...

VIAC tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Tòa Trọng tài Quốc tế Thâm Quyến (Shenzhen Court of International Arbitration – SCIA)

16 Tháng 10, 2024

Sáng ngày 13/10/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có buổi tiếp đón và làm việc cũng các đại diện đến từ Tòa Trọng tài Quốc tế Thâm Quyến (Shenzhen Court of International Arbitration – SCIA). Về phía VIAC, đại diện tiếp đón có GS. TS. Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch VIAC, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, cùng các cán bộ phụ trách hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải tại trung tâm. Về phía SCIA, đại diện đoàn công tác có TS. Liu Xiaochun – Chủ tịch SCIA, Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Nam Trung (SCIAHK) và Ông Huang Guoyong – Giám đốc Hợp tác quốc tế và phát triển dẫn đoàn. Buổi làm việc tập trung thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa VIAC và SCIA trong việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại Việt Nam, Trung Quốc và mở rộng ra là trong khu vực.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, GS. TS. Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch VIAC, chào mừng đoàn công tác SCIA đã ghé thăm và có buổi làm việc cùng VIAC. Chia sẻ về kết quả của hơn 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, GS. Hạnh nhận định hợp tác về kinh tế, thương mại đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).

Cùng đó, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, cũng đã có phần giới thiệu với đoàn công tác SCIA về Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). VIAC được thành lập vào năm 1993, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964). Là tổ chức trọng tài, hòa giải hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín quốc tế, những năm gần đây, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư và các lĩnh vực khác với các bên tranh chấp đến từ hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trải qua hơn ba thập kỷ hình thành và phát triển, VIAC đã không ngừng lớn mạnh, đem lại niềm tin và là chỗ dựa về công lý của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tiếp lời các đại diện VIAC, TS. Liu Xiaochun – Chủ tịch SCIA, Chủ tịch SCIAHK, cũng gừi lời chào và bày tỏ sự vui mừng trước sự đón tiếp nồng hậu tại buổi làm việc của Ban Điều hành và các cán bộ chuyên trách VIAC. Ông chia sẻ rằng SCIA được thành lập năm 1983 và cũng đóng vai trò quan trọng tại Trung Quốc khi là tổ chức trọng tài đầu tiên tại khu vực Vùng Vịnh lớn (Greater Bay Area). SCIA cung cấp cho các bên mang quốc tịch Trung Quốc và quốc tế dịch vụ giải quyết các tranh chấp về thương mại và đã được ghi nhận những nỗ lực trong việc duy trì tính độc lập, công bằng và sáng tạo trong quy trình trọng tài. SCIA đã đón nhận việc áp dụng công nghệ trong tố tụng trọng tài thông qua việc đưa ra các hệ thống như e-Court, e-Judge và e-Arbitration, giúp hoàn thiện quy trình giải quyết tranh chấp.

Nhận thấy rằng VIAC cùng với SCIA đều có chung mục tiêu thúc đẩy quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và mong muốn củng cố quan hệ giao thương, đặc biệt thông qua các cơ chế như trọng tài và hoà giải, hai bên đã gợi mở các sáng kiến hợp tác tiềm năng trong thời gian tới nhằm hiện thực qua các mục tiêu trên. Đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giao thương và đầu tư mạnh mẽ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, nhu cầu sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế để quản lý các tranh chấp thương mại cũng ngày càng tăng.

Ông Huang Guoyong – Giám đốc Hợp tác quốc tế và phát triển SCIA, nhấn mạnh rằng, với tư cách là những tổ chức hàng đầu trong khu vực/tại quốc gia của mình, hợp tác giữa VIAC và SCIA trong việc phát triển ADR sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tại cả Việt Nam và Trung Quốc. Sự hợp tác này sẽ giúp thắt chặt quan hệ kinh tế, thúc đẩy giao thương, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia, cũng như nâng tầm quan hệ với các nền kinh tế toàn cầu khác.

Vũ Thị Hằng - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế tại VIAC chia sẻ VIAC trước đó cũng từng hợp tác với một số tổ chức trọng tài khác của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong năm 2024, Đoàn đại biểu của VIAC đã gặp gỡ đại diện của Bộ Tư pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Hồng Kông tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 09 năm 2024. Trước đó, vào ngày 08 tháng 05 năm 2024, VIAC và Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Trọng tài Quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam” để củng cố quan hệ giữa hai quốc gia.

Chia sẻ về các cơ hội hợp tác trong tương lai, VIAC và SCIA tập trung thảo luận về việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giải quyết tranh chấp, đây được coi là một trong những định hướng quan trọng đối với sự phát triển của ADR trong tương lai, đặt trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Từ chia sẻ của đại diện SCIA, có thể thấy SCIA đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực này, với những hệ thống tiên tiến được xây dựng, đặt ra quy chuẩn trong việc giải quyết tranh chấp trực tuyến. Về phía VIAC, ngay từ năm 2017, VIAC đã bước đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải. Tháng 6/2024, VIAC đã chính thức ra mắt và đưa vào vận hành Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến – VIAC eCase. Theo đó, VIAC cũng thể hiện mong muốn có các buổi trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu hơn với SCIA để có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tiếp tục cải thiện và tăng cường trình độ, năng lực công nghệ của Trung tâm nhằm cung cấp cho người dùng trọng tài, hòa giải dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến nhanh và hiệu quả hơn.

Bên cạnh hợp tác về công nghệ, hai bên đã thảo luận việc hợp tác tổ chức các sự kiện như là Hội thảo, hội nghị và các chương trình đào tạo với trọng tâm là những khó khăn pháp lý và thực tiễn mà các doanh nghiệp của cả hai quốc gia phải đối mặt. Những sự kiện này sẽ không chỉ đem lại kiến thức toàn diện về khuôn khổ pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc, đặt biệt là trong lĩnh vực luật thương mại, đầu tư và hợp đồng mà còn chia sẻ những cái nhìn thực tiễn từ các tranh chấp thật được giải quyết bằng trọng tài. Bên cạnh đó, thông qua buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi về việc tiến tới ký kết Thỏa thuận hợp tác về các hoạt động có thể phối hợp triển khai nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chung mà hai bên hướng tới. Theo đó, VIAC và SCIA sẽ triển khai hợp tác trong việc trao đổi thông tin chuyên môn, phối hợp tổ chức các sự kiện như tọa đàm, hội thảo, khóa đào tạo hay phát hành các ấn phẩm trong lĩnh vực trọng tài, hòa giải và lĩnh vực phù hợp khác.

Buổi làm việc giữa VIAC và SCIA khép lại với những mục tiêu chung được đưa ra và kỳ vọng về việc tiến tới triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong việc thúc đẩy sự phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả đối với các tranh chấp nội địa cũng như các tranh chấp xuyên biên giới. Với các nội dung hợp tác dự kiến triển khai nêu trên, VIAC và SCIA mong muốn không chỉ đồng hành cũng cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh mà còn hướng tới góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI