Chiều ngày 11/01/2024 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Luật sư liên Thái Bình Dương (Inter-Pacific Bar Association – IPBA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Chiến lược giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Trọng tài quốc tế và những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế”.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn mở ra diễn đàn thảo luận, trao đổi và cập nhật thông tin, xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế và các ADRs khác trong khu vực. Chương trình đã diễn ra với sự tham gia của 11 diễn giả là các luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm từ Việt Nam, Nhật Bản và Singapore, thu hút sự quan tâm của gần 100 người tham dự là luật sư, luật gia, đại diện từ các cơ sở đào tạo cùng các đơn vị truyền thông trên địa bàn Hà Nội.
Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – chia sẻ, những năm vừa qua lĩnh vực giải quyết tranh chấp tại châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng không ngừng phát triển. Cùng với sự biến động của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, vai trò của trọng tài và các phương thức ADRs khác đang ngày càng trở nên quan trọng với tư cách là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ông cũng nhận định, Việt Nam đang tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta chứng kiến quá trình hội nhập kinh tế không ngừng, và cùng với đó là nhu cầu ngày càng tăng về những cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch.
Với việc phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo, theo ông Vũ Ánh Dương, đây là diễn đàn để các luật sư, trọng tài viên, người sử dụng trọng tài đối thoại, trao đổi về cách thức để trọng tài có thể trở thành một phần trong chiến lược của DN và nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
“Đây cũng là mục tiêu của IPBA khi phối hợp với các tổ chức trọng tài khu vực để tổ chức các hoạt động xúc tiến ADR…”-Luật sư Vũ Ánh Dương khẳng định.
Bà Diệp Hoàng - Đại diện của Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư liên Thái Bình Dương (IPBA)
Luật sư Diệp Hoàng - Đại diện Công ty Luật TNHH Dilinh, đồng thời đảm nhiệm vị trí đại diện của Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư Châu Á-Thái Bình Dương (IPBA) - đã có phần giới thiệu về IPBA và gửi lời chào đến các thành viên IPBA tại Việt Nam cùng người tham dự. Bà Diệp chia sẻ, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu cốt lõi của IPBA – một hiệp hội của các luật sư chuyên về kinh doanh và thương mại với hơn 1.500 thành viên từ hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, IPBA rất vinh hạnh được đồng hành cùng VIAC tổ chức sự kiện này. Đây cũng chính là nỗ lực của IPBA trong việc kết nối với cộng đồng các luật sư ở Việt Nam cũng như mở ra diễn đàn trao đổi đặc biệt về thực tiễn giải quyết tranh chấp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như một số nền tài phán cụ thể.
Ông Tezuka Hiroyuki – Giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Nhật Bản (JIMC-Kyoto), Luật sư thành viên Công ty Luật Nishimura & Asahi
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tezuka Hiroyuki – Giám đốc Trung tâm Hòa giải Quốc tế Nhật Bản (JIMC-Kyoto), Luật sư thành viên Công ty Luật Nishimura & Asahi dẫn kết quả khảo sát được thực hiện với một số trung tâm trọng tài tại châu Á, (VIAC, SIAC, HKIAC) cho biết, trong năm 2022, các trung tâm này đều tiếp nhận hàng trăm vụ việc mới, và 2 trung tâm trọng tài tại châu Á được xếp hạng trong Top 3 trung tâm trọng tài được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới.
“Điều này cho thấy sự phát triển và tăng tốc đáng kinh ngạc của các trung tâm trọng tài châu Á, khẳng định hiệu quả của trọng tài thương mại. Với những ưu điểm như bảo mật, linh hoạt, phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm,... các DN đang ngày càng quan tâm và chú trọng tìm hiểu trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, hòa giải thương mại cũng là một phương thức dần trở nên phổ biến, sau khi Công ước Singapore về hòa giải thương mại được ký kết vào năm 2020…”- ông Tezuka Hiroyuki chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) thuộc VIAC, Trọng tài viên VIAC
Dẫn báo cáo của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) thuộc VIAC, Trọng tài viên VIAC cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận nhiều đối tác quan trọng trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Trong bối cảnh đó, ADR tại Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực. Số liệu từ Bộ Tư pháp ghi nhận số lượng trọng tài viên tại Việt Nam là 1000 trọng tài viên, hoạt động tại 45 trung tâm trọng tài trên toàn quốc, cùng với đó là 100 hòa giải viên trực thuộc 17 trung tâm hòa giải. Riêng tại VIAC, trong năm 2023 vừa qua đã tiếp nhận hơn 400 vụ việc mới, với giá trị vụ tranh chấp lớn nhất lên tới 270 triệu USD.
“Để có được những thành tựu ấn tượng này, không thể không kể tới sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trên nhiều phương diện, bao gồm: dự thảo sửa đổi Luật Trọng tài thương mại với nhiều thay đổi để ngày càng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; sự hỗ trợ của hệ thống của Tòa án…”- ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, với những chuyển biến tích cực như trên, ADR tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, như việc kết hợp hòa giải và trọng tài trong quy trình liên thông Arb - Med - Arb đang được triển khai tại VIAC và VMC; sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp chuyên biệt cho các lĩnh vực, ví dụ như Ban Phân xử tranh chấp (DAB) trong tranh chấp xây dựng. Tại Hội thảo, đại diện VIART cũng đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sách, hướng tới mục tiêu phát triển ADR tại Việt Nam.
Trong phiên tiếp theo, hội thảo tập trung thảo luận về chủ đề “Trọng tài và ADRs trong hoạt động đầu tư xuyên biên giới thông qua các dự án Mua bán & sáp nhập và Phát triển cơ sở hạ tầng”. Tại các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,... M&A cũng là thị trường sôi động và có giá trị giao dịch lớn. Đối với lĩnh vực dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, các quy định pháp lý và nội dung hợp đồng có nhiều thay đổi sau thời kỳ đại dịch COVID-19. Cụ thể, quy định về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhận được nhiều sự chú trọng, bao gồm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe dân cư, chống cưỡng bức lao động,...
Các hợp đồng được các bên giao kết trên cơ sở hợp tác, hướng tới các lợi ích chung thay vì lợi ích riêng cho từng bên giao kết hợp đồng như trước đây. Bên cạnh đó, điều khoản bất khả kháng cũng được chú ý hơn trong quá trình soạn thảo và giao kết hợp đồng.
Như vậy, trong lĩnh vực M&A, theo quan sát từ chuyên gia, các tranh chấp phát sinh sau giai đoạn mua bán và sáp nhập thường liên quan đến một số vấn đề, như cam đoan và bảo đảm trong hợp đồng mua bán cổ phần, các giới hạn trách nhiệm trong hợp đồng, yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp có những thay đổi về thị trường,...
Ông Nguyễn Nam Trung - Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN)
Về vấn đề giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, Ông Nguyễn Nam Trung - Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Người Phân xử FIDIC – có phần chia sẻ về việc áp dụng cơ chế Ban giải quyết tranh chấp (“Dispute board”) trong tranh chấp xây dựng tại Việt Nam. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát từ Báo cáo Giải quyết Tranh chấp trong lĩnh vực Xây dụng năm 2021, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Ban Giải quyết Tranh chấp chiếm 7.9%, so với Thương lượng – chiếm 80.7% và Tòa án – chiếm 29.5%. Tiếp đó, ông Trung cũng đưa ra một số thách thức đối với việc áp dụng cơ chế trên, chủ yếu liên quan đến việc pháp luật Việt Nam thiếu các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp Hợp đồng Xây dựng thông qua Ban Giải quyết Tranh chấp. Kết thúc phần trình bày, ông Trung đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả áp dụng cơ chế nói trên trong việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam trong tương lai.
Ông Phan Trọng Đạt – Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Theo ông Phan Trọng Đạt – Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, hiện trên thế giới các DN đang có xu hướng tích hợp điều khoản kết hợp các phương thức giải quyết tranh chấp ADRs trong hợp đồng. Bên cạnh đó, các trung tâm trọng tài cũng có xu hướng đa dạng hóa sản nhằm đáp ứng nhu cầu của DN.
“Nắm bắt được xu thế trên, VMC đã phát triển hai sản phẩm dịch vụ kết hợp mới, bao gồm quy trình kết hợp Hòa giải – Trọng tài (Med-Arb), và quy trình kết hợp Trọng tài – Hòa giải – Trọng tài (Arb-Med-Arb). Đây là các sản phẩm đặc thù, thể hiện ở cơ chế phối hợp giữa VIAC và VMC trong khi hai thủ tục tố tụng trọng tài và thủ tục hòa giải được tiến hành độc lập và song song. Với các ưu điểm về kết quả, chi phí cũng như thời gian giải quyết tranh chấp, VMC kỳ vọng các sản phẩm kết hợp trên sẽ đáp ứng được nhu cầu của DN trong thời gian tới…”- Quyền Giám đốc VMC chia sẻ.
Chương trình khép lại với phần thảo luận hỏi đáp giữa chuyên gia và người tham dự. Trong đó các thảo luận tập trung hướng tới mục tiêu phát triển ADR ở Việt Nam thông qua việc nhận diện và tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn áp dụng Trọng tài và các phương thức ADR trong giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp quốc tế. Nhiều ý kiến cũng đề xuất rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để chặt chẽ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu chính là nâng cao và hiện đại hóa hệ thống pháp luật, tạo ra một khung pháp lý toàn diện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các cải tiến này có thể bao gồm sửa đổi, bổ sung và thay đổi các luật lệ để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp xuyên biên giới.