Sáng ngày 30/11/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) thực hiện Tọa đàm giao lưu cộng đồng CEO về “Mô hình sử dụng dịch vụ luật sư trong quản trị pháp lý doanh nghiệp: Thực trạng và khuyến nghị cho người điều hành”, thuộc khuôn khổ Chương trình đào tạo “Giám đốc Điều hành doanh nghiệp – CEO 4.0 trong kỷ nguyên AI” Khóa 2 năm 2024. Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia là trọng tài viên, hòa giải viên, luật sư điều hành của các công ty luật lớn trong nước và quốc tế là đối tác của VIAC, đồng thời nhận được sự quan tâm của hơn 100 học viên khóa CEO.
LS. Nguyễn Gia Huy Chương – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers
Mở đầu toạ đàm, LS. Nguyễn Gia Huy Chương – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers đã trình bày tổng quan về việc sử dụng dịch vụ luật sư, pháp chế thuê ngoài trong hoạt động quản trị pháp lý. Theo ông, việc thuê ngoài các dịch vụ pháp lý là giải pháp phổ biến, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp, từ dịch vụ thường xuyên đến các vụ việc cụ thể, ví dụ có thể bao gồm tư vấn pháp lý, soạn thảo, rà soát hợp đồng, thực hiện các thủ tục M&A, các thủ tục giấy phép khác, giải quyết tranh chấp. Luật sư Chương nhấn mạnh rằng, dịch vụ pháp lý thuê ngoài có nhiều ưu điểm nổi bật như tính chuyên môn hóa cao, sự độc lập và khách quan trong việc đưa ra ý kiến, cùng với kinh nghiệm phong phú để xử lý những vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, hình thức này cũng có một số hạn chế, chẳng hạn như không đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của luật sư bên cạnh doanh nghiệp và cần thời gian lâu hơn để đưa ra phản hồi so với bộ phận pháp chế nội bộ. Vì vậy, ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động phân loại các vấn đề pháp lý, xác định rõ khi nào nên tự xử lý nội bộ, khi nào cần sự hỗ trợ từ luật sư bên ngoài, nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản trị pháp lý.
LS. Vũ Lê Bằng - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi
LS. Vũ Lê Bằng - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi Việt Nam đã phân tích thực trạng áp dụng mô hình thuê luật sư ngoài của doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo ông, các doanh nghiệp lớn và đa quốc gia thường xem việc sử dụng luật sư thuê ngoài như một “khoản đầu tư” cho sự phát triển bền vững và một “khoản bảo hiểm” giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tập trung vào việc giảm thiểu chi phí và ưu tiên phát triển kinh doanh, dẫn đến sự ít chú trọng hơn trong việc nắm bắt và tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với những thay đổi quan trọng trong chính sách pháp luật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên sâu, giúp họ cập nhật kịp thời các quy định và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Dẫu vậy, Luật sư Bằng cũng cảnh báo về một số vấn đề khi thuê dịch vụ pháp lý bên ngoài; nếu không kiểm soát tốt hoặc lựa chọn sai đối tác, doanh nghiệp có thể đối mặt với các rủi ro như vấn đề bảo mật thông tin, chất lượng dịch vụ không đồng đều, khác biệt văn hóa và ngôn ngữ hay sự phụ thuộc quá mức vào dịch vụ bên ngoài. Ngoài ra, luật sư Bằng nhấn mạnh rằng, việc lựa chọn hợp tác với công ty luật trong nước hay nước ngoài, cũng như quyết định hợp tác với một hay nhiều đối tác, cần được cân nhắc dựa trên phạm vi hoạt động, ngân sách và yêu cầu pháp lý cụ thể của từng doanh nghiệp.
LS. Đặng Việt Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC
Tiếp nối nội dung tọa đàm, LS. Đặng Việt Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC đã chia sẻ một số lưu ý quan trọng khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ luật sư/bộ phận pháp chế thuê ngoài trong các hoạt động tranh tụng tại Tòa án và Trọng tài. Theo Luật sư Việt Anh, sau đại dịch Covid-19, những biến động lớn về chính sách, tiền tệ và pháp luật đã làm gia tăng nguy cơ phát sinh các loại tranh chấp mới, bao gồm tranh chấp xuyên quốc gia, bên cạnh các tranh chấp truyền thống như vi phạm hợp đồng hay hành vi trái pháp luật. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ luật sư chuyên nghiệp để giải quyết tranh chấp hiệu quả và toàn diện. Ông nhận định, cùng với bộ phận pháp chế nội bộ, việc thuê luật sư bên ngoài giúp doanh nghiệp được thụ hưởng những tư vấn có tính chuyên môn cao và sự hỗ trợ hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp phức tạp. Theo chuyên gia, để đạt được hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, doanh nghiệp cần xem xét diễn biến tố tụng để yêu cầu hoặc bổ sung dịch vụ pháp lý thuê ngoài sao cho phù hợp. Nhằm giúp các CEO hình dung rõ hơn, chuyên gia cũng phân tích một số vụ việc trên thực tế và các bước hỗ trợ của luật sư trong từng giai đoạn tố tụng. Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh sự tham gia của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, mà phổ biến là trọng tài, hòa giải. Ông Việt Anh chia sẻ, đối với các phương thức này, nếu chọn sử dụng mô hình luật sư thuê ngoài, doanh nghiệp cần cân nhắc để luật sư tham gia ngay từ bước đầu soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp cho đến khi phán quyết được thi hành; điều này sẽ giúp đảm bảo việc quản lý tranh chấp được hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Phiên thảo luận tại Tọa đàm dưới sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC
Sau phần chia sẻ của các chuyên gia, phần thảo luận được điều phối bởi LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và sự tham gia của các chuyên gia khách mời. Tại phần này, các chuyên gia đã có sự tương tác và trao đổi tích cực giúp giải quyết các vấn đề pháp lý mà nhà điều hành đang phải đối mặt, xử lý tại chính doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, thông qua kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia cũng cung cấp nhiều tư vấn giá trị cho doanh nghiệp về phương pháp quản trị pháp lý và vận dụng mô hình sử dụng luật sư hiệu quả. Thông qua các chương trình Tọa đàm giao lưu cộng đồng CEO được tổ chức bởi VIAC và VCCI-HCM, doanh nghiệp được cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thị trường, mô hình dịch vụ pháp lý, các địa chỉ công ty luật đáng tin cậy; trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tham khảo và sử dụng để được hỗ trợ những giải pháp phù hợp cho các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình kinh doanh.
Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm