Luật TTTM chính thức được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011. Luật TTTM được ban hành là sự cụ thể hóa chủ trương khuyến khích phát triển trọng tài như Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 05 năm 2005, trong đó đã chỉ đạo “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 chỉ rõ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
I. Các thành công của Luật TTTM
Luật TTTM được ban hành đã khắc phục được các bất cập của Pháp lệnh TTTM 2003, tiếp thu các tiêu chuẩn và thực tiễn pháp luật trọng tài quốc tế, thúc đẩy trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, cụ thể:
Tự do thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản của phương thức trọng tài, được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, từ khi bắt đầu trọng tài đến giai đoạn kết thúc tố tụng trọng tài, đảm bảo các bên có quyền tự do thỏa thuận về thủ tục tố tụng, pháp luật chỉ can thiệp khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận trái với quy định của pháp luật.
Vai trò của Tòa án bao gồm hỗ trợ và giám sát trọng tài. Tòa án hỗ trợ trong việc thành lập HĐTT vụ việc, giải quyết yêu cầu thay đổi Trọng tài viên vụ việc, thay đổi Trọng tài viên; hỗ trợ HĐTT thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng; hỗ trợ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong việc giám sát, Tòa án thực hiện việc giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của HĐTT, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
4. Xác lập nguyên tắc mất quyền phản đối
Theo quy định của Luật TTTM, nếu một bên phát hiện có vi phạm về tố tụng hoặc pháp luật trọng tài thì bên đó buộc phải nêu ra trong giai đoạn tố tụng trọng tài, nếu không sẽ bị mất quyền phản đối tại Tòa án. Quy định này đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng phán quyết trọng tài bị hủy.
5.1. Thẩm quyền triệu tập nhân chứng
Việc Luật TTTM trao thẩm quyền cho Hội đồng Trọng tài được triệu tập nhân chứng là quy định có ý nghĩa quan trọng, giúp quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành một cách có hiệu. Trên thực tế việc tham gia của nhân chứng trong quá trình trọng tài là một nhu cầu thiết thực và ngày một gia tăng trong thực tiễn các thủ tụng tố tụng trọng tài, trong bối cảnh các tranh chấp có tính chất ngày càng phức tạp hơn.
5.2. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điểm rất mới của Luật TTTM năm 2010 là trao thẩm quyền của HĐTT áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.
5.3. Thẩm quyền không chấp nhận các sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại, bản tự bảo vệ trong trường hợp có sự lạm dụng nhằm gây khó khăn cho việc ra phán quyết trọng tài.
Đây là quy định có ý nghĩa ngăn chặn một bên thiếu thiện chí và hợp tác trong quá trình tố tụng trọng tài, đảm bảo quá trình tố tụng không bị trì hoãn, kéo dài vô thời hạn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khi giải quyết tại trọng tài.
II. Về việc thi hành Luật TTTM
Sau khi Luật TTTM được ban hành, Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành các văn bản sau:
- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM;
- Thông tư 12/2012/TT-BTP ngày 7 tháng 11 năm 2012 ban hành một số biếu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại;
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật TTTM.
Việc ban hành các quy định trên đã đáp ứng được mục tiêu quản lý, góp phần hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại, đảm bảo hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được thuận lợi và ngày càng có hiệu quả hơn, nhất là Nghị quyết 01/2014-HĐTP.
Bộ Tư pháp đã chủ động phối họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương trong việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật TTTM; tổ chức hội nghị để tuyên truyền, phổ biến Luật TTTM đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.
Tại các địa phương, hoạt động triển khai thi hành Luật TTTM cũng đã được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức, quán triệt nội dung cơ bản của Luật TTTM tới các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương, bao gồm cả đội ngũ trọng tài viên, luật sư, báo cáo viên pháp luật.
Việc thi hành phán quyết trọng tài đã có sự thống nhất cao như việc thi hành bản án của Tòa án, không có sự phân biệt việc thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại với thi hành án bản án, quyết định của Tòa án, điều này có tác động tích cực tới người được thi hành phán quyết trọng tài.
VIAC đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín của tổ chức trọng tài có uy tín và kinh nghiệm tại Việt Nam. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003-2010. Các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được cải thiện. Các Trọng tài viên thường xuyên được tập huấn và trao đổi kinh nghiệm giải quyết tranh chấp. Quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng được cải tiến và hoàn thiện. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn. VIAC cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tiêu chí linh hoạt và thuận tiện của trọng tài như việc tổ chức các phiên họp qua hình thức trực tuyến, teleconference, video conference, giúp các bên tranh chấp tiết kiệm thời gian, chi phí khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Ngoài chức năng chính là giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của một tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, VIAC còn thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và ADR khác tại Việt Nam. VIAC đã tích cực tham gia các hoạt động từ góp ý các chính sách pháp luật, tuyên truyền quảng bá về nâng cao nhận thức về trọng tài thông qua việc tổ chức, phối hợp với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước (các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn luật sư, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp v.v.), tiếp cận hàng chục nghìn lượt đối tượng khác nhau, đã phát hành hàng chục ngàn ấn phẩm; bảo trợ hàng chục cuộc thi moot về trọng tài tại các cơ sở đào tạo luật trên toàn quốc cũng như xuất hiện trên hàng ngàn tin bài truyền thông quảng bá về giải quyết tranh chấp nói riêng cũng như pháp luật và kinh tế nói chung.
Trên phương diện hợp tác quốc tế, VIAC đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác với các tổ chức trọng tài quốc tế để trao đổi kinh nghiệm giải quyết tranh chấp và hợp tác trong việc chia sẻ thông tin thông qua các hoạt động hội thảo và đào tạo.
III. Một số hạn chế của Luật TTTM và các đề xuất, kiến nghị
Qua 10 năm áp dụng Luật TTTM cho thấy Luật TTTM đã góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và hoạt động trọng tài ngày càng được cộng đồng quan tâm và đón nhận nhiều hơn. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng đạo luật này cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể:
1.1. Vấn đề thẩm quyền của trọng tài và quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
Hiện đang có cách hiểu khác nhau trong về thẩm quyền của trọng tài đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam bởi quy định tại Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
1.2. Quy định “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” tại Điều 2 khoản 2 Luật TTTM chưa được hiểu thống nhất. Trên thực tế, có rất nhiều quan hệ trong đó một bên có hoạt động thương mại, còn bên kia không có hoạt động thương mại nhưng không rõ có thuộc thẩm quyền của trọng tài hay không.
1.3. Việc Luật TTTM chỉ giới hạn thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết mới có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là không hợp lý và không tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp, vì trong rất nhiều trường hợp tại nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết thì người phải thi hành án lại không có địa chỉ cư trú, tài sản nên cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án dẫn đễn tốn kém thời gian và lãng phí cho cơ quan thi hành án dân sự và bên phải thi hành.
1.4. Quy định về mất quyền phản đối rất có ý nghĩa, tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng đã cách hiểu khác nhau về quy định này liên quan đến việc một bên có hay không tham gia tố tụng trọng tài có mất quyền phản đối hay không.
1.5. Cần làm rõ quy định về việc thành lập Hội đồng Trọng tài quy định tại Điều 40 Luật TTTM, cụ thể Luật TTTM có cho phép quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài được chỉ định HĐTT hay không
1.6. Theo quy định tại Điều 44 khoản 4 thì quyết định của Tòa án về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không là quyết định cuối cùng. Vậy khi Tòa án giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì Tòa án có xem xét lại vấn đề này không.
1.7. Luật TTTM bên cạnh việc trao cho HĐTT một số thẩm quyền, đặc biệt là ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp là điều không phù hợp với thực tiễn trọng tài quốc tế.
1.8. Phán quyết trọng tài
- Cần thống nhất các thuật ngữ “ra quyết định”, “tuyên phán quyết trọng tài”, “ra phán quyết”, “ban hành phán quyết” và “lập phán quyết trọng tài”
- Bỏ quy định về việc phán quyết trọng tài phải có nội dung chủ yếu đó là “địa chỉ của trọng tài viên” (Điều 61 khoản 1(c)). Việc quy định phán quyết trọng tài phải có địa chỉ của trọng tài viên là không cần thiết và cũng không nên coi đây là nội dung chủ yếu trong phán quyết trọng tài, vì nếu thiếu nội dung này sẽ được coi là vi phạm tố tụng trọng tài.
- Kéo dài thời hạn ban hành phán quyết trọng tài hoặc cho phép gia hạn thời hạn ban hành phán quyết trọng tài thay cho quy định 30 ngày (Điều 61 khoản 3). Trên thực tế, nhiều vụ có nội dung phức tạp, nhiều trường hợp không thể ban hành phán quyết trong thời hạn 30 ngày.
1.9. Hủy phán quyết trọng tài
-Liên quan đến việc phán quyết trọng tài bị hủy vì chứng cứ giả mạo. Đề nghị có quy định hướng dẫn cụ thể để tránh bị lạm dụng.
- Quy định phán quyết trọng tài bị hủy nếu trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, tuy nhiên hiện chưa có giải thích cụ thể thế nào là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam dẫn đến có sự áp dụng khác nhau giữa các tòa án. Trên thực tiễn, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã không được giải thích một cách nhất quán và thường bị giải thích theo nghĩa rộng. Có xu hướng không rõ ràng trong việc áp dụng căn cứ này.
- Theo quy định tại Điều 71 khoản 10 Luật TTTM, Quyết định của Toà án về việc hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Cần nghiên cứu và có giải pháp để xem xét việc phán quyết trọng tài gây tranh cãi.
1.10. Cần quy định mô hình Hội đồng Trọng tài mặc định là một trọng tài viên, thay cho quy định Hội đồng Trọng tài gồm ba trọng tài viên. Với mô hình Hội đồng trọng tài gồm một trọng tài duy nhất sẽ đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí cho các bên tranh chấp.
1.11. Bổ sung quy định về việc chỉ định trọng tài viên khẩn cấp.
Theo quy định tại Điều 49 Luật TTTM, Hội đồng Trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời xẩy ra trước thời điểm Hội đồng Trọng tài được thành lập, muốn yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các bên phải chờ cho đến khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, vì vậy việc áp dụng không còn ý nghĩa.
1.12. Ngoài ra, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và trên thế giới đã có các quy định về tố tụng điện tử, cũng như các phiên họp trực tuyến như teleconference, video conference, tuy nhiên các hình thức chưa có trong Luật TTTM.
Trên thế giới hiện nay, các quốc gia đang có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển. Một số quốc gia có tham vọng trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp của thế giới như Singapore, Hàn Quốc v.v... Với sự hậu thuẫn của Chính phủ một số trung tâm trọng tài trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc v.v…. đang ngày càng lan rộng tầm ảnh hưởng. Toà án nhiều quốc gia đều có các chính sách ủng hộ trọng tài, theo đó, để tôn trọng sự độc lập của tố tụng trọng tài thì toà án chỉ can thiệp khi trọng tài cần sự hỗ trợ và giảm thiểu tối đa những can thiệp tiêu cực, đặc biệt là vấn đề huỷ phán quyết trọng tài.
2.1. Đối với Bộ Tư pháp
2.1.1 Kiến nghị xem xét việc sửa Luật TTTM. Luật TTTM đã phát huy được vai trò trong việc quản lý và thúc đẩy hoạt động trọng tài, tuy nhiên qua 10 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế nêu trên, do vậy cần kịp thời sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trọng tài phục vụ hiệu quả cho việc cải cách và hội nhập.
2.1.2 Nhà nước cần có chính sách quy hoạch và phát triển có định hướng hoạt động trọng tài. Hiện tại tại Việt Nam đã có 30 trung tâm trọng tài, tuy nhiên số trung tâm hoạt động chưa nhiều, chất lượng hoạt động giữa các trung tâm không cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của trọng tài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách đối với tổ chức trọng tài trọng điểm để nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp của các Trung tâm này, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng cho các Trọng tài viên; thanh tra, kiểm tra kịp thời, giúp các trung tâm trọng tài phát triển bền vững .
2.1.3 Nhà nước có chương trình quảng bá trọng tài ở cấp độ quốc gia, tạo điều kiện để các Trung tâm trọng tài được tham gia vào những chương trình quốc gia. Tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến về trọng tài thương mại đến cộng đồng doanh nghiệp; các cơ sở đào tạo luật, tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc để nâng cao nhận thức của xã hội về trọng tài thương mại.
2.1.4 Nhà nước có chính sách đẩy mạnh việc đào tào trọng tài tại các trường đại học và cơ sở đào tạo.
2.1.5 Có cơ chế giảm/miễn thuế cho các Trung tâm Trọng tài, các Trọng tài viên tham gia giải quyết vụ tranh chấp (đặc biệt là các Trọng tài viên người nước ngoài), cơ chế miễn visa cho các Trọng tài viên nước ngoài.
2.2. Đối với Tòa án:
2.2.1 Tòa án Nhân dân Tối cao cần có báo cáo số liệu liên quan đến việc giải quyết việc trọng tài, nhất là vấn đề hủy phán quyết của trọng tài, tổng kết đánh giá việc giải quyết các việc trọng tài theo Luật TTTM, phối hợp với Bộ Tư pháp, các Trung tâm trọng tài để nâng cao hoạt động này.
2.2.2 Bảm bảo thời hạn quy định trong Luật TTTM khi giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của trọng tài và hủy phán quyết trọng tài.
2.2.3 Thông báo kịp thời và đầy đủ tới Trọng tài theo quy định của Luật TTTM để HĐTT biết và có ý kiến cung cấp cho Tòa án.
2.2.4 Tòa án tạo điều kiện để HĐTT khắc phục sai sót tố tụng theo đúng quy định của Luật TTTM.
2.2.5 Phân công một số thẩm phán chuyên giải quyết việc trọng tài nói chung và yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nói riêng, có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sâu cho các thẩm phán.
2.2.6 Tòa án NDTC có bộ phận chuyên theo dõi, giám sát việc hủy phán quyết trọng tài.
2.3. Đối với cơ quan thi hành án.
2.3.1 Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành phán quyết trọng tài.
2.3.2 Bỏ thủ tục yêu cầu bên được thi hành phán quyết trọng tài phải cung cấp Xác nhận của Tòa án về việc phán quyết trọng tài có bị hủy hay không hoặc yêu cầu bên phải thi hành phán quyết trọng tài cung cấp cho cơ quan thi hành án Xác nhận của Tòa án hoặc cơ quan thi hành án chủ động trực tiếp yêu cầu Tòa án cung cấp Xác nhận này.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Việc hoàn thiện pháp luật trọng tài và khuyến khích phát triển trọng tài là rất cần thiết, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, giúp cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
LS. Vũ Ánh Dương
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam