tài, dù đó một bên là thiết chế chính thức của nền công lý và một bên là thiết chế phi chính thức của xã hội.

Thứ hai, căn cứ vào báo cáo tóm tắt hoạt động của VIAC, trong 30 năm thành lập của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam giải quyết khoảng 3.000 vụ cho suốt thời gian hoạt động hơn 30 năm của VIAC. Phải nói rằng con số này quả là không đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong những năm gần đây VIAC đã có sự phát triển vượt bậc. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đang trở nên có uy tín, có ảnh hưởng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều trung tâm trọng tài thương mại khác cũng đang có những bước phát triển đáng ghi nhận. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia là các Trọng tài viên ở trong và ngoài nước có thể hỗ trợ, tư vấn, tham mưu giúp Bộ Tư pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh. Như vậy, xu thế phát triển của thiết chế trọng tài đã được khẳng định không chỉ trong các văn kiện chính thức của Đảng, pháp luật nhà nước mà cả trong đời sống thực tiễn. Vậy nên ở thời điểm này chúng ta cần cùng nhau tìm cách gỡ bỏ những điểm nghẽn trong thể chế hiện hành để thúc đẩy sự phát triển của phương thức trọng tài và hòa giải trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Thứ bachủ trương của Đảng thì đã rõ. Gần đây, đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm nói rất nhiều về thể chế, về các điểm nghẽn. Không khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế hiện hành thì không thể phát triển đất nước được. Thể chế trọng tài đương nhiên là không ngoại lệ. Tôi thấy chúng ta phải được quan tâm đặc biệt hơn đối với nó vì có hiện tài có sự bất cân xứng giữa vai trò của các trung tâm trọng tài với nền tảng chính sách, pháp lý cho hoạt động của chúng. Vừa rồi trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh dứt khoát phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, phải xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Bộ Tư pháp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa phải phát triển, nhất là trong công tác xây dựng và thẩm định văn bản pháp luật, hướng tới giảm thủ tục, ngắn ngọn và hiệu quả. Theo tinh thần đó, vừa rồi Luật Điện tử của Bộ Công Thương chủ trì khi gửi sang Quốc hội đã cắt đi mấy chục điều nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý. Luật Công chứng của Bộ Tư pháp đến vòng cuối cùng cũng cắt tầm khoảng chục điều nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu. Điều này chứng tỏ rằng tư duy xây dựng pháp luật thực sự đã bắt đầu đã có thay đổi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi thực hiện việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010 để tháo gỡ các điểm nghẽn trong đó, chúng ta cũng cần tiếp cận như vậy. Các báo cáo tổng hợp của Cục Bổ trợ tư pháp về hoạt động quản lý của Bộ Tư pháp đối với các trung tâm trọng tài cho thấy cũng còn không ít các điểm nghẽn trong thể chế hiện hành, trong đó đặc biệt cần lưu ý đến các quy định về hủy phán quyết trọng tài.

Thứ tư, việc phát triển thiết chế trọng tài rất hợp với chủ trương của Đảng. Ngoài ra, nó cũng đúng với triết lý của dân tộc là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, hoà hiếu, lấy chí nhân thay cường bạo từ xưa đến nay. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII ngày 20/10, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị. Cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, từ đó tạo ra một bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cho nên, chúng ta thấy rằng hoàn thiện thể chế trọng tài thương mại, tháo gỡ điểm nghẽn cho sự phát triển của nó là phù hợp với truyền thống lịch sử và tinh thần người Việt Nam.

Nếu chúng ta phát triển được tốt thiết chế trọng tài thương mại và rộng hơn nữa là hoà giải thương mại thì sẽ thực hiện đúng như lời của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Bộ Tư pháp. Tổng Bí thư nhấn mạnh phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội và nhân dân vào công việc của Bộ Tư pháp. Một mình Bộ Tư pháp không làm xuể. Tôi cho rằng chúng ta không thể tiếp tục chậm trong việc tạo dựng thể chế phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải. Như đề cập ở trên, giá trị tương hỗ phát triển giữa tòa án và trọng tài đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện thiết chế giải quyết tranh chấp phi chính thức này. Các trung tâm trọng tài đượcphát triển sẽ góp phần giảm tải áp lực cho Tòa án, cho Nhà nước trong việc giải quyết những tranh chấp thương mại, tạo cho đất nước một nhân tố bổ sung năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hơn nữa, đồng chí Tổng Bí thư cũng nói giải quyết tốt tranh chấp chính là để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Suy cho cùng, mục đích của nền tư pháp, mục đích của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chính là mục tiêu của hệ thống pháp luật. Như vậy, nền tảng lý luận, nền tảng chính sách cho việc hoàn thiện thể chế trọng tài đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới của đất nước chắc chắn sẽ có nếu được thúc đẩy toàn diện trong thời gian tới.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế trọng tài cần trước hết hướng đến Luật Trọng tài thương mại năm 2010, pháp luật về hòa giải thương mại và các luật liên quan như Luật Thi hành án, Luật Giám định tư pháp, Luật Thương mại và một số luật chuyên ngành khác. GS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC có đặt vấn đề là cần sửa toàn diện, tức là xây dựng mới Luật Trọng tài thương mại hay là sửa một số điều. Quan điểm của GS đại diện cho nhiều trọng tài viên, luật sư là cần sửa toàn diện Luật Trọng tài Thương mại 2010 vì trong đó có nhiều quy định vừa thiếu phù hợp với thực tiễn, vừa thiếu phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại. Theo tôi, trước tiên cần sử dụng giải pháp kỹ thuật theo quan điểm mới. Luật cần gắn gọn, không quá chi tiết và tạo không gian rộng mở cho các bên tự lựa chọn và ủy thác cho trọng tài quyết định. Dựa trên cơ sở này, chúng ta có thể lược bỏ rất nhiều nội dung trong Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng cũng có thể bổ sung những điều mới nhưng tổng số điều Luật Trọng tài mới sẽ không nhiều so với luật cũ. Quan trọng là khi chúng ta đã dồn lực sửa Luật này thì phải nhắm đến mục tiêu giải quyết được những điểm nghẽn, thúc đẩy được sự phát triển của Trọng tài và Hòa giải. Mặc dù việc sửa đổi Luật trọng tài thương mại 2010 được được giao cho Hội Luật gia Việt Nam song về nội dung sửa chắc chắn có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trọng tài thương mại cần tiếp tục trao đổi với Hội Luật gia, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhằm sửa đổi phù hợp nhất nhằm phát triển toàn diện thiết chế trọng tài. Mục tiêu đặt ra là Luật Trọng tài mới phải đáp ứng đầy đủ những thay đổi mới nhất, những mục tiêu mớimà kỷ nguyên phát triển mới đặt ra. Điều này cũng giúp Bộ Tư pháp quản lý tốt hơn về mặt quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, chúng ta phải cố gắng sửa đổi theo hướng phải tháo gỡ vướng mắc cho thiết chế trọng tài, tránh cách làm quản lý chốt chặt, thủ tục hành chính phải giảm đi. Ví dụ, như sửa đổi Luật Chứng khoán gần đây, mới đầu Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì soạn thảo đưa ra những vấn đề mà Bộ chưa thể quản lý được nên đề xuất cấm luôn, ví dụ như cấm cho nhà đầu tư chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tư pháp đã kiên quyết đề nghị phải có giải pháp quản lý tốt hơn chứ không thể cấm vì lý do không quản lý được. Tôi đề nghị Cục Bổ trợ Tư pháp cần quan tâm, lưu ý theo hướng như vậy, nhất thiết không đặt ra các giới hạn cấm vì cơ quan nhà nước chức năng không quản lý được. Điều này đối với pháp luật trọng tài thương mại càng cần được quán triệt vì đây là lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết tranh chấp lựa chọn thông qua thiết chế phí chính thức. Khi sửa Luật Thi hành án hay các luật khác mà Bộ Tư pháp chủ trì hay thẩm định có liên quan đến trọng tài, hòa giải thương mại, các đơn vị chức năng của Bộ cần đặc biệt lưu ý cách tiếp cận nêu trên và cũng chính là yêu cầu mới về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Thứ sáu, tôi khẳng định rằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại ở khía cạnh truyền thống nhân văn của dân tộc khá tương đồng với hòa giải cơ sở. Nếu phát huy được tinh thần nhân văn, đạo lý truyền thống của hòa giải cơ sở trong thể chế hòa giải thương mại thì đó sẽ là sự phương thức chữa lành dễ dàng những tranh chấp, những ấm ức của doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam.Bộ Tư pháp nhất trí phải ban hành Luật Hòa giải thương mại. Tuy nhiên về thời điểm cần phải cân nhắc sau khi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại được tổng kết cả về thực tiễn lẫn lý luận.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhận hoa chúc mừng từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tôi sẽ cùng các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Tư pháp sẽ thăm và làm việc với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trung tâm Hòa giải thương mại Việt Nam (VMC), lắng nghe các ý kiến từ các Trọng tài viên của VIAC, hòa giải viên VMC, nhất là những ý kiến về điểm nghẽn của thiết chế trọng tài qua hoạt động giải quyết tranh chấp tại VIAC, hòa giải ở VMC và các trung tâm trọng tài khác. Bộ Tư pháp sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động của VIAC, VMC và các thiết chế ADR để những thiết chế phi chính thức này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Thể chế hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, phù hợp cao nhất có thể với Luật mẫu UNCITRAL là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam.

Theo Tạp chí Pháp luật và Phát triển đăng ngày 17/01/2024

 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI