...

TS., Trọng tài viên VIAC Nguyễn Đình Cung: Bốn điểm nghẽn thể chế cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển

16 Tháng 12, 2024

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) đã chỉ ra bốn điểm nghẽn thể chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC)

Vì sao Việt Nam liên tục cải cách thể chế, luật pháp sửa đổi thường xuyên, chúng ta cũng đã nhận định từ những năm 2011 "cải cách thể chế là đột phá của đột phá". Vậy tại sao cải cách mãi mà kết quả lại không như mong đợi? Với vai trò nguyên Viện trưởng CIEM, Trọng tài viên VIAC, một người đã có đóng góp rất lớn trong cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh những năm qua, ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS., TTV Nguyễn Đình Cung: Tổng Bí thư đã nói, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và theo tôi thì thể chế là điểm nghẽn của rất nhiều điểm nghẽn.

Điểm nghẽn 1 là pháp luật đặt ra các rào cản, các trạm barrier’s để kiểm soát, quản lý, không phải một mà hàng trăm hành ngàn rào cản. Dự án đầu tư, công việc kinh doanh đi đến đó phải chậm lại, dồn toa và gây ùn tắc. Vì thế mà một dự án đầu tư có khi phải qua rất nhiều năm trời mới xong thủ tục. Khi xong thủ tục thì cơ hội kinh doanh không còn, các dự tính ban đầu đã thay đổi lại phải xin điều chỉnh.

Còn ở mức lớn hơn thì như cài răng lược, là khi luật pháp chồng chéo. Luật này thì quy định phải đi bên phải, luật kia quy định phải đi bên trái, tạo thế cài răng lược, doanh nghiệp, dự án không đi được, dẫn tới tắc nghẽn. Và vấn đề này tương đối phổ biến.

Một điểm nghẽn nữa, tôi gọi là điểm nghẽn thứ 3 là vướng mắc về xây dựng hạ tầng và bất động sản. Đang có hàng nghìn dự án xây dựng vướng mắc về mặt pháp lý, không thể triển khai được. Chúng ta có thể hình dung thực trạng này giống như hàng nghìn chiếc xe bị tạm giữ sau khi xảy ra vi phạm, tai nạn giao thông.

Dường như chúng ta đang không phân biệt được giữa "cái xe" và "người lái xe", giữa thể nhân và pháp nhân. Rõ ràng, vi phạm là người lái xe nhưng cái xe lại bị coi là vật chứng nên bị giữ ở đấy.

Khi vụ việc của ông lái xe chưa được giải quyết, dù rất nhiều năm thì cái xe vẫn nằm ở đây. Tương tự, các dự án cũng vậy, nằm chờ, không triển khai được. Thực tế cho thấy làm như vậy gây thiệt hại rất lớn không những cho pháp nhân liên quan mà cho cả nền kinh tế nói chung.

Cuối cùng, điểm nghẽn thứ 4, chỉ xuất hiện trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, là hiện tượng công dân và doanh nghiệp đưa hồ sơ lên trên cổng thông tin, công chức xử lý hồ sơ phải mang hồ sơ đi hỏi tất cả các đơn vị liên quan.

Trước đây thì hỏi 2-3 đơn vị là cùng, nay họ phải hỏi hết và đến khi nào tất các nơi trả lời là đồng ý thì hồ sơ mới được cho qua, còn có đơn vị nào trả lời không đồng ý hoặc chưa rõ ràng thì không qua được. Như vậy không tắc nghẽn mới lạ.

Trên đây là 4 điểm nghẽn lớn nhất mà tôi cho rằng chúng ta cần làm rõ khi bàn về điểm nghẽn thể chế.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn nêu trên?

TS., TTV Nguyễn Đình Cung: Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân tổng thể đầu tiên vẫn là tư duy. Tư duy quản lý hiện nay của chúng ta là tư duy quản không phải tư duy cho phát triển.

Để xử lý các điểm nghẽn trên, thứ nhất cần phân biệt "cái xe" và "ông lái xe", phân biệt giữa thể nhân và pháp nhân. Vi phạm là người quản lý, là thể nhân, còn doanh nghiệp là pháp nhân, dự án là tài sản của pháp nhân, không thể đóng băng tài sản pháp nhân làm vật chứng, đó chỉ là công cụ thực hiện công việc kinh doanh. Chúng ta đã nhìn nhận ra vấn đề này, đã bàn tới việc làm sao để cho hàng nghìn dự án tắc nghẽn đi vào hoạt động.

Nghị quyết của Đảng cũng nói "xử lý mà không hợp thức hóa sai phạm". Tuy nhiên, thế nào là "không hợp thức hóa sai phạm" lại chưa được làm rõ, dẫn tới khó triển khai trên thực tiễn.

Còn với điểm nghẽn thứ 4, chúng ta phải đặt vấn đề, tại sao trước đây không có hiện tượng này nhưng gần đây lại xuất hiện? Vì công chức cảm thấy không an toàn trong xử lý công việc.

Luật của ta, làm thế nào cũng có thể vi phạm, không vi phạm thông tư của Bộ này thì vi phạm thông tư Bộ kia, không vi phạm luật này thì vi phạm luật kia hoặc không vị phạm luật thời điểm này nhưng có thể vi phạm luật của 10 năm trước. Đội ngũ công chức làm việc nhưng không cảm thấy an toàn.

Để gỡ nút thắt này phải giải quyết được vấn đề "độ an toàn", lấy một "lằn ranh đỏ" là cán bộ xử lý không tư lợi, vì sự phát triển chung, lấy kết quả công việc để đánh giá không phải quy trình công việc để xử lý. Cùng với đó, người đứng đầu phải có cam kết bảo vệ tới cùng những người cán bộ như vậy.

Nếu tháo gỡ được hai điểm nghẽn trên, cũng là tháo gỡ được những vướng mắc cấp bách hiện nay thì mới mong xử lý được những vấn đề căn cơ, lâu dài về sau. Còn nếu không giải quyết được những vấn đề cấp bách nêu trên thì những vấn đề lâu dài muốn giải quyết như luật pháp, chính sách cũng không làm được.

Vậy theo ông, những vấn đề lâu dài về thể chế mà chúng ta cần tháo gỡ sẽ là gì?

TS., TTV Nguyễn Đình Cung: Như ở trên tôi đã nêu, điểm nghẽn 1 và 2 muốn xử lý thì khó hơn, lâu dài hơn. Lâu nay tôi không bình luận, góp ý vào bất cứ dự thảo luật nào, vì tôi cho rằng, cơ bản hiện nay làm luật chỉ tạo thêm gánh nặng, tạo thêm tắc nghẽn, không giúp giải quyết tắc nghẽn. Điều này đúng trên thực tế.

Lấy vị dụ đơn giản là thời gian vừa qua, để giải quyết vấn đề tắc nghẽn của thị trường bất động sản, chúng ta đã cùng 1 lúc thông qua 3 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của thị trường. Rồi chúng ta muốn xây dựng một luật sửa nhiều luật, cố gắng giải quyết tắc nghẽn trên thị trường nhưng lại tắc nghẽn thêm, đó là sự mâu thuẫn.

Rồi chúng ta xây dựng các nghị quyết đặc thù, đặc biệt nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Luật chưa ráo mực đã biết tạo tắc nghẽn, đã xin cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề.

Muốn giải quyết, thứ nhất tư duy làm luật, thứ 2 cách làm luật đều phải sửa. Nếu cứ dựa hoàn toàn vào bộ máy hành chính nhà nước để cải cách, xây dựng luật thì rất khó để thành công.

Tôi cho rằng, cần huy động nguồn lực xã hội để cải cách. Có thể thành lập đội tư vấn, gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp... để cải cách, xây dựng luật.

Có thể dùng 2-3 năm để cải cách 1 lĩnh vực của luật pháp. Giai đoạn này, năng lực ngoài xã hội rất nhiều, năng lực từ doanh nghiệp rất lớn và họ sẵn sàng đóng góp để giải quyết vấn đề. Tôi tin rằng chúng ta đủ năng lực để làm.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, cần có một người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình khi sử dụng bộ phận tư vấn để ra quyết định.

Tôi tin rằng, nếu làm được những việc trên, có thể giải quyết tắc nghẽn cho thị trường bất động sản, xây dựng hạ tầng trong vòng 1 tuần và sau đó sẽ là giải quyết được các vấn đề liên quan tới luật pháp, chính sách.

Một luật sửa nhiều luật được xem như 1 sáng tạo để khắc phục các vướng mắc hiện nay vì để sửa từng luật sẽ rất lâu. Tuy nhiên, ông cho rằng khó có hiệu quả, vậy có cách nào hay hơn không?

TS., TTV Nguyễn Đình Cung: Có cách rất hay là bỏ bớt luật đi. Theo tôi, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản để có thể bỏ 1 số luật. Ví dụ như, riêng Bộ Xây dựng hiện nay có tới 7-8 luật, trong khi việc duy nhất Bộ cần làm tốt là quản lý chất lượng xây dựng công trình.

Phải thay đổi tư duy làm luật nếu không một luật sửa nhiều luật hay các nghị quyết đặc thù cũng không tháo gỡ được điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Nhà Đầu tư đưa tin ngày 22/11/2024

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI