Sáng ngày 20 tháng 9 năm 2024, Phiên Toàn thể Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 - Kỳ 2 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan có thẩm quyền, luật sư, chuyên gia, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ông Hoan nhận định, phát triển kinh tế bền vững đang là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn cũng không nằm ngoài xu thế này. Ông Hoan thông tin tới hội nghị, mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh Giai đoạn 2024 – 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” trong phát triển, nổi bật trong đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo. Như vậy, Thành phố đã Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, đã có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 - đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại thành phố. Tuy nhiên, bản thân thành phố vẫn đau đáu rằng liệu với chính sách tạo điều kiện, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh có đang thuận lợi không đối với nhà đầu tư. Theo đó, ông Hoan hoan nghênh ý tưởng thực hiện diễn đàn, đây là cơ hội để thành phố đến gần và lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, từ đó, có sự cải cách trong môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu. Dù vậy, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng. Không chỉ vậy, rủi ro hơn, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại. Ông Lịch đánh giá, TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tuy vậy vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 đối với lĩnh vực này gặp không ít thách thức. Từ đây, ông Lịch nhấn mạnh việc chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng phối hợp trong việc nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp; cùng với đó, ông cũng kỳ vọng các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ Thành phố trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành diễn ra an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Diễn đàn được triển khai bao gồm 2 phần chính: (i) Báo cáo phân tích từ các nhà đầu tư và chuyên gia và (ii) Đối thoại Diễn đàn nhằm lắng nghe những vấn đề mà nhà đầu tư và chính quyền thành phố quan tâm trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Diễn đàn
Mở đầu phần báo cáo, lần lượt các đại diện Trưởng nhóm Công tác: Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) - Trưởng nhóm Chuyên môn: Công ty Luật TNHH Kim & Chang Việt Nam đã có báo cáo cung cấp tổng quan tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam)
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng giám đốc Schaeffler Việt Nam, đại diện Trưởng nhóm công tác Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư - Kỳ II nhận thấy những tín hiệu khả quan và cũng đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố trong việc thực hiện hóa những quy định thúc đẩy thu hút đầu tư xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98/2023/QH15. Về loại dự án, ông Thắng cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời. Tuy vậy, ông Thắng cũng mở rộng thêm, để tạo dựng sự an tâm cho các bên nhằm triển khai hiệu quả các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn ở một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước. Một trong những khó khăn được chỉ ra liên quan đến sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời khi các quy định này vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Điều này, một mặt, gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020; mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cách thức để nhà đầu tư tiếp cận với các dự án cũng là vấn đề cần được trao đổi kỹ lưỡng thêm. Ông Thắng có dẫn ra một số mô hình quốc tế thành công như tại một số quốc gia trên thế giới, ví dụ: Singapore, Ấn Độ,...để minh chứng và đề xuất Việt Nam cần cân nhắc áp dụng các mô hình này.
LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư cấp cao Công ty Luật TNHH Kim&Chang (Việt Nam), đại diện Trưởng nhóm chuyên môn Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư - Kỳ II
Tiếp nối phần trình bày của đại diện Trưởng nhóm Công tác, LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư cấp cao Công ty Luật TNHH Kim&Chang (Việt Nam), đại diện Trưởng nhóm chuyên môn Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư - Kỳ II đã trình bày báo cáo về thực trạng vận dụng quy định pháp luật trong đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Phân tích các quy định hiện hành, luật sư Minh chỉ ra những mặt hạn chế trong khung khổ pháp lý, trong đó nối bật có thể kể đến đến sự cần thiết của một luật riêng điều chỉnh lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo ông Minh, hiện nay, một dự án trong lĩnh vực này sẽ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định, phân tán tại nhiều luật khác nhau. Điều này vô hình trung gây nên sự khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh, khung khổ pháp luật tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo và chưa theo kịp thực tiễn. Một điểm khác được ông Minh chỉ ra liên quan đến mẫu hợp đồng mua bán điện (PPA). Hiện nay, các hợp đồng mua bán điện đều phải sử dụng theo mẫu và rất hạn chế sự thỏa thuận của các bên. Như vậy, trường hợp quyền lợi của các bên không ở vị trí cân bằng hoàn toàn có khả năng xảy ra; đáng lo ngại hơn, nhiều bên cho vay quốc tế còn từ chối cấp vốn do mẫu PPA không đạt tiêu chuẩn. Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh, với trợ lực từ Nghị quyết 98 cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù. Theo đó, ông Minh đề xuất, thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án, ví dụ trong khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; phạm vi hợp tác đầu tư; hay chính sách ưu đãi.
Tại Phiên trù bị Diễn đàn được diễn ra vào ngày 12/09/2024, một số vấn đề đã được bàn luận, sàng lọc và được lựa chọn để bàn luận kỹ lưỡng tại Phiên Toàn thể, cụ thể bao gồm:
(i) Diễn biến và các vấn đề đặt ra trong phát triển dự án năng lượng tái tạo tại Tp. Hồ Chí Minh.
(ii) Quy định liên quan đến các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo tại Nghị quyết 98.
Theo đó, sau khi các trưởng nhóm đưa ra báo cáo tổng quan, Diễn đàn tiếp tục đi sâu vào các vấn đề đã được đặt ra.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật về diễn biến triển khai dự án năng lượng tái tạo tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các vấn đề mà Thành phố đang phải đối mặt khi phát triển các dự án xanh. Bà Ngọc cho biết, là đô thị đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung đông dân cư, đồng nghĩa, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thành phố cũng rất lớn. Tuy vậy, với đặc thù về vị trí địa lý, Thành phố không có thế mạnh để phát triển nhiều loại hình năng lượng đang được sử dụng rộng rãi tại nước ta hiện nay. Nhận biết được điểm hạn chế về quỹ đất cùng tận dụng những nguồn thế mạnh và cơ chế đặc thù Nghị quyết 98, Thành phố định hướng sẽ phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải) trong tương lai gần. Ngoài ra, Thành phố cũng đồng thời xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi trong tương lai khi các điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép. Để hướng đến tương lai này, chính quyền và nhà đầu tư cần cùng nhau nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để cùng thực hiện hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo tại Thành phố.
TS.LS. Lê Nết, Luật sư Thành viên Công ty luật LNT & Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Đánh giá về các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, TS. LS. Lê Nết, Luật sư Thành viên Công ty luật LNT & Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, hiện nay, việc thực hiện dự án trong lĩnh vực này chịu sự điều chỉnh của chủ yếu bởi Luật Điện lực và một số nghị định, quyết định khác. Trong đó, chỉ riêng thông tư 18/2020/TT-BCT, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 01/2023/TT-BCT điều chỉnh cụ thể đối với các dự án điện mặt trời. Được biết rằng, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định mới quy định về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, song, nhìn chung các dự án này đều đang gặp vướng mắc do thiếu quy định pháp luật. Cụ thể, hiện nay, điện mặt trời mái nhà được đầu tư mới không có quy định về giá bán cho EVN, pháp luật hiện hành cũng gây hạn chế cho đơn vị phát điện trong việc tìm kiếm đối tác mua điện. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Lê Nết kiến nghị Thành phố nên đưa ra những hướng dẫn cụ thể trên nền tảng quy định của Nghị quyết 98 để thực hiện hiệu quả các dự án này trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, một số quy định tại Nghị quyết nên được làm rõ. Ví dụ như đối với sử dụng mái nhà công cho triển khai điện mặt trời, ông Nết kiến nghị UBND Thành phố tính toán và cho phép trao đổi phần điện dư thừa cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công khác hay có cơ chế phối hợp với nhà đầu tư tư nhân thông qua hình thức cho thuê mái nhà các các công trình công.
Nối tiếp Diễn đàn, phần Đối thoại giữa hai nhóm được triển khai dưới sự điều phối của đại diện trưởng các nhóm Công tác - Chuyên môn của diễn đàn: Ông Nguyễn Tuấn Phát - Trưởng Tiểu ban về Cơ chế mua bán điện/Mua bán điện trực tiếp, Nhóm Công tác Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - Đại diện trưởng nhóm Công tác và Ông Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang Việt Nam - Đại diện trưởng nhóm Chuyên môn.
Tại phần này, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng các chuyên gia tư vấn cùng nhau thảo luận các vấn đề nhằm làm rõ một số nội dung đã được nhắc tới tại báo cáo. Về phía nhóm công tác, lần lượt đại diện từ các Hiệp hội bao gồm: Ông Frederick R. Burke - Phó Trưởng ban Pháp lý Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV); ông Choi Kyu Chul – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM); ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) lần lượt cho ý kiến về những vướng mắc của nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Tương ứng với đó, các chuyên gia thành viên của Nhóm Chuyên môn gồm TS. LS. Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH Scientia, Trọng tài viên VIAC và LS. Ngô Quỳnh Anh - Luật sư Thành viên Cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt cũng đã có những phản hồi và giải đáp thỏa đáng. Với hình thức đối thoại trực tiếp, phiên làm việc đã giải quyết được nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quá trình tiếp cận, đầu tư và vận hành dự án năng lượng tái tạo, cụ thể gồm có (i) Cơ chế, mô hình hợp tác đầu tư dự án năng lượng tái tạo và (ii) Giải pháp vận hành công trình năng lượng tái tạo hiệu quả. Theo đó, các nhà đầu tư và chuyên gia đã đưa ra nhiều bình luận và phân tích những thuận lợi, rủi ro có thể phát sinh khi hợp tác đầu tư. Từ đây, phiên đối thoại cũng đưa ra nhiều kiến nghị có giá trị và thiết thực, hướng đến mục tiêu thực hiện dự án năng lượng an toàn, hạn chế phát sinh tranh chấp, thiệt hại cho cả Nhà nước và Nhà đầu tư.
Sau phần đối thoại giữa hai nhóm Công tác - Chuyên môn, phiên đối thoại toàn thể diễn ra dưới sự điều phối của Ban Chủ tọa cùng sự tham gia sôi nổi, phong phú thông tin đến từ các đại biểu tham dự. Theo đó, nhà đầu tư đánh giá cao PPP, đây là một phương thức tốt để thu hút nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vướng bận lớn nhất là các quy định về PPP hiện tại bị chồng chéo rất nhiều với các quy định của luật khác, các vấn đề về thủ tục, giấy phép khiến điều nhà đầu tư quan ngại về tính minh bạch, rõ ràng trong chính sách và nhất là trong cơ chế chia sẻ rủi ro giữa công và tư.
Nối tiếp phiên đối thoại, các chuyên gia đã đặt ra và có những ý kiến thảo luận về mô hình vận hành, cơ chế mua bán điện trong các dự án năng lượng tái tạo. Đối với vấn đề này, các chuyên gia đều đồng ý rằng việc áp dụng hình thức hợp tác công tư trong các dự án năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc hợp tác của khu vực tư nhân với Chính phủ đối với các dự án năng lượng mặt trời còn bị hạn chế. Cụ thể, Nghị quyết 98 giới hạn trách nhiệm việc phân bổ ngân sách thành phố và việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công cho Ủy ban Nhân dân thành phố, điều này làm giới hạn sự tham gia và không tận dụng được nguồn lực về chuyên môn và tài chính của khối tư nhân.
Sau phần trao đổi chuyên sâu, các chuyên gia đã có một số đề xuất nhằm cải thiện các vấn đề về cơ chế, phương thức đầu tư và mô hình dự án điện mặt trời mái nhà. Theo đó, các chuyên gia nhận định rằng, để giảm thiểu rủi ro trong dự án năng lượng tái tạo, nhà nước cần chú trọng vào việc soạn thảo hợp đồng và có một mức giá phù hợp để nhà đầu tư cân nhắc. Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị rằng, để quy trình cấp phép được rõ ràng, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng các danh mục dự án PPP, làm rõ quy mô, công suất của dự án thực hiện theo hình thức PPP. Ngoài ra, Việt Nam nên cụ thể hóa quy định pháp luật và mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia nhiều hơn vào cơ chế mua bán điện, nhất là trong việc phân phối điện mặt trời mái nhà. Các mô hình điện mặt trời mái nhà đều có những mặt thuận lợi và khó khăn nhất định. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần có một cơ chế đối thoại trực tiếp, lắng nghe nhu cầu của Nhà đầu tư nhằm phát triển mô hình này. Song song đó, các chuyên gia đề xuất, Quy hoạch điện VIII là kế hoạch dài hạn, có lộ trình từ 5 đến 10 năm. Đến năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu phải có 6000 MW điện gió ngoài khơi, tạo động lực phát triển kinh tế, giảm thải khí carbon. Liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất, quỹ đất để thực hiện dự án năng lượng, hiện quy hoạch Thành phố đang hoàn thiện, tạo nền tảng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.