...

VIAC và ITPC tổ chức Hội nghị tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh”.

05 Tháng 6, 2024
 
Nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý trong hợp tác kinh doanh, ngày 31/5/2024, Trung tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội nghị tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh”.
 
Chương trình được tổ chức nhằm trang bị cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý. Đồng thời, chương trình cũng cung cấp thông tin về các thay đổi trong bối cảnh, chính sách và môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC)
 
Phát biểu khai mạc chương trình, Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chia sẻ đi cùng nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, hợp đồng hợp tác nói chung và hợp đồng hợp tác kinh doanh nói riêng đã và đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho nhiều doanh nghiệp nhờ vào nhiều ưu điểm nổi trội như tính linh hoạt hợp đồng, dễ dàng giao kết và tôn trọng thoả thuận của các bên. Tuy vậy, bên cạnh những ưu thế trên, việc thực hiện hoạt động hợp tác kinh doanh trên thực tế cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế nhất định, đòi hỏi các bên tham gia phải có chiến lược xuyên suốt từ khâu đàm phán, xây dựng, ký kết, và thực hiện hợp đồng.
 
 Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
 
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, pháp luật đầu tư và Bộ luật Dân sự Việt Nam mặc dù đã quy định khá rõ về các điều khoản ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thế nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại một số điều khoản còn mâu thuẫn trong pháp luật điều chỉnh chung cho quan hệ hợp đồng BCC. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến lợi ích của các bên ký kết hợp đồng. Ông Bắc nhấn mạnh, nhiều loại hình tranh chấp mới đã phát sinh từ loại hình hợp đồng không mấy xa lạ này. Theo đó, một xu hướng điển hình có thể thấy là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân không có hoặc chưa nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực bất kỳ cộng tác với doanh nghiệp, cá nhân khác để giúp lên kế hoạch, thiết kế, quản lý và vận hành dự án. Một mặt, điều này giúp doanh nghiệp, cá nhân giảm gánh nặng về việc phải nghiên cứu các loại hình, lĩnh vực kinh doanh, đầu tư mới. Nhưng mặt khác, phương thức hợp tác này có thể dẫn đến nhiều rủi ro hơn liên quan đến quy trình giám sát, báo cáo và phân chia lợi nhuận giữa các bên. Từ thực tiễn này, doanh nghiệp được yêu cầu cần phải kỹ lưỡng và chi tiết hơn việc đàm phán, soạn thảo cũng như quản lý quá trình thực hiện hợp đồng.
 
 PGS. TS. Dương Anh Sơn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. HCM
 
Tại buổi Tập huấn, PGS. TS. Dương Anh Sơn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. HCM với chủ đề “Hợp đồng hợp tác kinh doanh và một số bất cập trong hệ thống VBQPPL điều chỉnh.” Trong bài tham luận, PGS. TS. Dương Anh Sơn mang đến góc nhìn tổng quan về các quy định điều chỉnh liên quan đến hoạt động hợp tác kinh doanh cũng như những lưu ý về một số yếu tố quan trọng trong hợp đồng. Hoạt động hợp tác đầu tư là một trong những hoạt động then chốt, nhằm cộng hưởng giá trị của nhiều bên để sự phát triển chung của doanh nghiệp. Mặc dù, pháp luật đã đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, tạo khung pháp lý để doanh nghiệp tham gia hợp tác trong quá trình đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, các quy định liên quan này đang không đi vào chi tiết mà để không gian cho sự thoả thuận của các bên, đòi hỏi các bên tham gia phải có sự vận dụng linh hoạt và cân nhắc khi soạn thảo hợp đồng.
 
  LS Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
 
Từ bước đầu tiếp cận với các quy định pháp luật điều chỉnh liên quan đến hoạt động hợp tác kinh doanh, LS Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã trình bày những kỹ năng thực tiễn trong bước đầu hình thành được chiến lược lược đàm phán và xây dựng điều khoản hợp đồng với chủ đề “Đàm phán, xây dựng và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh”. LS Lê Thành Kính đã định hình cho doanh nghiệp vị thế của mình và xây dựng phương án đàm phán trong quan hệ hợp tác. Ông Kính cho biết, phạm vi đàm phán trong hợp đồng BCC rất quan trọng, những vấn đề mấu chốt bao gồm hình thức hợp tác, hình thức phân chia lợi nhuận, cơ chế đồng kiểm soát, giúp doanh nghiệp lưu ý và tránh các vấn đề phát sinh tranh chấp không đáng có. Tiếp đến, Ông Kính hướng dẫn cách thức xây dựng điều khoản trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó, các bên nên thành lập ban điều phối trung gian tham gia vào quá trình thực hiện các điều khoản của hợp đồng.
 
Luật sư Phạm Quốc Tuấn – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
 
Tham gia chia sẻ tại chương trình, Luật sư Phạm Quốc Tuấn – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC đã có phần trình bày liên quan đến các yếu tố cần chú ý trong quá trình thực hiện hợp đồng cơ chế quản lý, giám sát chéo và phương thức giải quyết tranh chấp trong quá trình hợp tác.
Luật sư Tuấn chỉ ra những tranh chấp phát sinh có thể bắt nguồn từ việc phân chia lợi nhuận, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc do bất đồng khi khi một bên muốn rút vốn/chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh trước thời hạn đã được thỏa thuận. Trong mọi trường hợp, để giảm thiểu rủi ro ở mức tối đa, các bên cần thành lập Ban điều phối chung, có thành viên của từng bên và được ban hành quy chế hoạt động rõ ràng để đảm bảo quá trình hợp tác được theo dõi một cách sát sao. Trong đó, ông Tuấn nhấn mạnh, sự kiểm soát chéo trong hợp đồng hợp tác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển chung, không phải là để các bên kìm kẹp, gây sự căng thẳng trong quá trình hợp tác. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm như yêu cầu thế chấp, hay có chứng cứ bảo lãnh ngân hàng cũng là cách tốt để kiểm soát nghĩa vụ góp vốn của các bên.
Trong trường hợp đã có tranh chấp phát sinh, các bên nên cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp có tính hoà hảo, toàn vẹn đôi bên để gìn giữ mối quan hệ đối tác như hoà giải thương mại. Ngoài ra, với những ưu điểm như nhanh chóng, bảo mật, và chung thẩm, trọng tài cũng là một lựa chọn phù hợp các bên có thể cân nhắc.
 
 
Sự kiện tập huấn đã kết thúc thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình từ các diễn giả và các học viên tham dự. Trung tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng các diễn giả hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tại sự kiện sẽ góp phần quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả trong quá trình hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI