...

Toạ đàm Kết nối Luật sư 2024: Kỹ năng luật sư trong kiểm soát quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài

15 Tháng 7, 2024
Ngày 13 tháng 7 năm 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Trường Đại học Luật TP.HCM, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự phối hợp của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ tổ chức Toạ đàm Kết nối Luật sư 2024. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 150 luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng hơn 400 đại biểu dự thính trực tuyến.
 
LS. Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
 
Mở đầu chương trình, LS. Vũ Ánh Dương - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu khai mạc. Ông Dương cho biết tính đến năm 2023, tỷ lệ luật sư trong các vụ tranh chấp tại VIAC đạt tới 87,9%. Ông đánh giá đây là một con số vô cùng lớn, điều đó cho thấy sự cẩn thận của các bên và sự chuyên nghiệp hơn của luật sư. Từ góc độ tổ chức điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, VIAC cũng khuyến khích sự tham gia của luật sư trong quy trình tố tụng trọng tài; bởi lẽ, việc các luật sư tham gia, trong phần đa các vụ việc, đều giúp các bên và kể cả Hội đồng Trọng tài tiết kiệm hơn về thời gian giải quyết, thúc đẩy hiệu quả các giai đoạn trong tiến trình tố tụng. Như vậy, đối với các hoạt động bồi dưỡng và đào tạo luật sư, đặc biệt liên quan đến trang bị kỹ năng cho luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài là đặc biệt cần thiết và phù hợp với nhu cầu hiện nay.
 
PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
 
Đại diện Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, PGS. TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị trong hoạt động mang tính kết nối này. Ông Dũng cho rằng, mô hình kết hợp giữa hoạt động đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ luật sư và tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giữa các luật sư trong nhiều tỉnh, thành phố để trao đổi và bàn luận về kỹ năng hành nghề luật sư. Với vai trò là cơ sở đào tạo luật trọng điểm của đất nước, ông Dũng rất hoan nghênh sáng kiến về chương trình, góp phần nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của Luật sư, cùng với đó, giúp luật sư có thêm thông tin hỗ trợ cho quá trình hành nghề.
 

Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ

Đoàn Luật sư Tỉnh Đồng Nai

 
Cũng tại sự kiện, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các Đoàn Luật sư các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Cần Thơ nhằm định kỳ triển khai nhân rộng mô hình ý nghĩa này cũng như phối hợp cho nhiều hoạt động ý nghĩa khác trong tương lai. 
 
LS. Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh
 
Mở đầu chương trình, LS. Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có phần phát biểu dẫn đề. Ông Hậu đánh giá, trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, vai trò và vị thế của nghề Luật sư trong mối tương quan với các nghề nghiệp khác không ngừng được nâng lên. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý, luật sư cần cập nhật liên tục, không ngừng cải thiện kỹ năng hành nghề của mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho khách hàng, đóng góp cho sự phát triển của các ngành, nghề khác trong xã hội. Theo đó, luật sư không chỉ phải liên tục trau dồi, nâng cao kỹ năng nhận diện, đánh giá và xử lý đối với các vấn đề pháp lý phát sinh ở từng lĩnh vực cụ thể mà còn được yêu cầu có kỹ năng, áp dụng thuần thục quy trình, thủ tục tố tụng. Như vậy, vấn đề về kiểm soát tốt quy trình tố tụng, đặc biệt đối với tố tụng trọng tài cần phải được đào tạo một cách bài bản và nghiêm túc, để luật sư có thể đi cùng với xu hướng chung, nhất là khi việc giải quyết tại trọng tài được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới.
 
Các chuyên gia tại Phiên thảo luận 1 (từ trái sang): LS. Lê Quang Y, LS. Trương Xuân Tám, bà Nguyễn Thị Mai, LS. Trần Minh Trị, LS. Châu Việt Bắc
 
Bắt đầu nội dung Toạ đàm, Phần thảo luận 1 với chủ đề “Nhận diện và xử lý yếu tố xung đột lợi ích trong tố tụng trọng tài” diễn ra dưới sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng các chuyên gia tham gia thảo luận: Bà Nguyễn Thị Mai - Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên VIAC; LS. Trương Xuân Tám - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; LS. Lê Quang Y - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; LS. Trần Minh Trị - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ.
 
Về bản chất, chính là xung đột lợi ích của trọng tài viên xử lý vụ tranh chấp, trong đó nguyên tắc cơ bản, cốt lõi trong tố tụng trọng tài là tính vô tư, khách quan của trọng tài viên đã được quy định trong nhiều luật, cả Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam và quốc tế như Luật mẫu UNCITRAL, Luật Trọng tài Anh, Singapore…). Trong đó, xung đột lợi ích xảy ra khi trọng tài viên có quyền, lợi ích xung đột với quyền lợi ích của một trong các bên trong vụ tranh chấp hoặc có liên quan đến một trong các bên hoặc người đại diện theo pháp luật của các bên. Liên quan tới việc kiểm soát xung đột lợi ích trong tố tụng trọng tài, hiện nay, các quy định tại Luật Luật sư hay Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cũng đã có những quy định chung về vấn đề này, tuy nhiên, các luật sư vẫn cần được bồi dưỡng và phổ biến thêm do tồn tại nhiều khác biệt giữa các quy định trong hình thức tranh tụng truyền thống và tố tụng trọng tài. Ví dụ, trong tố tụng dân sự, quy trình thay đổi người tiến hành tố tụng có tính chính thức và quy định pháp luật rõ ràng, phức tạp. Trong khi đó, tại tố tụng trọng tài, quy trình linh hoạt hơn, cho phép các bên tự thỏa thuận và điều chỉnh, nhưng vẫn yêu cầu sự minh bạch và tiết lộ thông tin từ trọng tài viên.
 
Các chuyên gia trong Phiên thảo luận vấn đề 1 - Phần 2 (từ trái sang): LS. Ngô Thanh Tùng, LS. Lê Thành Kính, Ông Nguyễn Công Phú, LS. Nguyễn Chính
 
Phần 2 tập trung bàn luận về kỹ năng của luật sư trong kiểm soát quy trình tố tụng tại trọng tài trong từng giai đoạn với hai phiên thảo luận. Vấn đề kiểm soát giai đoạn đầu của quá trình tố tụng trọng tài được thảo luận dưới sự điều phối của LS. Ngô Thanh Tùng - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc Tế Việt Nam (VILAF), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và sự tham gia thảo luận: LS. Nguyễn Chính - Luật sư Thành viên Công ty Luật hợp danh NGHIÊM & CHÍNH, Trọng tài viên VIAC; LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC Ông Nguyễn Công Phú - Nguyên Thẩm phán – Phó Chánh tòa Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC.
 
Theo đó, các chuyên gia đều nhất trí, luật sư là người sẽ định hướng và tư vấn cho khách hàng, vì vậy, chính luật sư sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp. Như vậy, kỹ năng hàng đầu cần quan tâm liên quan đến xác định tính khả thi và đưa ra những yêu cầu phù hợp. Trong quá trình rà soát hồ sơ, luật sư cũng cần lưu tâm đến một số điểm như có khả năng rà soát Thẩm quyền Trọng tài, bao gồm Thỏa thuận trọng tài; Ngôn ngữ trọng tài ; thẩm quyền ký hồ sơ khởi kiện. Luật sư cũng phải có một chiến lược tố tụng rõ ràng, bao gồm việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu triệu tập Người làm chứng… thêm vào đó, việc lồng ghép các yếu tố như hoà giải để gia tăng cơ hội cho khách hàng cũng cần được cân nhắc.
 
Chuyên gia trong Phiên thảo luận vấn đề 2 - Phần 2 (từ trái sang): LS. Trần Anh Hiền, TS. LS. Châu Huy Quang, LS. Nguyễn Trung Nam, PGS. TS. Trần Việt Dũng
 
Bên cạnh đó, kỹ năng của luật sư nhằm xây dựng chiến lược quản lý quá trình giải quyết tranh chấp tại tọng tài cũng được bàn luạn. Phiên trao đổi được điều phối bởi: PGS. TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với sự chia sẻ từ các chuyên gia: TS. LS. Châu Huy Quang – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT Lawyers, Trọng tài viên VIAC; LS. Nguyễn Trung Nam - Luật sư Thành viên Cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC; LS. Trần Anh Hiền - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), Trọng tài viên VIAC. Sau đó, chương trình cũng được thiết kế nhằm tăng sự tương tác từ người tham dự bằng phần thảo luận giải quyết tình huống. Các luật sư tham dự thảo luận sôi nổi, qua đó, rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình hành nghề.
 
Một số hình ảnh khác tại Toạ đàm

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI