Trọng tài thương mại
#040 | Chịu lãi do chậm thanh toán
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Tây Ban Nha (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán). Nguyên đơn đã thanh toán một khoản tiền nhưng chưa nhận được hàng. Bên cạnh yêu cầu Bị đơn hoàn trả tiền đã thanh toán được Hội đồng Trọng tài chấp nhận, Nguyên đơn còn yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Bài học kinh nghiệm : Ở đây, Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả của Nguyên đơn và vụ việc này giúp chúng ta làm rõ hai vấn đề mà doanh nghiệp nên lưu tâm. * Về mức lãi chậm trả Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “Nguyên đơn và Bị đơn không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Việc Bị đơn giữ khoản tiền 358.723,52 USD là không có cơ sở. Do đó, Bị đơn phải chịu lãi chậm trả tính trên số tiền 358.723,52 USD đang giữ của Nguyên đơn”. Vấn đề tiếp theo là Bị đơn phải chịu lãi chậm trả ở mức nào? Theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, “ trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác ”. Ở đây, mức lãi mà bên chậm thanh toán phải chịu là “ lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường ”. Tuy nhiên, thế nào là “ lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” lại chưa được Luật Thương mại năm 2005 làm rõ. Về chủ đề này, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “do các Bên thanh toán bằng USD, Hội đồng Trọng tài xét thấy cần lấy mức lãi nợ quá hạn đối với cho vay bằng USD tại thời điểm giải quyết tranh chấp của 03 Ngân hàng là Ngân hàng 11,25%/năm, Ngân hàng N 8,25%/năm và Ngân hàng T 8,7%/năm. Như vậy, mức lãi nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 9,4%/năm (0,78%/tháng, 0,025%/ngày) và thấp hơn yêu cầu của Nguyên đơn nên Hội đồng Trọng tài chỉ chấp nhận mức lãi chậm trả là 0,78%/tháng (0,025%/ngày)”. Như vậy, theo Hội đồng Trọng tài, mức lãi chậm trả trên cơ sở Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 là “mức lãi nợ quá hạn đối với cho vay bằng USD tại thời điểm giải quyết tranh chấp của 03 Ngân hàng” tại địa phương. Trong nhiều vụ việc khác, Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC cũng theo hướng này. Chẳng hạn, tại một Phán quyết trọng tài khác nêu “để xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, Hội đồng Trọng tài căn cứ trên lãi suất nợ quá hạn trung bình đang áp dụng tại ba Ngân hàng lớn: Ngân hàng Q, Ngân hàng C và Ngân hàng N”. Ở đây, hướng của Hội đồng Trọng tài tương thích với hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Bởi lẽ, trong Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15/3/2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã từng xét rằng “Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng với quy định của pháp luật” và quyết định này ngày nay đã được phát triển thành Án lệ số 09/2016/AL. Do đó, khi yêu cầu một bên thanh toán lãi chậm trả, doanh nghiệp cần chuẩn bị xác định mức lãi chậm trả trung bình của ít nhất 03 ngân hàng tại địa phương. * Về thời gian tính lãi chậm trả Liên quan đến thời gian tính lãi, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “với nội dung theo đó bên bị vi phạm được yêu cầu lãi chậm trả cho khoảng thời gian “tương ứng với thời gian chậm trả ”, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 cho thấy chừng nào nghĩa vụ thanh toán chưa được thực hiện thì lãi chậm trả vẫn phát sinh. Tuy nhiên, trong Đơn khởi kiện, Nguyên đơn chỉ yêu cầu tạm tính đến ngày nộp Đơn khởi kiện là ngày 10/10/2013 và, trong Bản luận cứ, Nguyên đơn cũng chỉ yêu cầu tính đến ngày nộp Đơn khởi kiện. Yêu cầu này là có lợi cho Bị đơn so với quy định của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nên được Hội đồng Trọng tài chấp nhận tính lãi đến ngày 10/10/2013”. Như vậy, chừng nào khoản tiền làm phát sinh lãi chưa được thanh toán thì vẫn làm phát sinh lãi. Trong vụ việc nêu trên, Nguyên đơn chỉ yêu cầu tính lãi đến một thời điểm nhất định mà không tính đến thời điểm hoàn tất việc thanh toán nên Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn (tôn trọng sự định đoạt của Nguyên đơn đồng thời bảo vệ lợi ích cho Bị đơn). Với hướng này, bên được thanh toán gặp bất lợi vì thời gian tính lãi bị rút ngắn so với quy định. Để không bị thiệt thòi liên quan đến tính lãi, doanh nghiệp nên biết rằng chừng nào khoản tiền làm phát sinh lãi chưa được thanh toán thì khoản tiền này vẫn làm phát sinh lãi nên cần đưa ra yêu cầu tương thích để bảo vệ lợi ích của mình đối với người chậm thanh toán.
#039 | Buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với Công ty Hàn Quốc (Bị đơn - Bên mua). Phía Việt Nam đã giao hàng theo đơn đặt hàng và yêu cầu phía Hàn Quốc thanh toán nhưng không được đáp ứng. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã buộc Bên mua phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Bài học kinh nghiệm : Không hiếm trường hợp hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán như hợp đồng mua bán, cho thuê tài sản, dịch vụ, vận chuyển… Từ hợp đồng này, một bên phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng đôi khi bên này không thực hiện việc thanh toán theo hợp đồng và vụ việc trên là một ví dụ. Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “Nguyên đơn đã thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ giao hàng theo các đơn đặt hàng và chỉ thị giao hàng của Bị đơn vào ngày 23/07/2011. Theo thỏa thuận của các Bên tại Điều 3 của hợp đồng thì Bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền hàng theo giá trị hóa đơn trước ngày giao hàng (tức ngày 23/07/2011) nhưng Bị đơn đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Do đó, Bị đơn đã vi phạm Điều 3 của hợp đồng, vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 50 Luật Thương mại năm 2005. Hội đồng Trọng tài cho rằng yêu cầu của Nguyên đơn đòi lại số tiền hàng Bị đơn còn nợ là có căn cứ”. Luật Thương mại năm 2005 có quy định về buộc thực hiện đúng hợp đồng tại Điều 297. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 điều luật này quy định “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh” và “trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng”. Bên cạnh đó, khoản 5 quy định “trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này”. Ở đây, Bên mua là bên vi phạm nghĩa vụ trả tiền và, theo quy định trên, Bên bán được yêu cầu Bên mua tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, quy định trên vẫn chưa đủ tính bao quát vì còn những vi phạm khác chưa thấy đề cập đến như trường hợp bên thuê tài sản hay thuê dịch vụ không thanh toán tiền. Lúc này, chúng ta nên khai thác các quy định trong Bộ luật dân sự, nhất là Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự” và Điều 352 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”. Trong vụ việc trên, Bên mua đã không thanh toán đúng như thỏa thuận nên Bên bán là bên có quyền lợi bị xâm phạm. Do đó, trên cơ sở các quy định trong Bộ luật dân sự nêu trên, Bên bán được yêu cầu Bên mua tiếp tục thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nếu doanh nghiệp không được thanh toán là chủ thể khác như bên cho thuê tài sản, bên cung cấp dịch vụ, bên vận chuyển... hướng giải quyết tương tự cũng được vận dụng. Cụ thể, doanh nghiệp không được thanh toán được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, doanh nghiệp bị vi phạm còn được yêu cầu biện pháp bổ sung như lãi chậm trả mà chúng ta sẽ thấy trong các chủ đề sau.
#038 | Điều kiện để chuyển giao quyền yêu cầu ràng buộc bên có nghĩa vụ
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty S (Bên cho mượn) cho Công ty D (Bị đơn - Bên mượn) mượn khuôn nhưng do hỏa hoạn khuôn bị hư hỏng nên Công ty D phải bồi thường cho Công ty S. Sau đó, Công ty S và Công ty Bảo hiểm V (Nguyên đơn - thế quyền) đã thống nhất lập ra Thỏa thuận chuyển giao như sau: Công ty S mong muốn chuyển giao và Công ty Bảo hiểm V mong muốn nhận các quyền của Công ty S để đòi Công ty D phải bồi thường thiệt hại. Theo Hội đồng Trọng tài, việc chuyển giao này ràng buộc Bên phải bồi thường. Bài học kinh nghiệm : Từ quan hệ hợp đồng, có nhiều nghĩa vụ được hình thành trong đó có nghĩa vụ bồi thường do vi phạm hợp đồng. Trong vụ việc trên, từ hợp đồng cho mượn tài sản, Bên mượn tài sản phải bồi thường thiệt hại cho Bên cho mượn tài sản. Từ nghĩa vụ này, hình thành một quyền yêu cầu bồi thường của Bên cho mượn. Sau đó, Bên cho mượn chuyển giao theo thỏa thuận quyền yêu cầu này cho người khác và câu hỏi đặt ra là việc chuyển giao này có ràng buộc Bên phải bồi thường không? Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “bằng việc xuất trình Thỏa thuận chuyển giao giữa Nguyên đơn và Bên cho mượn, Nguyên đơn đã chứng minh được tính xác thực của việc chuyển quyền đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại của Bên cho mượn cho Nguyên đơn. Thêm nữa, bằng Thông báo đề ngày 29/11/2013, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn rằng Bên cho mượn và Nguyên đơn đã ký kết Thỏa thuận chuyển giao quyền đề ngày 06/12/2012. Căn cứ Điều 314 Bộ luật dân sự năm 2005, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bên cho mượn và Nguyên đơn đã tuân thủ các quy định của luật pháp và vì vậy không chấp nhận quan điểm của Bị đơn rằng Bị đơn có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với Nguyên đơn với tư cách người nhận chuyển giao quyền”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng việc chuyển giao quyền yêu cầu nêu trên ràng buộc người có nghĩa vụ (Bên mượn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản mượn bị hư hỏng). Hướng giải quyết này là phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể: Thứ nhất , việc chuyển giao trên đã đáp ứng các điều kiện về chuyển giao và cụ thể là các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu tại Điều 309 (trường hợp được chuyển giao) và Điều 310 (hình thức của thỏa thuận chuyển giao) Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn giữ nội dung quy định về trường hợp được chuyển giao tại Điều 365 nhưng đã bỏ quy định về hình thức của thoả thuận chuyển giao. Thứ hai , việc chuyển giao quyền yêu cầu không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên có nghĩa vụ nên không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ [1] . Tuy nhiên, để việc chuyển giao này ràng buộc bên có nghĩa vụ, việc chuyển giao phải được thông báo cho bên có nghĩa vụ: “Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu” (Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015) [2] . Thực tế việc chuyển giao quyền yêu cầu đã được gửi đến bên có nghĩa vụ bồi thường nên bên có nghĩa vụ chịu sự ràng buộc của việc chuyển giao. Từ vụ việc trên, chúng ta thấy việc chuyển giao nghĩa vụ ràng buộc người có nghĩa vụ cho dù không có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nếu việc chuyển giao được tiến hành phù hợp với quy định và việc chuyển giao được thông báo tới bên có nghĩa vụ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ cần biết hướng giải quyết trên để ứng xử phù hợp với quy định về chuyển giao quyền yêu cầu [1] Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ”. [2] Khoản 1 Điều 314 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 369 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền”.
#037 | Xác định sự tồn tại của chuyển giao quyền
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Bà T quốc tịch Việt Nam (Nguyên đơn) ký hợp đồng mua bán cát với Công ty Singapore (Bị đơn). Nguyên đơn đã chỉ định nhà cung cấp cát cho Bị đơn. Một nhà cung cấp đã giao cát cho Bị đơn và thỏa thuận với Nguyên đơn theo hướng Nguyên đơn được toàn quyền thực hiện việc yêu cầu Bị đơn thanh toán khoản tiền còn thiếu, tự thu hồi công nợ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong tương lai từ các đợt giao hàng. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã vận dụng quy định về chuyển giao quyền yêu cầu để giải quyết quan hệ giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Bài học kinh nghiệm : Hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ dân sự và trong nghĩa vụ dân sự thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện để hưởng được lợi ích mong đợi. Chẳng hạn, hợp đồng mua bán làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền và trong nghĩa vụ này bên bán được quyền yêu cầu bên mua thực hiện nghĩa vụ trả tiền để bên bán được hưởng khoản tiền mong đợi. Trong pháp luật Việt Nam có chế định Chuyển giao quyền yêu cầu được quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận” và “khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu”. Quy định này được duy trì trong Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 365 và thường xuyên được vận dụng trong thực tế và vụ việc trên là một ví dụ. Ở đây, sau khi ký hợp đồng mua bán cát, Nguyên đơn đã chỉ định Công ty TĐD cung cấp cát cho Bị đơn và doanh nghiệp này đã cung cấp cát cho Bị đơn. Theo Bị đơn, Bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn và Bị đơn chỉ có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng với các nhà cung cấp. Bị đơn còn cho rằng việc cá nhân Nguyên đơn đứng tên làm người đại diện cho Công ty TĐD không đủ bằng chứng để chứng minh rằng Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn thanh toán các hóa đơn từ các nhà cung cấp. Liên quan đến nhà cung cấp là Công ty TĐD, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “trong Biên bản làm việc ngày 25/11/2009 giữa Công ty TĐD và Nguyên đơn, Công ty TĐD đã ủy quyền cho Nguyên đơn được “ toàn quyền thực hiện việc yêu cầu H thanh toán khoản tiền còn thiếu, tự thu hồi công nợ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong tương lai ” từ các đợt giao hàng mà Công ty TĐD đã cung cấp cho Bị đơn. Bị đơn cũng không phủ nhận các nghĩa vụ liên quan đến các hóa đơn số 0366, 0368 và 0369. Vì vậy, Bị đơn phải thanh toán tổng số tiền từ các hóa đơn này là 144.511,52 USD cho Nguyên đơn theo các quy định của Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 50 Luật Thương mại năm 2005”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng quy định về chuyển giao quyền yêu cầu để từ đó xác định “Bị đơn phải thanh toán tổng số tiền từ các hóa đơn này là 144.511,52 USD cho Nguyên đơn”. Thực ra, hoàn cảnh trong vụ việc tương đối phức tạp do quan hệ giữa các chủ thể chưa thực sự rõ. Bị đơn chắc chắn phải thanh toán số cát đã nhận từ Công ty TĐD nhưng phải thanh toán cho Nguyên đơn hay cho Công ty TĐD thì lại có tranh chấp. Ở hoàn cảnh này, có hai giả thuyết: Thứ nhất, nếu Bị đơn phải thanh toán cho Công ty TĐD và Công ty TĐD chỉ ủy quyền cho Nguyên đơn nhận tiền thì Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn nhưng lúc này Nguyên đơn chỉ nhận hộ, nhận giúp (tức nhận với tư cách người đại diện Công ty TĐD). Lúc này, quan hệ nghĩa vụ thanh toán vẫn chỉ giới hạn ở quan hệ giữa Công ty TĐD và Bị đơn; Nguyên đơn chỉ là người đại diện nhận giúp Công ty TĐD nên nếu Nguyên đơn có nghĩa vụ với Bị đơn thì hai nghĩa vụ này không thể bù trừ cho nhau vì chỉ tồn tại một nghĩa vụ giữa Bị đơn với Công ty TĐD và một nghĩa vụ giữa Bị đơn và Nguyên đơn nên không đủ điều kiện để bù trừ cho nhau (đã được nghiên cứu trong chủ đề khác). Thứ hai, nếu Bị đơn phải thanh toán cho Công ty TĐD và Công ty TĐD đã chuyển quyền yêu cầu cho Nguyên đơn thì lúc này quan hệ nghĩa vụ ban đầu giữa Bị đơn và Công ty TĐD đã chuyển thành quan hệ nghĩa vụ giữa Bị đơn và Nguyên đơn trong đó Bị đơn là người có nghĩa vụ và Nguyên đơn là người có quyền. Do đó, nếu Nguyên đơn có một nghĩa vụ cùng loại với Bị đơn thì hai nghĩa vụ này có thể bù trừ cho nhau (đã được nghiên cứu trong chủ đề khác). Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng có chuyển giao quyền yêu cầu theo quy định của Bộ luật dân sự. Để không làm phát sinh tranh chấp và để không gây lúng túng trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp nên thận trọng trong các quan hệ như trên. Nếu doanh nghiệp có ý định chuyển giao quyền yêu cầu thì cần nói rõ là chuyển giao quyền yêu cầu còn nếu chỉ giới hạn ở ủy quyền đại diện nhận thực hiện nghĩa vụ thì cũng nên nói rõ là ủy quyền. Nếu làm được như trên, chúng ta sẽ hạn chế được tranh chấp.
#036 | Điều chỉnh lại hợp đồng khi chính sách thay đổi
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty A (Nguyên đơn) ký hợp đồng xây dựng với Công ty B (Bị đơn). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nhà nước có điều chỉnh lương tối thiểu và phía Nguyên đơn yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng. Yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Bài học kinh nghiệm : “Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” (Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005), “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015). Với quy định này, về nguyên tắc những gì các bên đã thỏa thuận không được thay đổi mà không có sự đồng ý của hai bên. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng được tiến hành trong thời gian dài và trong thời gian này Nhà nước có thể có những thay đổi về chính sách tác động trực tiếp việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, hợp đồng có được điều chỉnh lại không? Trong vụ việc trên, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng bằng việc điều chỉnh chi phí nhân công, chi phí máy thi công (phần nhân công). Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “Hợp đồng và giá hợp đồng được ký vào thời điểm chi phí nhân công, máy thi công (phần nhân công) đã được tính với mức lương tối thiểu vùng là 880.000 VND/tháng”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “trong thời gian thực hiện hợp đồng, Nhà nước đã có sự thay đổi chính sách, chế độ tiền lương thông qua việc Chính phủ đã ban hành hai Nghị định 108/2010/NĐ-CP và Nghị định 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động áp dụng tại địa bàn Dự án là 1.200.000đ/tháng kể từ ngày 01/01/2011 đến ngày 30/09/2011 và 2.000.000đ/tháng kể từ ngày 01/10/2011 đến 31/12/2012 nên giá hợp đồng cần phải được điều chỉnh”. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã quyết định “buộc Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn giá trị điều chỉnh phần chi phí phân công, chi phí máy thi công (phần nhân công) cho khối lượng công việc đã được nghiệm thu thanh toán từ 01/01/2011 đến ngày 30/06/2012 theo hợp đồng là 9.710.429.000 VND ”. Ở trên, chúng ta đã thấy Hội đồng Trọng tài điều chỉnh lại hợp đồng xuất phát từ việc Nhà nước thay đổi về chính sách tiền lương, chế độ tiền lương. Để làm được việc này, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào hai loại cơ sở: Thứ nhất , Hội đồng Trọng tài đã dựa vào thỏa thuận của các Bên trong hợp đồng như Điều 8 của hợp đồng với nội dung “trường hợp có sự thay đổi thiết kế, chính sách chế độ của Nhà nước… và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giá trị hợp đồng sẽ được điều chỉnh tương ứng” và “điều chỉnh do Nhà nước có sự thay đổi chính sách, chế độ: thay đổi tiền lương, thay đổi giá nguyên vật liệu do Nhà nước quản lý giá hoặc thay đổi chế độ chính sách mới làm thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình”. Thứ hai , Hội đồng Trọng tài đã dựa vào một số quy định của pháp luật như Luật xây dựng năm 2003 trong đó có quy định tại điểm b khoản 1 Điều 109 rằng “Hợp đồng trong hoạt động xây dựng chỉ được điều chỉnh khi được người quyết định đầu tư cho phép trong các trường hợp sau đây: Khi Nhà nước thay đổi các chính sách có liên quan”, Luật đấu thầu năm 2005 trong đó có quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 với nội dung “việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây: Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì được điều chỉnh theo các chính sách này kể từ thời điểm các chính sách này có hiệu lực”. Ngoài ra, Hội đồng Trọng tài còn viện dẫn văn bản trả lời của Bộ xây dựng, Bộ tư pháp cho biết hướng điều chỉnh hợp đồng. Như vậy, chúng ta thấy hợp đồng được giao kết hợp pháp đã được điều chỉnh lại và sự điều chỉnh này ràng buộc các Bên trong hợp đồng. Hội đồng Trọng tài đã dựa vào thỏa thuận của các Bên cũng như quy định của pháp luật nhưng thực ra, các quy định nêu trên cho phép điều chỉnh hợp đồng mà không cần có sự thỏa thuận của các Bên. Tuy nhiên, việc các Bên thỏa thuận về việc điều chỉnh lại hợp đồng càng làm cho việc điều chỉnh lại hợp đồng dễ được triển khai. Vì thế, doanh nghiệp nên mạnh dạn đưa các nội dung cho phép điều chỉnh lại hợp đồng vào chính hợp đồng của mình bên cạnh những quy định cho phép điều chỉnh hợp đồng đã trích dẫn ở trên. Quốc hội đã ban hành Luật xây dựng mới năm 2014 và vẫn giữ lại quy định theo hướng cho phép điều chỉnh lại hợp đồng mà không cần có sự thỏa thuận của các bên tại Điều 143 theo đó “Điều chỉnh hợp đồng xây dựng gồm điều chỉnh về khối lượng, tiến độ, đơn giá hợp đồng và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng. Các trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng: a) Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với các quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; b) Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác ”. Bộ luật dân sự năm 2015 đã kế thừa các quy định trên và có quy định chung tại Điều 420 về Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Đây là những quy định cho phép điều chỉnh lại hợp đồng khi Nhà nước có sự thay đổi chính sách và doanh nghiệp nên biết để bảo vệ quyền lợi của mình.
#035 | Sửa đổi hợp đồng trong quá trình thực hiện
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán lạc nhân với Công ty Ấn Độ (Bị đơn - Bên bán). Hàng đã chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam nhưng có hiện tượng ẩm mốc và có mùi hôi thối. Từ đó các bên đã ký văn bản điều chỉnh hợp đồng (Thỏa thuận bổ sung). Sau đó, trong các ngày 30/08/2011 và 01/09/2011, bằng hình thức trao đổi qua thư điện tử, hai Bên đã thay đổi giá (so với Thỏa thuận bổ sung) cho số lạc nhân bị thiệt hại hoàn toàn và số lạc nhân bị hư hại không đáng kể. Hội đồng Trọng tài theo hướng thỏa thuận về thay đổi giá “có hiệu lực pháp lý và có giá trị ràng buộc đối với các bên”. Bài học kinh nghiệm : Một khi hợp đồng được xác lập một cách hợp pháp thì các bên phải thực hiện và người thứ ba (như Tòa án, Trọng tài) phải tôn trọng. Nội dung này đã được thể hiện rõ tại Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” và “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng thì hợp đồng có thể được sửa đổi (quyền và nghĩa vụ của các bên có thể được sửa đổi). Do hợp đồng là kết quả của sự thỏa thuận nên, về nguyên tắc, sự sửa đổi phải tuân theo những điều kiều kiện nhất định. Về chủ đề này, Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó”. Quy định vừa nêu được duy trì trong Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 421. Trong vụ việc trên, các bên đã tiến hành sửa đổi giá và Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “Đối với các Thỏa thuận thông qua hình thức trao đổi thư điện tử trong các ngày 30/08 và 01/09/2011 về việc thay đổi giá đã thống nhất trước đó tại Thỏa thuận bổ sung số 01 áp dụng cho số lạc nhân bị thiệt hại hoàn toàn và số lạc nhân bị hư hại không đáng kể, đồng thời thống nhất tổng số tiền mà Nguyên đơn được giảm trừ do hàng hóa không đảm bảo chất lượng như quy định tại Điều 1 của hợp đồng đối với toàn bộ 10 container lạc nhân nhập khẩu, Hội đồng Trọng tài nhận thấy: (i) nội dung các thỏa thuận này hoàn toàn không vi phạm các điều cấm của luật pháp Việt Nam; (ii) về mặt hình thức, thỏa thuận thông qua việc trao đổi thư điện tử cũng được thừa nhận tương đương văn bản, căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, khoản 1 Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam, các Điều 10, 11, 12, 13 và 14 Luật giao dịch điện tử năm 2005 của Việt Nam. Do đó, các thỏa thuận nói trên đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo quy định của luật pháp Việt Nam (khoản 2 Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005). Mặc dù các thư điện tử của phía Nguyên đơn gửi cho Bị đơn đều do nhân viên của Nguyên đơn là Ông V ký, nhưng tại Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng tài tiến hành, đại diện theo pháp luật của Nguyên đơn đã thừa nhận giá trị của các thỏa thuận đạt được giữa các bên thông qua hình thức trao đổi thư điện tử trong các ngày 30/08 và 01/09/2011, vì vậy các Thỏa thuận này cũng đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và điều kiện của pháp luật về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng quy định tại các Điều 122, Khoản 2 Điều 433 Bộ luật dân sự năm 2005 và Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam. Từ những phân tích trên, Hội đồng Trọng tài cho rằng Thỏa thuận của các Bên về việc thay đổi giá đối với số lạc nhân bị thiệt hại hoàn toàn và số lạc nhân bị hư hại không đáng kể cũng như Thỏa thuận về tổng số tiền mà Nguyên đơn được giảm trừ do hàng hóa không đảm bảo chất lượng đối với toàn bộ 10 container lạc nhân nhập khẩu là có hiệu lực pháp lý và có giá trị ràng buộc đối với các Bên”. Từ Phán quyết trọng tài này, doanh nghiệp có thể rút ra được một số kinh nghiệm đáng lưu ý khi sửa đổi hợp đồng trong quá trình thực hiện: Thứ nhất , về chủ thể tham gia sửa đổi hợp đồng, chúng ta biết rằng Hợp đồng cũng như Thỏa thuận bổ sung sau đó được xác lập trên danh nghĩa của hai pháp nhân. Do đó, “các bên” theo nghĩa của Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 421 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên là “hai pháp nhân”. Trong thực tế, pháp nhân chỉ có thể tiến hành các giao dịch thông qua người đại diện (đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền) và việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo nguyên lý này. Trong vụ việc trên, người trực tiếp tham gia tiến hành sửa đổi hợp đồng (cụ thể là điều chỉnh giá) chỉ là “nhân viên” của một bên (nên không là đại diện theo pháp luật) mà chưa rõ có được ủy quyền hay không. Tuy nhiên, sau đó “đại diện theo pháp luật của Nguyên đơn đã thừa nhận giá trị của các thỏa thuận đạt được giữa các Bên thông qua hình thức trao đổi thư điện tử” nên thỏa thuận này ràng buộc Nguyên đơn trên cơ sở Điều 145 và 146 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý” và “giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối” (quy định được duy trì trong Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 142 và 143). Vì vậy, nếu việc tiến hành sửa đổi chỉ do nhân viên của đối tác thực hiện, doanh nghiệp phải có được ủy quyền của đại diện hợp pháp của đối tác và trong trường hợp không có ủy quyền như trên, doanh nghiệp phải tìm cách có được sự đồng ý của đại diện hợp pháp của đối tác như trong vụ việc nêu trên (nhận được sự đồng ý trong quá trình giải quyết tranh chấp). Thứ hai , về hình thức của thỏa thuận sửa đổi hợp đồng, Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 421 Bộ luật dân sự năm 2015 đặt ra điều kiện là hình thức ban đầu như thế nào thì hình thức của thỏa thuận sửa đổi cũng như vậy. Trong vụ việc trên, hợp đồng là mua bán giữa hai doanh nghiệp nên chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 trong khi đó Điều 27 Luật này yêu cầu hình thức bằng văn bản (không cần công chứng, chứng thực): “Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Ở đây, hợp đồng ban đầu bằng văn bản, Thỏa thuận bổ sung cũng bằng văn bản nên thỏa thuận sửa đổi trong quá trình thực hiện cũng phải bằng văn bản. Hợp đồng ban đầu và Thỏa thuận bổ sung được tiến hành bằng văn bản viết (đánh máy) nhưng thỏa thuận sửa đổi chỉ được tiến hành bằng thư điện tử. Vậy, hình thức sửa đổi đã được đáp ứng chưa? Thực ra, khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định “các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc thay đổi hợp đồng bằng văn bản viết (đánh máy) thông qua thư từ điện tử cũng được coi là thay đổi bằng văn bản. Nói cách khác, hợp đồng ban đầu bằng văn bản viết thông thường thì sự sửa đổi hợp đồng này hoàn toàn có thể được tiến hành qua email, fax… Hướng này rất thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nghiệp nên biết trong quá trình hoạt động.
#034 | Đề nghị và chấp nhận đề nghị sửa đổi hợp đồng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với Công ty Mỹ (Bị đơn - Bên mua). Trong quá trình thực hiện, các Bên có thư từ trao đổi liên quan đến một khoản tiền phải thực hiện trong hợp đồng. Khi có tranh chấp, trên cơ sở quy định về đề nghị, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, Hội đồng Trọng tài xác định các bên chưa đạt được thỏa thuận về nội dung trong thư được trao đổi.
#033 | Giá trị pháp lý của giấy tờ được lập khi thực hiện hợp đồng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Nguyên đơn và Bị đơn đã ký hợp đồng thi công theo đó Bị đơn đã đồng ý giao thầu và Nguyên đơn đã đồng ý nhận thầu thi công các tầng ngầm của một công trình. Khi thực hiện hợp đồng, giám đốc tài chính của Bị đơn đã ký Chứng chỉ thanh toán và Hội đồng Trọng tài xác định Chứng chỉ này có giá trị pháp lý. Bài học kinh nghiệm : Sau khi hợp đồng được giao kết hợp pháp, các bên chuyển sang giai đoạn thực hiện hợp đồng. Trong giai đoạn này, rất phổ biến thành viên của một bên (có vị trí, như là người quản lý nhưng không là đại diện theo pháp luật) xác lập các chứng từ và câu hỏi đặt ra là các chứng từ này có ràng buộc phía có người lập ra không? Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận tại hợp đồng rằng Chủ đầu tư sẽ thanh toán cho Nhà thầu số tiền được chứng nhận trong mỗi chứng chỉ thanh toán tạm trong vòng 28 ngày tính từ ngày phát hành chứng chỉ thanh toán tạm. Bị đơn đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn đòi thanh toán theo các chứng chỉ thanh toán tạm với nhiều lý do trong đó có lý do “Giám đốc tài chính T không có thẩm quyền để ký các yêu cầu thanh toán tạm nhân danh Bị đơn”. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “lập luận của Bị đơn cho rằng ông T, Giám đốc tài chính không có quyền nhân danh Bị đơn ký xác nhận các Chứng chỉ thanh toán tạm nói trên và vì thế các Chứng chỉ thanh toán tạm này không có giá trị ràng buộc đối với Bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ: (i) đại diện có thẩm quyền của Bị đơn đã biết việc ông T ký xác nhận các Chứng chỉ thanh toán tạm nói trên; và (ii) trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và cho đến trước Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tổ chức vào ngày 22/10/2012, Bị đơn không hề phản đối thẩm quyền của ông T trong việc ký xác nhận các chứng chỉ thanh toán tạm”. Như vậy, giấy tờ do người của doanh nghiệp xác lập ràng buộc doanh nghiệp cho dù người lập giấy tờ này không phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ở thời điểm lập giấy tờ khi người có thẩm quyền của doanh nghiệp biết giấy tờ này và không phản đối. Hướng giải quyết này có cơ sở pháp lý là Điều 145 và Điều 146 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý” và “giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối”. Hướng như vừa nêu vẫn còn nguyên giá trị khi áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 vì các quy định trên vẫn được duy trì trong Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 142 và Điều 143. Khi tiến hành thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cần biết hướng giải quyết trên để có ứng xử tương thích nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.
#032 | Trường hợp thư từ do nhân viên gửi ràng buộc doanh nghiệp
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Tây Ban Nha (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán) để mua cá. Trong email do nhân viên của Bị đơn gửi cho Nguyên đơn, phía Bị đơn theo hướng chấm dứt hợp đồng. Khi có tranh chấp, Bị đơn cho rằng email này không có giá trị. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài xác định email này có giá trị pháp lý. Bài học kinh nghiệm : Trong quá trình giao kết cũng như thực hiện hợp đồng, thường xuyên nhân viên của doanh nghiệp trao đổi với đối tác và câu hỏi đặt ra là các trao đổi của nhân viên doanh nghiệp có giá trị pháp lý ràng buộc doanh nghiệp hay không? Trong vụ việc trên, giữa Nguyên đơn và Bị đơn đã xác lập hợp đồng nhưng ngày 11/02/2011, một nhân viên của Bị đơn đã gửi email cho Nguyên đơn về hủy hợp đồng, trong đó viết: “It is hard for us to inform you final DECISION on pending order…. After OPE 04, we are sorry to CANCEL ALL PENDING ORDER IN 2010. We are looking forward to having your cooperation on this DECISION”. Khi xảy ra tranh chấp, Bị đơn cho rằng người đưa ra email này chỉ là “nhân viên Phòng kinh doanh” và “Giám đốc của Bị đơn chưa chính thức thông báo hoặc ký bất kỳ văn bản nào về việc hủy 02 hợp đồng này”. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “không chấp nhận lập luận của Bị đơn cho rằng email này chỉ là ý kiến của nhân viên phụ trách kinh doanh, không phải ý kiến chính thức của Bị đơn, vì: Người gửi email này là sales Executive, trên đầu email ghi rõ gửi từ “ HC - Tên của Bên bán” và email này được đồng gửi (CC) cho người có thẩm quyền của Bị đơn, nghĩa là email tuyên bố hủy hợp đồng này được đặt trong tầm kiểm soát của người có thẩm quyền của Bị đơn và người có thẩm quyền của Bị đơn hoàn toàn biết quyết định của Bị đơn trong email này đã được gửi tới Nguyên đơn”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “không có bằng chứng nào cho thấy người có thẩm quyền của Bị đơn “rút lại” email này”. Từ đó, “Hội đồng Trọng tài đi đến kết luận: bằng email ngày 11/02/2011, Bị đơn đã đơn phương quyết định hủy hợp đồng”. Như vậy, Hội đồng Trọng tài theo hướng thư từ xuất phát từ nhân viên của doanh nghiệp cũng ràng buộc doanh nghiệp khi thư từ này được gửi từ doanh nghiệp và người có thẩm quyền của doanh nghiệp biết về thư từ này nhưng không phản đối. Hướng giải quyết này có thể được lý giải như sau: Việc thư từ được gửi đi từ nhân viên của doanh nghiệp có thể được coi là thư từ nhân danh doanh nghiệp, tức nhân viên đã đại diện doanh nghiệp. + Nếu nhân viên đã được người có thẩm quyền ủy quyền làm việc này thì thư từ đã gửi là giao dịch ràng buộc doanh nghiệp trên cơ sở khoản 4 Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập” và “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện”. + Nếu nhân viên không được người có thẩm quyền ủy quyền làm việc này thì thư từ đã gửi vẫn ràng buộc doanh nghiệp khi người có thẩm quyền biết mà không phản đối trên cơ sở khoản 1 Điều 145 và Điều 146 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý ” và “giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối ”. Ở vụ việc trên, thư từ của nhân viên cũng được gửi cho người có thẩm quyền của doanh nghiệp nên người có thẩm quyền của doanh nghiệp biết nhưng người có thẩm quyền này không có ý kiến gì, không rút thư từ mà nhân viên đã gửi. Điều đó có nghĩa là, kể cả trường hợp doanh nghiệp không ủy quyền cho nhân viên gửi thư từ, doanh nghiệp vẫn chịu sự ràng buộc bởi các giao dịch nếu trong thư từ khi người có thẩm quyền của doanh nghiệp biết mà không phản đối (tức đồng ý). Hướng như vừa nêu vẫn còn nguyên giá trị vì các quy định trên được giữ lại trong Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 142 và Điều 143. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần thận trọng đối với thư từ của nhân viên doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần kiểm soát nội bộ thư từ của nhân viên trước khi nhân viên gửi cho đối tác và đối với thư từ đã được nhân viên gửi cho đối tác mà doanh nghiệp không đồng ý, doanh nghiệp phải có ý kiến sớm để không bị ràng buộc bởi giao dịch có trong thư từ mà nhân viên gửi cho đối tác.