...

VIAC và ITPC tổ chức Hội thảo "Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư"

19 Tháng 7, 2024
Toàn cảnh Hội thảo “Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư”
 
Với mục tiêu phổ biến thông tin Luật Đất đai 2024 đến cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ các nước đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đồng thời trao đổi, thảo luận các vấn đề pháp lý phát sinh và khuyến nghị cho nhà đầu tư khi Luật có hiệu lực, sáng ngày 17/7/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội thảo “Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư” với sự có mặt của gần 300 đại biểu gồm nhiều doanh nghiệp FDI, luật sư,... tham dự.
 
 
 Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu tại Hội thảo
 
Tại Hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Một số điểm mới đáng chú ý bao gồm: bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; sửa đổi quy định về phân loại đất; tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 còn có các điều khoản phân cấp, phân quyền cho địa phương để phù hợp với thực tế từng địa phương và luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
 
Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá chung về các tranh chấp liên quan đến đất đai trong mà VIAC thụ lý trong năm 2023
 
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, thống kê tại VIAC năm 2023 đã cho thấy sự gia tăng về số lượng tranh chấp bất động sản, ghi nhận khoảng 26.18% trên tổng số vụ, trong đó có các vụ có liên quan đến yếu tố đất đai. Tuy nhiên, do sự giới hạn của quy định pháp luật, các tranh chấp này thường gây nên những băn khoăn nhất định cho các bên và Hội đồng Trọng tài về yếu tố thẩm quyền giải quyết; tuy nhiên, trong Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã có cơ chế khắc phục vấn đề này. Trên phương diện đầu tư, ông Bắc đánh giá, với nhiều cải tiến trong Luật Đất đai hiện tại, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại. Do đó, đến trước thời điểm luật có hiệu lực, nhà đầu tư cần nhanh chóng trang bị những kiến thức, thông tin cần thiết để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới.
 
 
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên VIAC phân tích điểm mới của Luật Đất đai 2024
 
Trong phần trình bày, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên VIAC đã nêu rõ những điểm mới và các cải tiến của Luật Đất đai 2024 đối với nhà đầu tư, cùng với một số vấn đề cần chú ý trong cách hiểu và vận dụng các quy định pháp luật mới về đất đai, nhằm đánh giá những tác động đến môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Hiếu cho biết, những cải cách mới trong Luật Đất đai 2024 tập trung cải thiện 05 nhóm nội dung chính, bao gồm: 
  1. Tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường - minh bạch - công khai; 
  2. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất; 
  3. Chính sách tài chính đất đai; 
  4. Chú trọng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;
  5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh rằng, muốn hiểu đúng, nhìn nhận đúng các vấn đề đặt ra từ Luật, cần tiếp cận các quy định một cách tổng thể và toàn diện dựa vào 03 yếu tố: chủ thể - loại dự án - loại đất. Theo ông Hiếu, Luật Đất đai sửa đổi cho phép tính "thỏa thuận" được nới rộng, trong đó các quy định liên quan đến chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho,... góp vốn và chuyển đổi quyền sử dụng đất được làm rõ, giúp người dân cũng như nhà đầu tư được tiếp cận đất dễ dàng hơn. Có thể đánh giá rằng, đây là bước nhảy vọt của quy định pháp luật. Thêm vào đó, ông Hiếu cũng chỉ ra những nỗ lực của Luật Đất đai mới nhằm đồng bộ hóa với các quy định khác tại Luật Đầu tư 2020 để tháo gỡ những khó khăn đang tồn đọng hiện nay cho nhà đầu tư. 
 
LS. Nguyễn Văn Hải - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN đánh giá các tác động của Luật Đất đai mới đối với nhà đầu tư
 
Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư, LS. Nguyễn Văn Hải - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, nêu ra những vấn đề pháp lý phát sinh cho nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi thực thi khuôn khổ pháp lý mới, bao gồm việc áp dụng Luật Đất đai và các luật liên quan vào các giao dịch thực tiễn, cùng với các khuyến nghị về quản trị rủi ro trong bối cảnh hành lang pháp lý mới, từ đó giúp các nhà đầu tư định hướng chiến lược kinh doanh một cách an toàn và hiệu quả hơn. Theo ông Hải, Luật Đất đai 2024 cho phép nhiều cơ chế kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trong thời gian vừa qua. Trong đó, điển hình là việc cho phép sử dụng đất khác để thực hiện dự án đầu tư nhà ở thương mại theo thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận hay cho phép chuyển hình thức trả tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Ông Hải cũng phân tích các quy định có tác động quan trọng khác như liên quan đến hình thức trả tiền thuê đất hay thay thế khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng góp phần mở cửa đón một lượng lớn Việt kiều trở về quê hương đầu tư, kinh doanh, góp phần làm sôi động hơn thị trường đất đai, bất động sản trong thời gian tới. Ông Hải phân thích thêm, với tiềm năng thị trường sắp tới, việc tranh chấp xảy ra là điều khó tránh khỏi. Do đó, với sự mở rộng, bổ sung phương thức giải quyết bằng tranh chấp liên quan đến đất đai bằng Trọng tài thương mại Việt Nam theo điều 236, ngoài các hình thức của luật cũ là UBND hoặc Tòa án sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho hệ thống tư pháp, gia tăng sự lựa chọn cho các bên tranh chấp. 
 
Các chuyên gia tham gia Phiên thảo luận
 
Trong phần thảo luận với sự điều phối của ông Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Global Vietnam Lawyers, Trọng tài viên VIAC cùng các chuyên gia đã giải đáp và thảo luận nhiều câu hỏi của doanh nghiệp FDI liên quan đến các thay đổi, tác động của Luật Đất đai đối với thị trường về việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, … ; đồng thời làm rõ các điều khoản trong Luật liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, chủ sở hữu là người nước ngoài và các luật liên quan khác. 
 
-------------------------------------
Tài liệu sự kiện: Vui lòng truy cập tại ĐÂY

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI