...

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) điều phối sự kiện thảo luận chuyên môn với chủ đề: “Giao thoa giữa các Truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”

01 Tháng 8, 2024

Chiều 25/04/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh – HICAC 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) điều phối sự kiện thảo luận chuyên môn với chủ đề: “Giao thoa giữa các Truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”.

Ảnh toàn thể Hội nghị

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN) và Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, với chủ đề xuyên suốt về “Hợp đồng Xây dựng và Trọng tài Quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột”. Chương trình đã diễn ra vào chiều ngày 25/04/2024, với sự tham dự của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế.

 

Các diễn giả tại phiên thảo luận

Phiên thảo luận do VIAC điều phối mang chủ đề: “Giao thoa giữa các Truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”. Trên thực tế, lĩnh vực trọng tài quốc tế luôn tồn tại sự giao thoa của đa dạng các hệ thống pháp luật. Với tốc độ toàn cầu hóa đang tăng nhanh, việc các tranh chấp có sự tham gia của các bên và Trọng tài viên đến từ các truyền thống pháp luật có sự khác biệt đang ngày càng phổ biến. Trong khi làn sóng hài hòa hóa pháp luật đang ngày càng lan rộng, thực tiễn lại cho thấy có sự khác biệt trong luật được lựa chọn để điều chỉnh, từ thỏa thuận trọng tài đến phán quyết trọng tài. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc hướng tới vận hành thủ tục tố tụng trọng tài một cách công bằng và hiệu quả.

Ảnh phiên thảo luận thứ nhất

Ở phiên nội dung thứ nhất, các diễn giả đã có phần thảo luận về sự tương tác của các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong một thủ tục trọng tài quốc tế và các hàm ý cho việc lựa chọn luật. Phiên thảo luận được điều phối bởi LS. Ngô Thanh Tùng - Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam VILAF, với sự tham gia của hai diễn giả là bà Charis Tan - Luật sư thành viên, Công ty Luật Peter & Kim và PGS.TS. Dương Anh Sơn - Trọng tài viên VIAC, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM.

Mở đầu phiên thảo luận, bà Charis Tan đã trình bày những thách thức thực tiễn của các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong thủ tục trọng tài quốc tế và một số lưu ý trong việc lựa chọn luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài. Tiếp đó, PSG. TS. Dương Anh Sơn đã làm rõ về các hệ thống pháp luật điều chỉnh trong thủ tục trọng tài quốc tế. Trọng tài quốc tế thường giải quyết các vụ việc mà các bên liên quan hoặc đối tượng của tranh chấp có thể liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Do đó, phán quyết trọng tài quốc tế thường chịu sự ảnh hưởng của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới. Theo PSG.TS. Dương Anh Sơn, có ít nhất 05 hệ thống luật khác nhau có thể ảnh hưởng đến một vụ kiện Trọng tài quốc tế, từ đó đặt ra thách thức trong việc lựa chọn pháp luật. Cùng với đó, Ls. Ngô Thanh Tùng đã tham gia điều phối phiên thảo luận mở rộng từ các nội dung trình bày của diễn giả và giải đáp các câu hỏi, thảo luận cùng người tham dự.

Ảnh phiên thảo luận thứ hai

Phiên nội dung thứ hai xoay quanh chủ đề về phong cách tố tụng tranh chấp và phong cách tố tụng xét hỏi trong trọng tài quốc tế. Phiên thảo luận được điều phối bởi LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phòng ADRs Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIART thuộc VIAC, và sự tham gia của các diễn giả Ls. Đào Như Ngọc Linh - Luật sư cộng sự, Công ty Luật Rajah & Tann LCT, Ls. Joel Quek - Luật sư thành viên, Công ty Luật WongPartnership và Ls. Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư thành viên, Công ty Luật YKVN – Singapore.

Mở đầu, LS. Dũng đã có phần dẫn đề về tổng quan về phong cách tố tụng xét hỏi và phong cách tố tụng tranh tụng trong thực tiễn trọng tài quốc tế tại Việt Nam, với sự quan sát và nhận định từ 14 năm thực thi Luật Trọng tài Thương mại 2010. Trong phần thảo luận, các diễn giả tập trung trình bày vấn đề giao nộp chứng cứ trong thực tiễn trọng tài quốc tế và cách tiếp cận của hai mô hình tố tụng đối với vấn đề này, từ đó đưa ra một số gợi ý áp dụng một số đặc điểm của phong cách tố tụng tranh chấp trong thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã có phần chia sẻ thêm từ góc nhìn thực tiễn hành nghề của mình.


Tải về Kỷ yếu Hội thảo Trọng tài Xây dựng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tại đây.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI