Trọng tài thương mại
#031 | Trường hợp thư từ do nhân viên gửi không ràng buộc doanh nghiệp
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty H (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán với Công ty E (Bị đơn - Bên bán). Sau đó, Bên mua cho rằng Bên bán đã giao hàng không đúng chủng loại và nhân viên của Bên bán ghi nhận việc này trong thư gửi Bên mua. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không chấp nhận giá trị thư từ mà nhân viên của Bên bán gửi.
#030 | Bù trừ nghĩa vụ giữa các bên
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Bà T quốc tịch Việt Nam (Nguyên đơn) ký hợp đồng mua bán cát với Công ty Singapore (Bị đơn). Nguyên đơn đã chỉ định 03 nhà cung cấp cát cho Bị đơn. Từ quan hệ này, Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn một khoản tiền và Nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho Bị đơn một khoản tiền khác. Theo Hội đồng Trọng tài, hai khoản tiền này được bù trừ cho nhau. Bài học kinh nghiệm : Từ quan hệ nêu trên, Hội đồng Trọng tài xác định “Bị đơn phải thanh toán tổng số tiền từ các hóa đơn này là 144.511,52 USD cho Nguyên đơn cùng với tiền lãi là 40.292,43 USD tổng số gốc và lãi 184.803,95 USD”. Bên cạnh đó, Hội đồng Trọng tài cũng xác định “Nguyên đơn phải hoàn trả cho Bị đơn số tiền đã nhận là 100.778,69 USD”. Như vậy, giữa Nguyên đơn và Bị đơn có hai nghĩa vụ ở hai chiều khác nhau: thứ nhất, Nguyên đơn phải thanh toán cho Bị đơn 100.778,69USD; thứ hai, Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn 184.803,95 USD. Hai nghĩa vụ này phải được thực hiện song song với nhau hay được bù trừ cho nhau để Bị đơn chỉ phải thanh toán khoản tiền chênh lệnh (184.803,95 USD - 100.778,69 USD = 84.025,26 USD)? Pháp luật Việt Nam có quy định về bù trừ nghĩa vụ dân sự tại khoản 1 Điều 380 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 378 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt”. Với quy định này, khi nghĩa vụ có thể bù trừ lẫn nhau, các chủ thể liên quan “không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, để được bù trừ lẫn nhau, cần hội đủ một số điều kiện: thứ nhất , các bên đều có nghĩa vụ về tài sản “đối với nhau”; thứ hai , các nghĩa vụ này là “cùng loại”; thứ ba , các nghĩa vụ này đều “đến hạn”. Cả ba điều kiện này đã được đáp ứng trong vụ việc trên nên các nghĩa vụ có thể bù trừ cho nhau và Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng này. Cụ thể, sau khi xác định “Nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho Bị đơn 100.778,69 USD. Ngược lại, Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn số tiền gốc và lãi tính đến ngày 20/04/2012 là 184.803,95 USD”, Hội đồng Trọng tài xác định “hai Bên cùng có nghĩa vụ thanh toán cho nhau bằng tiền, các Bên được bù trừ nghĩa vụ”. Khi nghĩa vụ được bù trừ lẫn nhau, Bộ luật dân sự theo hướng “nghĩa vụ được xem là chấm dứt”. Nếu hai nghĩa vụ có giá trị tương đương nhau thì cả hai nghĩa vụ cùng chấm dứt. Tuy nhiên, rất hiếm khi gặp trường hợp cả hai nghĩa vụ có giá trị tương đương nhau và thường hai nghĩa vụ này có giá trị khác nhau. Trong vụ việc trên, chúng ta thấy tồn tại hai nghĩa vụ thanh toán với giá trị khác nhau. Trong những trường hợp vừa nêu, nghĩa vụ có giá trị thấp sẽ chấm dứt hoàn toàn còn nghĩa vụ có giá trị lớn chỉ chấm dứt ở phần tương đương với nghĩa vụ có giá trị nhỏ. Điều đó có nghĩa là bên trong nghĩa vụ có giá trị lớn vẫn phải thực hiện phần chưa chấm dứt (được gọi là phần chênh lệch). Ở vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài xác định hai nghĩa vụ và nghĩa vụ theo đó Nguyên đơn là bên có quyền và Bị đơn là bên có nghĩa vụ có giá trị lớn hơn. Do đó, Bị đơn phải thực hiện phần chênh lệch. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “khi hai Bên cùng có nghĩa vụ thanh toán cho nhau bằng tiền, các Bên được bù trừ nghĩa vụ và thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch. Vì vậy Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn phần giá trị chênh lệch là 84.025,26 USD”. Như vậy, khi doanh nghiệp và đối tác đều có nghĩa vụ về tài sản cùng loại với nhau và đều đã đến hạn thì doanh nghiệp và đối tác không phải thực hiện các nghĩa vụ này song song với nhau. Trong trường hợp này, các nghĩa vụ được bù trừ cho nhau và chấm dứt. Khi các nghĩa vụ bù trừ cho nhau có giá trị khác nhau thì bên có nghĩa vụ có giá trị lớn chỉ phải thanh toán khoản chênh lệch. Trong vụ việc được phân tích, nghĩa vụ được bù trừ là nghĩa vụ trả một khoản tiền. Tuy nhiên, việc bù trừ này còn có thể vận dụng cho cả trường hợp đối tượng của nghĩa vụ không là một khoản tiền (như cà phê, xăng…). Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 380 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 3 Điều 378 Bộ luật dân sự năm 2015 còn khẳng định “những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền”. Đây là những thông tin doanh nghiệp nên biết khi tham gia vào các quan hệ thương mại mà doanh nghiệp và đối tác đều có nghĩa vụ đối với nhau.
#029 | Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty nước ngoài (Nguyên đơn) và Công ty Việt Nam (Bị đơn) ký kết hợp đồng đăng ký và mua cổ phần. Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận Bị đơn phải cung cấp một số thông tin cho Nguyên đơn. Nguyên đơn cho rằng Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin nhưng Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn đã thực hiện nghĩa vụ này.
#028 | Chậm tiến độ so với hợp đồng do có việc gia hạn
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn) để cung cấp thiết bị và lắp đặt hướng dẫn vận hành. Bị đơn cho rằng Nguyên đơn chậm tiến độ và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không buộc Nguyên đơn chịu trách nhiệm mặc dù xác định có việc chậm tiến độ.
#027 | Giá trị thanh toán của hóa đơn giá trị gia tăng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Trên cơ sở các giao dịch được xác lập giữa Công ty B (Nguyên đơn) và Công ty L (Bị đơn), Bị đơn phải hoàn trả cho Nguyên đơn là 1.545.266.060 VND. Bị đơn cho rằng đã thanh toán cho Nguyên đơn bằng cách cấn trừ tiền và để chứng minh cho việc Bị đơn đã đưa ra một số Hóa đơn giá trị gia tăng nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.
#026 | Thực hiện hợp đồng khi điều kiện không xảy ra do tác động của một bên
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Hợp đồng được xác lập hợp pháp giữa các bên thường có điều khoản về thực hiện kèm theo điều kiện. Trong vụ việc được bình luận, hợp đồng có nội dung “ các khoản thanh toán sau phải được trả cho Bên B hàng quý và Bên A đồng ý trả khoản tiền đó trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được hóa đơn thanh toán và sau khi hai Bên đã ký nghiệm thu và chấp nhận tất cả các dịch vụ đã được thực hiện cho quý đó ”. Thực tế, Bên B (Nguyên đơn) đã làm công việc của mình nhưng người đại diện theo pháp luật của Bên A (Bị đơn) không ký nghiệm thu nên điều kiện thanh toán chưa hội đủ. Trước hoàn cảnh này, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng quy định về Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện để buộc Bị đơn thanh toán.
#025 | Thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi điều kiện thực hiện chưa xảy ra
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty D (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng cung cấp bê tông với Công ty A (Bị đơn - Bên cung cấp). Theo hợp đồng, việc thanh toán được tiến hành trên cơ sở bộ chứng từ thanh toán. Sau đó, các Bên có tranh chấp và Hội đồng Trọng tài xác định Nguyên đơn chưa phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi chưa có bộ chứng từ thanh toán.
#024 | Thời điểm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo pháp luật
12/25/2023Tình tiết sự kiện : Công ty P (Nguyên đơn - Bên bán) và Công ty H (Bị đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán thép xây dựng. Một phần nghĩa vụ thanh toán đã được thực hiện và phần còn lại làm phát sinh tranh chấp. Bên bán yêu cầu Bên mua trả tiền lãi chậm trả và việc xác định thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán được đặt ra để xác định thời điểm bắt đầu tính lãi. Hội đồng Trọng tài đã xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật.
#023 | Thời điểm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo thỏa thuận
12/25/2023Tình tiết sự kiện : Công ty V (Nguyên đơn) ký hợp đồng mua cà phê với Công tư Đ (Bị đơn). Bên mua đã tạm ứng 18 tỷ VND nhưng Bên bán không giao cà phê nên hai Bên đã ký biên bản làm việc (ngày 04/03/2011) thống nhất chấm dứt quan hệ mua bán và Bên bán có trách nhiệm hoàn trả cho bên mua khoản tiền tạm ứng. Ở đây, các Bên có tranh chấp với nhau về thời điểm hoàn trả tiền và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng xác định thời điểm phải hoàn trả là ngày 25/04/2011.