Kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm, điều quan trọng là Việt Nam phải duy trì một môi trường thân thiện về kinh doanh để có thể vượt qua những thách thức, khó khăn. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tự do kinh tế hay tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
"Đây được gọi là không gian "chơi". Nhưng, năng lực để "chơi" thì còn là vấn đề, trong đó có năng lực của cá nhân, năng lực của những người làm kinh doanh, năng lực của bộ máy, những nhà hoạch định chính sách, các vấn đề về quyền, quyền sở hữu tài sản, vấn đề cạnh tranh, vấn đề hiệu quả thị trường, nhân tố sản xuất, lao động, đất đai, vốn liếng, tài chính…Đây là những nền tảng và Việt Nam còn nhiều việc phải làm liên quan đến nền tảng này."
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự tăng trưởng rất nhanh và số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng giảm đáng kể (Luật Đầu tư năm 2014 có 267 ngành nghề, đến Luật đầu tư năm 2020 đã giảm còn 227 ngành nghề). Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng tăng, điều này cho thấy mức độ rủi ro và mức độ an toàn trong kinh doanh của doanh nghiệp đang còn vấn đề. Tuy nhiên, đây cũng là dư địa cho phát triển nếu chúng ta có những giải pháp kịp thời.
"Theo tôi cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh theo cải cách của Chính phủ, đặc biệt là những giải pháp đơn giản hóa về điều kiện ngành nghề kinh doanh, tự do thương mại và bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện các khoảng cách, các vấn đề và cả các bài học kinh nghiệm, từ đó chúng ta có động lực cải cách từ bên trong. Tiếp nữa là huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào việc xây dựng chính sách và thực hiện những đánh giá độc lập."
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thì đưa ra nhận định.
"Tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường là điều rất quan trọng. Ở Việt Nam tôi chỉ mong muốn hai điểm sau: Thứ nhất, môi trường kinh doanh công bằng giữa các khối doanh nghiệp với nhau như FDI và trong nước, trong nước thì có tư nhân và nhà nước; Thứ hai, làm thế nào để hộ kinh doanh của chúng ta mong muốn được nâng cấp lên thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đây là bài toán rất lớn."
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005, Hiến pháp 2013 (sửa đổi), Luật Đầu tư 2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Những dấu mốc này khẳng định Việt Nam là quốc gia có các chính sách hướng đến tự do hóa thương mại cũng như các thể chế thúc đẩy kinh tế thị trường. Đây là một trong những yếu tố để Việt Nam duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ấn tượng thời gian qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo còn nhiều khó khăn (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,2% và sẽ hạ xuống 2,7% năm 2023) thì các chính sách, thể chế thúc đẩy kinh tế thị trường, tự do hóa thương mại cần phải được thực thi thực chất, thường xuyên và liên tục hơn để tạo thêm không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.