Ngày 10/08/2024 vừa qua, tại Thành phố Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo Doanh nhân Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long) tổ chức Chương trình tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh”. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia giảng dạy của LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với hơn 40 học viên đại diện doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang hoạt động tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chia sẻ, sau nhiều biến động của thị trường, hình thức hợp tác kinh doanh dần trở nên quen thuộc và là lựa chọn hàng đầu mà nhiều doanh nghiệp nghĩ tới. Bởi lẽ, thông qua phương thức này, doanh nghiệp có thể tận dụng được thế mạnh của mình và đối tác để triển khai hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, loại hình hợp tác này cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi các bên tham gia phải có hết sức lưu tâm và lên kế hoạch cụ thể, xuyên suốt từ khâu đàm phán, xây dựng, ký kết, và thực hiện hợp đồng.
LS Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Tại Khóa tập huấn, LS Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ các vấn đề xoay quanh 3 chủ đề chính, bao gồm:
- Quy định pháp luật về Hợp đồng hợp tác kinh doanh và các bất cập khi áp dụng trên thực tế
- Lưu ý trong quá trình xây dựng, đàm phán và thực hiện hợp đồng
- Chiến lược kiểm soát quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh
LS. Kính giải thích, từ lâu, pháp luật đầu tư và Bộ luật Dân sự Việt Nam đã có quy định về các điều khoản ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy vậy, nhìn chúng, pháp luật chỉ đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, tạo khung pháp lý để doanh nghiệp tham gia hợp tác trong quá trình đầu tư kinh doanh. Các quy định liên quan này đang không đi vào chi tiết mà để không gian cho sự thoả thuận của các bên, đòi hỏi các bên tham gia phải có sự vận dụng linh hoạt và cân nhắc khi soạn thảo hợp đồng.
Ông Kính nhấn mạnh, việc kiểm soát quá trình hoạt động hợp tác kinh doanh là vô cùng quan trọng, các bên phải nắm rõ đối tác đang làm gì, triển khai như thế nào, kể cả trong trường hợp “giao khoán” cho đối tác. Ông Kính đề xuất các bên phải đặc biệt quan tâm và mở một tài khoản chung, mọi chi phí tiền ra – tiền vào đều phải được kiểm soát rõ ràng. Bởi lẽ tranh chấp phát sinh có thể bắt nguồn từ việc phân chia lợi nhuận, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong mọi trường hợp, để giảm thiểu rủi ro ở mức tối đa, các bên cần thành lập Ban điều phối chung, có thành viên của từng bên và được ban hành quy chế hoạt động rõ ràng để đảm bảo quá trình hợp tác được theo dõi một cách sát sao.
LS Kính cũng khuyến nghị thêm, các bên nên cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp có tính ưu tiên sự bảo mật để duy trì mối quan hệ đối tác sau này như trọng tài, hòa giải…
Toàn cảnh Khóa tập huấn
Khóa tập huấn đã trang bị cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực những kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý, nhận được nhiều phản ứng tích cực từ học viên.