...

VIAC và VCCI HCM tổ chức Khoá đào tạo 02 ngày về chủ đề “Kiểm soát Tài chính, Pháp lý và Giải quyết tranh chấp trong giao dịch M&A”

10 Tháng 11, 2024

 

Vào ngày 6 - 7/11/2024 vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Khu vực TP.HCM tổ chức Khoá đào tạo chủ đề “Kiểm soát Tài chính, Pháp lý và Giải quyết tranh chấp trong giao dịch M&A” với sự tham dự của nhiều đại diện doanh nghiệp, các công ty tư vấn M&A và luật sư. 
Đại diện Ban tổ chức, ông Bùi Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng Hội viên Đào tạo và Truyền thông, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) đã phát biểu khai mạc Khoá đào tạo. Ông Hùng cho biết, trong những năm gần đây, cụm từ “mua bán - sáp nhập” (M&A) đã trở nên quen thuộc và được coi là một từ khoá “hot” trong bối cảnh hiện nay. Với những lợi ích đáng kể cho cả bên mua và bên bán, giao dịch M&A đang trở thành một phương thức phổ biến giúp doanh nghiệp bên mua nhanh chóng tiếp cận thị trường, trong khi bên bán cũng có thể tìm được đối tác uy tín để cùng chia sẻ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, đối với các thương vụ phức tạp như M&A, doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng vào việc quản lý rủi ro để tận dụng tốt sự hiểu quả của hình thức đầu tư này. Chính vì vậy, việc nâng cao kiến thức về tài chính, pháp lý và kỹ năng giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch trở nên vô cùng quan trọng. Khóa đào tạo này, do đó, sẽ là cơ hội quý báu để các học viên tiếp cận kiến thức thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.


Khoá đào tạo bao gồm 02 ngày với các nội dung trao đổi bao gồm:

1. Quy trình thẩm định trong giao dịch M&A: Vấn đề phát sinh và yêu cầu với bên mua – bên bán

2. Đàm phán, ký kết và kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận M&A

 

Ông Nguyễn Minh Đa - Phó Tổng Giám đốc Forvis Mazars Việt Nam

Tại khoá đào tạo, ông Nguyễn Minh Đa - Phó Tổng Giám đốc Forvis Mazars Việt Nam đã có phần chia sẻ về các yêu cầu, quy trình và những lưu ý quan trọng liên quan đến thẩm định tài chính trong giao dịch M&A. Theo ông Đa, quá trình thẩm định công ty mục tiêu đóng vai trò then chốt trong việc giúp các bên tham gia giao dịch đưa ra quyết định đúng đắn. Bằng việc thực hiện một quy trình thẩm định bài bản, đầy đủ, các bên sẽ tránh khỏi nhiều rủi ro có thể xảy đến trong việc lựa chọn cấu trúc giao dịch phù hợp, ký kết hợp đồng và cả quá trình quản lý hậu M&A. Đặc biệt, ở góc độ tài chính, ông nhấn mạnh rằng việc xác định rõ tình hình tài chính và các rủi ro sẽ hỗ trợ bên mua đưa ra quyết định chính xác trong việc đàm phán giá trị giao dịch. Đối với bên bán, việc nhận diện rõ năng lực tài chính của đối tác cũng giúp tăng khả năng thành công của giao dịch. Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng, đối với mỗi cấu trúc giao dịch khác nhau, các bên cần đặc biệt quan tâm đến các quy định thuế, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả và thành công của giao dịch.

 

Ông Trần Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers

Nối tiếp khóa đào tạo, ông Trần Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers cũng có phần chia sẻ liên quan về thẩm định pháp lý trong các giao dịch M&A. Ông Tùng khái quát một quy trình thẩm định pháp lý “tiêu chuẩn” bao gồm nhiều bước, trong đó, tuỳ vào từng loại giao dịch, từng mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình thẩm định pháp lý có thể đi sâu hoặc bỏ qua một số bước nhất định. Lấy ví dụ như, đối với giao dịch M&A có yếu tố bất động sản, bên mua cần quan tâm nhiều tới việc soát xét về nguồn gốc sử dụng đất, hình thức sử dụng, thời hạn thuê đất hay một số vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất (bao gồm nộp tiền thuê/tiền sử dụng đất)... Tựu chung, ông Tùng nhấn mạnh, vấn đề thẩm định pháp lý sẽ chịu sự chi phối nhiều từ yêu cầu kinh doanh của các bên, ông đặc biệt khuyến nghị, các doanh nghiệp nên tìm tới các đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp để được hỗ trợ trong các giao dịch phức tạp như M&A để giảm thiểu rủi ro ở mức tối đa. 

 

Bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC

Đối với một số lưu ý khi ký kết hợp đồng trong trường hợp chuyển nhượng vốn, bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC, cung cấp những hướng dẫn trong việc thiết kế những điều khoản quan trọng. Giao dịch mua bán cổ phẩn/phần vốn góp (hay được gọi chung là giao dịch chuyển nhượng vốn) là loại giao dịch một tài sản vô hình, bất định và luôn có tính thay đổi. Bởi lẽ, khi bên mua tiến hành mua vốn tại công ty mục tiêu, các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang hoạt động không ngừng; như vậy, để xác định được chính xác giá trị của công ty hay những rủi ro trong giao dịch này là điều không dễ dàng. Từ đó, bà Quyên lưu ý, các bên cần đưa vào hợp đồng những điều khoản như điều kiện tiên quyết, các can đoan & bảo đảm cũng như điều kiện hậu quyết một cách phù hợp như một phương án kiểm soát rủi ro cho cả hai bên. Bà Quyên cũng chỉ ra một xu hướng đáng chú ý là sự gia tăng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua M&A. Đối với những giao dịch có yếu tố nước ngoài, việc lựa chọn luật pháp áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bà Quyên gợi ý rằng, thay vì vội vã tìm kiếm các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chất thắng - thua, các bên có thể xem xét sử dụng hòa giải thương mại như một phương án giải quyết mang lại lợi ích cho cả hai bên (win - win), giúp duy trì cơ hội hợp tác lâu dài.
 
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Luật sư thành viên công ty TNHH MTV DILINH

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Luật sư thành viên công ty TNHH MTV DILINH đã có phần trao đổi, phân tích những kiến thức liên quan đến đàm phán, ký kết hợp đồng đối với trường hợp chuyển nhượng tài sản/dự án. Bà Diệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định cụ thể và rõ ràng các đối tượng chuyển nhượng trong giao dịch. Theo LS. Diệp, việc chuyển nhượng tài sản/dự án trong giao dịch M&A và một giao dịch chuyển nhượng tài sản thông thường khác biệt lớn nhất ở việc định giá tài sản. Đặc biệt, trong trường hợp giao dịch có liên quan đến bất động sản, các bên nên rất cẩn trọng và có thể cân nhắc phương án thuê bên thứ ba định giá tài sản. Bà nhấn mạnh vai trò của tư vấn pháp lý trong quá trình chuẩn bị và thực hiện giao dịch. Trong bối cảnh khung khổ pháp luật có nhiều thay đổi, đặc biệt liên quan đến vấn đề về bất động sản và chuyển nhượng dự án đầu tư, việc tham vấn chuyên gia sẽ giúp các bên hiểu rõ khung pháp lý và các yêu cầu tuân thủ, từ đó có các bước đi phù hợp, đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên trong giao dịch chuyển nhượng tài sản. Bên cạnh phần chia sẻ, LS. Diệp cùng các học viên cũng có phần trao đổi kinh nghiệm thông qua thảo luận một số tình huống thực tiễn.
 

Kết thúc khoá đào tạo 02 ngày, các học viên đã được trang bị nhiều kiến thức và kinh nghiệm có thể ứng dụng trực tiếp quá trình tham gia vào các giao dịch M&A. Nhằm ghi nhận sự tham gia của các học viên, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng ông Nguyễn Đoàn Thông - Trưởng phòng Phòng Hội viên Đào tạo và Truyền thông, VCCI HCM, ông Bùi Mạnh Hùng và bà Hoàng Thị Ngọc Diệp trao chứng nhận tham dự cho các học viên. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI