Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước “bước chân” vào sân chơi toàn cầu đầy cơ hội cũng như sự cạnh tranh khốc liệt.
Các doanh nghiệp, chuyên gia tìm hiểu về các tranh chấp thương mại trong quá trình hội nhập Ảnh: VIAC
Thế nhưng, khả năng doanh nghiệp trong nước khai thác cơ hội sẵn có từ các FTA cũng như sử dụng hiệu quả tính ưu việt của trọng tài khi xảy ra tranh chấp thương mại thường rất thấp. Ngược lại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường tận dụng và khai thác triệt để các nguồn lợi, cơ hội này. Làm sao để khắc phục độ vênh nói trên, chính là trăn trở mà các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế… tìm cách giải quyết.
Cơ chế linh hoạt, rút ngắn thời gian
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore… là những quốc gia có số lượt doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất tại VIAC từ năm 2017 đến nay. Bởi thực tế, trọng tài thương mại đang là xu hướng được các doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về thương mại. Đối với nước ta, phương thức giải quyết tranh chấp này cũng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đồng thời cho thấy đây là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Trao đổi nhanh với báo chí, ông Lê Phương Lâm, Giám đốc Công ty T. (quận Thủ Đức, TPHCM, đơn vị chuyên cung ứng các sản phẩm rau quả xuất khẩu), nhìn nhận tranh chấp thương mại thông qua các đơn hàng xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng. “Việc đối tác lật kèo, xù nợ, giao hàng kém phẩm cấp… vẫn xảy ra. Tình trạng chung này khiến doanh nghiệp giao dịch phải thận trọng hơn, đồng thời cần nhờ đến các trung tâm trọng tài hỗ trợ. Trước đây, doanh nghiệp chúng tôi thường chủ quan, không chú ý đến các chi tiết khi ký kết hợp đồng với đối tác; hoặc bỏ qua việc mua bảo hiểm cho các đơn hàng… Sau này, nhờ các luật sư tư vấn thêm nên doanh nghiệp đã thận trọng hơn trong quá trình giao dịch”, ông Lê Phương Lâm cho biết.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay tòa án phụ thuộc vào nhu cầu của từng đơn vị. Theo Phó Tổng Thư ký VIAC Phan Trọng Đạt, tính ưu việt của phương án giải quyết tranh chấp qua trọng tài chính là sự chủ động của các bên liên quan. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn đến mức tối đa, khoảng 152 ngày so với tòa án (trung bình 400 ngày). Phán quyết của trọng tài thương mại có hiệu lực ngay, có giá trị chung thẩm; trong khi so với phương án tòa án thì bản án chưa có hiệu lực liền và có thể còn ra tòa phúc thẩm, xét xử nhiều cấp. Bên cạnh đó, luật sư thuộc một số trung tâm trọng tài thương mại cũng lưu ý, doanh nghiệp nên kiểm tra thời hiệu vụ việc, lựa chọn trung tâm trọng tài uy tín; đồng thời, trước khi đặt bút ký kết các hợp đồng thương mại cần đưa điều khoản “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại” vào hợp đồng để thuận tiện cho việc xử lý các vấn đề phát sinh nếu có… Thêm nữa, doanh nghiệp cần tham dự đầy đủ các phiên họp, vì nếu 1 trong 2 bên vắng mặt thì hội đồng trọng tài vẫn tiến hành phân xử, không giống như cơ chế của tòa án phải có đủ 2 bên mới tiến hành phân xử.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, đánh giá hành lang pháp lý về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại tại Việt Nam đang được thực hiện khá đầy đủ. Cụ thể, Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2011; Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại, Thông tư 02/2018/TT-BTP ngày 26-2-2018 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại, quy tắc thương mại của VIAC (đối với hòa giải thương mại). Trong đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định vai trò hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài, chẳng hạn như chỉ định trọng tài viên vụ việc, xem xét và giải quyết khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài về thẩm quyền, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, hủy phán quyết trọng tài…
“Phi địa phương hóa”
Tính đến thời điểm hiện tại, phạm vi thi hành phán quyết trọng tài của Việt Nam được trải dài tại 152 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, hướng tới một sân chơi bình đẳng cho việc tiến hành các vụ kiện quốc tế tại bất kỳ nơi đâu. Trong ấn phẩm “Trọng tài quốc tế” (VIAC phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện) chỉ rõ trong phạm vi liên quan đến trọng tài quốc tế, nếu luật điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài giống nhau trên khắp thế giới sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều. Bao gồm: thời gian, giảm thiểu các rắc rối, chi phí. Một hội đồng trọng tài sẽ không phải xem xét liệu có một quy định đặc biệt nào về tố tụng trọng tài là đặc thù của luật quốc gia, nơi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay không. Về khía cạnh này của quá trình tố tụng trọng tài, tất cả các luật sẽ trở nên như nhau.
Liên quan đến vấn đề “phi địa phương hóa”, có 2 hướng phát triển riêng rẽ đã được xem xét. Hướng thứ nhất là quốc gia nới lỏng sự kiểm soát mà nó muốn áp dụng đối với các vụ kiện ra trọng tài quốc tế tiến hành trên lãnh thổ của mình. Đây là tiếp cận trong các bộ luật trọng tài hiện đại. Những luật này vẫn cẩn thận lưu ý về tinh thần chung của Luật Mẫu (Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế, viết tắt UNCITRAL), đó là các tòa án quốc gia không nên can thiệp vào quá trình tố tụng trọng tài, trừ khi được cho phép, vì vai trò của tòa án nên là hỗ trợ chứ không phải cản trở. Hướng phát triển thứ hai là tách trọng tài quốc tế khỏi sự kiểm soát của luật quốc gia, nơi quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành. Đây được gọi là thuyết “Phi địa phương hóa”. Ý tưởng này thay vì một hệ thống kiểm soát kép, đầu tiên là luật áp dụng cho quá trình tố tụng trọng tài và sau đó bởi tòa án tại nơi cho thi hành phán quyết, thì chỉ nên có một điểm kiểm soát là nơi cho thi hành. Theo cách này, hầu như trên thế giới đều sẵn sàng cho các vụ kiện trọng tài quốc tế. Bản thân trọng tài quốc tế cũng trở thành “siêu quốc gia”, “phi quốc gia”, “liên quốc gia”… Nói hình tượng hơn, một quá trình tố tụng trọng tài như vậy sẽ là “tố tụng trọng tài thả nổi”, dẫn đến một phán quyết thả nổi.
Lý thuyết nêu trên lấy khởi điểm là sự tự chủ của các bên rằng, chính sự thỏa thuận của họ đã dẫn đến sự tồn tại của quá trình tố tụng dựa trên 2 quan điểm cơ bản. Quan điểm thứ nhất giả định rằng trọng tài quốc tế được điều chỉnh một cách đầy đủ bằng các quy tắc của chính nó, dù là được áp dụng bởi các bên hoặc được tạo nên bởi chính hội đồng trọng tài. Quan điểm thứ hai được giả định rằng, việc kiểm soát chỉ nên đến từ luật của nước nơi phán quyết được cho thi hành.
Giải quyết tranh chấp toàn cầu
Ngày nay, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp cơ bản đối với các tranh chấp phát sinh giữa những quốc gia, cá nhân, pháp nhân. Đây là hệ quả của việc toàn cầu hóa thương mại và đầu tư quốc tế. Điều này dẫn tới việc các hoạt động thực tiễn liên quan tới trọng tài ngày càng được hài hòa bởi những trọng tài quốc tế, những người có chung một ngôn ngữ tố tụng cho dù họ hành nghề tại Anh, Thụy Sĩ, Nigeria, Singapore hay Brazil.
Các hoạt động thực tiễn này dựa trên những quy tắc phức tạp về trọng tài, được điều phối bởi các tổ chức từ Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ (AAA), Tòa Trọng tài quốc tế London (LCIA), đến các trung tâm trọng tài đặt tại châu Âu, châu Á, Trung Đông và một số nơi khác… Các quy tắc này được hỗ trợ bởi pháp luật trọng tài quốc gia, dựa trên Luật Mẫu. Mục tiêu nhằm tối đa hóa hiệu quả của quá trình trọng tài; đồng thời, giảm thiểu sự can thiệp mang tính tư pháp, trừ khi việc can thiệp này là cần thiết. Kết quả là một hệ thống hoành tráng bao gồm các luật và thủ tục được hỗ trợ bởi các điều ước như Công ước New York 1958 quy định về nghĩa vụ của các tòa án quốc gia trên thế giới trong việc công nhận và thi hành các thỏa thuận trọng tài và phán quyết trọng tài.
Cơ chế “công lý tư”
Trong thời kỳ đầu, trọng tài thương mại là một phương thức đơn giản và tương đối riêng tư. Hai thương nhân tranh chấp về giá hoặc chất lượng hàng hóa sẽ tìm tới một bên thứ 3, bên mà họ biết và tin tưởng. Thỏa thuận sẽ tuân theo quyết định của bên thứ 3 và họ làm điều này không vì bất cứ một chế tài pháp lý nào. Về lý thuyết, một cơ chế “công lý tư” riêng biệt như thế có thể diễn ra mà không cần bất kỳ sự giám sát hay sự can thiệp nào của các tòa án, trừ khi chính sách công yêu cầu phải làm như vậy.
Tuy nhiên, không một quốc gia hiện đại nào có thể nhượng bộ và cho phép một hệ thống “công lý tư”, hệ thống phụ thuộc chủ yếu vào sự khách quan, vô tư của các trọng tài viên có thiện chí của các bên, để trở thành phương thức duy nhất điều chỉnh các hoạt động thương mại.