Hình ảnh diễn giả tham gia Hội nghị
Sáng ngày 14 tháng 3 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội nghị “Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới”. Toạ đàm có sự tham dự của các đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành Thành phố; Ban quản lý các KCX – KCN, khu công nghệ cao; các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI; các chuyên gia tư vấn thuế, đầu tư, luật; cán bộ các Viện nghiên cứu/Trường Đại học và các cơ quan truyền thông báo đài của Thành phố.
TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Mở đầu Hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có bài phát biểu khai mạc, nêu lên tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu và thực thi của Việt Nam. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, sẽ có khoảng 120 tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam (với hơn 1000 doanh nghiệp liên quan) là đối tượng bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Như vậy, gánh nặng về thuế do thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích từ ưu đãi thuế mà nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trong thu hút FDI, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt giữa các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Theo ông Lộc, các vấn đề bức thiết cần quan tâm hiện này là làm sao để duy trì chất lượng của môi trường đầu tư, thu hút được các dòng vốn đầu tư chất lượng cao như cơ chế cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế, hướng dẫn về kiểm soát khả năng khiếu nại, xử lý tranh chấp, bảo đảm quyền lợi cho người đầu tư…
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Về phía Thành phố Hồ Chí Minh, Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã có bài phát biểu đề dẫn, nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐTNN đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ông An cho biết chiến lược “friend-shoring” và “near-shoring” tiếp tục được dự đoán sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với nhiều biến động, giữa các căng thẳng địa chính trị. Điều này đặc biêt có ý nghĩa khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn cho khoản đầu tư của mình. Xu hướng đầu tư về đổi mới sáng tạo, công nghệ mới, vật liệu mới, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… tiếp tục thu hút sự quan tâm và đón nhận của các nhà đầu tư. Như vậy, với độ mở kinh tế lớn, môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tăng trưởng ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện cùng các đổi mới về chính sách, nâng cấp các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia, năm 2024 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm “đột phá” đối với Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các cơ hội mở ra, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đối với Việt Nam, việc thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút ĐTNN và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tiếp nối phần khai mạc, ba diễn giả chính gồm ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); và Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã lần lượt trình bày các bài tham luận xoay quanh chủ đề của Hội nghị.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tại Hội nghị tham luận với chủ đề “Thu hút FDI – Góc nhìn đa chiều từ bối cảnh mới”. Ông Thành cho biết, thế giới đang chuyển mình rất mạnh mẽ, không chỉ Việt Nam tái cấu trúc mà các quốc gia đang có nhiều thay đổi mang tính “bước ngoặt”. Về tổng thể, Việt Nam hiện nay đang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào. Không chỉ vậy, với sự ổn định chính trị cùng cam kết đồng hành sát sao từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành và sự hội nhập sâu rộng kinh tế - quốc tế khi gia nhập 17 FTAs (CTPPP, EVFTA, RCEP, AEC,… Việt Nam có thể được xem như một trung tâm đầu tư kinh doanh của thế giới, là đối tác đáng tin cậy. Tuy vậy, việc hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý đang được tiến hành từng bước nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong hoàn cảnh đó, TP Hồ Chí Minh cần làm tốt hai vấn đề là tiên phong trong xây xây dựng thể chế và thu hút nhà đầu tư chiến lược. Chúng ra cần quan tâm đặc biệt đến yếu tố con người, tiếp tục đầu tư vào môi trường sống, chất lượng cuộc sống, cùng với đó là cải cách về thể chế, cải thiện tính ổn định trong môi trường đầu tư, xây dựng niềm tin – đó là kiến tạo “thỏi năm châm” hút nhân tài, hút nhà đầu tư chiến lược về cho đất nước.
Nối tiếp phần trình bày của TS. Võ Trí Thành, Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có phần chia sẻ về về chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư trong bối cảnh mới. Ông Sử thông tin đến hội nghị, theo nghiên cứu, hầu hết các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) áp dụng các ưu đãi về thuế, trong khi đó, các nước phát triển có xu hướng hỗ trợ bằng tiền. Khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, pháp luật về đầu tư, đặc biệt liên quan đến các ưu đãi cho doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với các hiệp định này. Như vậy, khi Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp sẽ còn hưởng lợi ít. Điều này sẽ khiến họ thực sự cân nhắc. Chúng ta cần phải giải được bài toán cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và quốc gia. Ông Sử kiến nghị chúng ta cần nhanh chóng, khẩn trương đưa ra kế hoạch, giải pháp ưu đãi thay thế cũng như một bộ tiêu chuẩn trong đó quy định rõ đối tượng, hình thức và mức ưu đãi được nhận. Bộ tiêu chuẩn càng minh bạch, càng cụ thể thì lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng vững chắc.
TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trao đổi tại Hội nghị liên quan trực tiếp tới thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tận dụng Nghị quyết 98. Ông Vũ cho biết, Nghị quyết 98 hiện nay đã tạo cơ chế, cho Thành phố Hồ Chí Minh không gian để phát triển theo đúng vị thế đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc đưa Nghị quyết này đi sâu vào thực tiễn là không dễ dàng, bởi lẽ, một số cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh vẫn vướng mắc, có thể kể tới như quy định về đấu thầu của nhà đầu tư chiến lược.
Đại biểu trao đổi trong Phiên Thảo luận
Tại phiên thảo luận, với sự chủ trì của TS. Trương Minh Huy Vũ cùng sự góp mặt của đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các Sở ban ngành, Ban Quản lý KCX – KCN Thành phố, các chuyên gia thuộc các Viện nghiên cứu/Trường đại học, các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và các doanh nghiệp FDI… Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp đột phá cho TP.HCM đạt được các mục tiêu về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Hội nghị hôm nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ những vấn đề quan tâm, trao đổi những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và kiến nghị một số giải pháp liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
*Tài liệu Hội nghị: Vui lòng truy cập tại
ĐÂY