Trọng tài thương mại
#094 | Bên mua có quyền nhận lại tiền khi không nhận được hàng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty của Tây Ban Nha (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán). Nguyên đơn đã thanh toán một khoản tiền nhưng chưa nhận được hàng như thỏa thuận trong hợp đồng. Từ đó, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn hoàn trả tiền đã thanh toán và yêu cầu này được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế chúng ta không hiếm khi gặp trường hợp bên bán nhận tiền theo hợp đồng nhưng hàng lại không được giao và vụ việc trên là một ví dụ. Ở đây, hàng đã chuyển đến cảng Melilla. Bộ chứng từ thanh toán đã được Ngân hàng P tại Hà Nội chuyển cho Ngân hàng B (Ngân hàng của Bên mua). Nguyên đơn đã không tiến hành thanh toán để nhận bộ chứng từ để nhận hàng. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đã xác định “Nguyên đơn xem như đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán” và Bị đơn được giữ lại 10% tiền ứng trước như các Bên đã thỏa thuận. Như vậy, Nguyên đơn (Bên mua) bị mất 10% khoản tiền ứng trước và vấn đề tiếp theo được đặt ra là Bên mua có được nhận lại tiền đã thanh toán không? Sau khi viện dẫn Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2005 theo đó “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán” và Điều 34, Điều 50 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng” và “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận”, Hội đồng Trọng tài theo hướng Bên mua được nhận lại số tiền đã thanh toán. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “căn cứ vào các quy định trên, Bị đơn chỉ được quyền nhận tiền thanh toán khi giao hàng cho Nguyên đơn. Thực tế, Bị đơn đã chuyển hàng về Việt Nam và cho đến nay, vẫn không giao hàng cho Nguyên đơn. Tại hợp đồng, Nguyên đơn và Bị đơn chỉ thỏa thuận Bị đơn được quyền giữ lại 10% tiền ứng trước nếu Nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Việc Bị đơn giữ 358.723,52 USD của 02 đợt thanh toán trong khi không tiếp tục giao hàng là không cơ sở và vi phạm các quy định của pháp luật như trích dẫn ở trên. Do đó, yêu cầu của Nguyên đơn buộc Bị đơn phải hoàn trả cho Nguyên đơn số tiền 358.723,52 USD là có căn cứ để chấp nhận”. Trong một vụ việc khác được giải quyết tại VIAC, Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng nêu trên. Cụ thể, sau khi khẳng định “Nguyên đơn đã thể hiện chủ định mua hàng để sản xuất giấy”, “Bị đơn đã biết và phải biết rằng mục đích mua hàng của Nguyên đơn là để sản xuất giấy” nhưng “Nguyên đơn nêu rằng thông số về độ trắng quá thấp (chỉ đạt 49,78% thay vì tối thiểu 82%), cộng với các thông số khác không đạt yêu cầu, đã làm cho hàng không sử dụng được vào mục đích làm giấy”, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “tiền hàng đã được thanh toán đầy đủ cho Bị đơn và theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005, Nguyên đơn có quyền từ chối nhận hàng, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bị đơn phải hoàn trả số tiền hàng đã nhận là 179.724 USD cho Nguyên đơn”. Như vậy, khi hàng không được giao thì Bên mua được quyền nhận lại khoản tiền đã thanh toán cho Bên bán, tức Bên bán không được giữ lại khoản tiền này mà phải hoàn trả lại cho Bên mua. Đây là hướng giải quyết thuyết phục vì nếu Bên bán giữ lại khoản tiền đã thanh toán nhưng không giao hàng thì Bên bán trở thành người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
#093 | Bên bán được quyền từ chối giao hàng do có vi phạm việc thanh toán
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán với Công ty Singapore (Bị đơn - Bên bán). Các Bên thỏa thuận thanh toán 100% bằng L/C không hủy ngang nhưng Bên mua đã không tuân thủ quy định về thanh toán. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bên bán được từ chối giao hàng xuất phát từ việc không tuân thủ quy định về thanh toán. Bài học kinh nghiệm : Theo Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2005, “hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán” (được kế thừa lại tại Điều 430 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”). Từ quy định này chúng ta thấy bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua. Nghĩa vụ giao tài sản cũng được khẳng định tại khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp bên mua vi phạm quy định về thanh toán và câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp này, bên bán có được từ chối giao hàng không? Ở vụ việc trên, các Bên xác lập hợp đồng mua bán (hạt điều khô chưa bóc vỏ, xuất xứ Bờ biển Ngà). Trong hợp đồng, các Bên thỏa thuận thời hạn giao hàng là trước ngày 30/04/2009, được phép giao hàng từng phần. Cho rằng Bị đơn đã vi phạm hợp đồng nên Nguyên đơn đã kiện Bị đơn ra VIAC với yêu cầu: Giao số hàng còn lại cho Nguyên đơn. Về phía mình, sau khi khẳng định “trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã đơn phương thay đổi nội dung L/C nhiều lần nhưng không được Bị đơn chấp thuận, nhất là mục 9 và 10 ở trường 46A”, Hội đồng Trọng tài cho rằng “Hội đồng Trọng tài đồng ý với quan điểm rằng: những sửa đổi của Nguyên đơn về điều kiện thanh toán trong L/C đối với tu chỉnh L/C lần 2, 3, 4 và Bị đơn chỉ chấp nhận một phần nội dung các tu chỉnh này đã làm cho L/C không có hiệu lực theo Điều 10 của UCP 600. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 07/07/2009, L/C của hợp đồng số 139/RCN/2008-09 và tu chỉnh L/C lần 1 cũng đã hết hiệu lực. Trong trường hợp này, Bị đơn có quyền không giao số hàng còn lại của hợp đồng cho Nguyên đơn khi điều khoản thanh toán được thực hiện trái với các qui định trong hợp đồng và không được sự chấp nhận của Bị đơn”. Ở đây, chúng ta thấy Hội đồng Trọng tài xác định Bên bán “có quyền không giao số hàng còn lại của hợp đồng” khi “điều khoản thanh toán được thực hiện trái với các qui định trong hợp đồng và không được sự chấp nhận của Bị đơn”. Hướng giải quyết như trên là thuyết phục nhằm bảo vệ quyền lợi cho Bên bán xuất phát từ việc vi phạm của Bên mua. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp biết rằng bên bán được quyền không giao hàng hóa như đã thỏa thuận trong trường hợp bên mua vi phạm các quy định về thanh toán mà các bên đã thỏa thuận. Ở đây, doanh nghiệp cũng biết rằng bên mua không được đòi hỏi bên bán thực hiện nghĩa vụ giao hàng nếu chính bên mua đã phá vỡ những quy định trong hợp đồng về thanh toán tiền hàng. Lúc này quyền không giao hàng như đã thỏa thuận trở thành công cụ tự vệ hữu hiệu cho bên bán.
#092 | Bên bán được quyền thanh toán khi đã giao hàng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn – Bên bán) ký hợp đồng mua bán cao su với Công ty Brazil (Bị đơn – Bên mua). Bên bán đã chuyển hàng cho Bên mua nhưng Bên mua không thanh toán cho Bên bán. Hội đồng Trọng tài quyết định Bên mua phải thanh toán cho Bên bán. Bài học kinh nghiệm : Trong thực tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp Bên bán đã chuyển hàng hóa cho Bên mua nhưng Bên mua không thanh toán tiền cho Bên bán. Trong trường hợp này, Bên bán có được quyền yêu cầu Bên mua thanh toán tiền mua bán hàng hóa không? Trong vụ việc trên, sau khi ký kết hợp đồng, Bên bán vận chuyển hàng từ Cảng Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không được Bên mua trả tiền. Sau khi khẳng định “Hợp đồng mua bán số VS11-506 giữa Nguyên đơn với Bị đơn là hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa, phù hợp với định nghĩa về mua bán hàng hóa được quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005” và “Về nội dung giao dịch giữa Nguyên đơn và Bị đơn cũng phù hợp với Điều 122 và 124 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định về điều kiện và hình thức của giao dịch dân sự, Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 nên có giá trị pháp lý để thực hiện”, Hội đồng Trọng tài xét rằng “yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn buộc Bị đơn phải thanh toán toàn bộ giá trị hàng hóa 54.400 USD (Năm mươi tư ngàn bốn trăm Đô la Mỹ) mà Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn theo các chứng từ vận chuyển hàng hóa và xác nhận của cảng đến nêu trên là có căn cứ, được chấp nhận”. Hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài là thuyết phục. Bởi lẽ, pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng là pháp luật Việt Nam [1] trong khi đó “Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản” (khoản 1 Điều 438 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 440 Bộ luật dân sự năm 2015) và “bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng” (khoản 1 Điều 50 Luật Thương mại năm 2005). Trong vụ việc sau đây, Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu. Cụ thể, trước yêu cầu của Nguyên đơn (Bên bán) buộc Bị đơn (Bên mua) trả 50% còn lại của giá trị hàng hóa theo Phụ lục số 01, Hội đồng Trọng tài xét rằng “Nguyên đơn khẳng định đã giao đầy đủ Bộ chứng từ này cho Bị đơn và Bị đơn cũng xác nhận đã nhận đủ Bộ chứng từ. Như vậy người bán (tức Nguyên đơn) đã đáp ứng mọi điều kiện để nhận 50% tiền hàng còn lại theo đúng quy định tại Điều 4 của Phụ lục số 01. Việc Bị đơn không thanh toán số tiền 40.000 EUR này cho Nguyên đơn là Bị đơn đã vi phạm hợp đồng. Do đó, Hội đồng Trọng tài cho rằng có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này của Nguyên đơn”. Như vậy, khi xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa, doanh nghiệp phải biết rằng nếu là Bên mua thì có nghĩa vụ thanh toán cho Bên bán còn nếu là Bên bán thì có quyền yêu cầu Bên mua thanh toán, nhất là khi hàng hóa đã được giao cho bên mua theo thỏa thuận. [1] Ở đây, Hội đồng Trọng tài đã xác định “trong hợp đồng, các Bên không có thỏa thuận về việc chọn pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp. Tranh chấp trong vụ tranh chấp 24/12HCM là tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Do vậy, căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo đó Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài..., nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng T rọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng T rọng tài cho là phù hợp nhất; căn cứ khoản 2 Điều 22 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC theo đó Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.... trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất, Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp”.
#091 | Xác định việc thiếu hàng so với hợp đồng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán) để mua cao su. Hàng đã được chuyển sang Trung Quốc cho Bên mua nhưng Bên mua cho rằng có việc thiếu hàng. Trên cơ sở kết quả giám định của một tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng Trọng tài xác định có việc thiếu hàng. Bài học kinh nghiệm : Trong hợp đồng mua bán hàng hóa có việc giao hàng từ bên bán sang bên mua. Về số lượng cần giao, khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 quy định “bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng , chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. Quy định này cũng tương thích với khoản 1 Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005, theo đó “Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng , chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác”. Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định theo hướng tương tự tại khoản 2 Điều 279 theo đó “nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng”. Trong thực tế, chúng ta đôi khi gặp trường hợp bên mua cho rằng thiếu hàng so với hợp đồng và việc xác định này là cần thiết để áp dụng các biện pháp tương ứng nếu có việc thiếu hàng thực sự. Trong vụ việc trên, sau khi hàng đến cảng dỡ hàng Qingdao, đại lý giao nhận vận tải của Nguyên đơn đã đến cảng làm thủ tục nhận hàng. 02 containers chứa đựng hàng được hải quan sở tại cân hàng theo quy định của Pháp luật hải quan Trung Quốc trước khi giao cho Người nhận hàng. Khi cân hàng, hải quan sở tại phát hiện trọng lượng hàng thiếu hụt trên 17 tấn so với chứng từ giao hàng. Do khác biệt lớn giữa trọng lượng khai báo trong chứng từ giao hàng với trọng lượng thực qua cân, 02 containers bị hải quan lưu giữ để mở ra kiểm tra. Chứng thư giám định do H kết luận tình trạng bên ngoài container bình thường và trước khi mở 02 containers, các seals của 02 container đều còn nguyên, chưa bị đứt (intack), và số các cặp chì đều phù hợp với chứng từ giao hàng, tuy vậy, khi mở 02 containers, giám định viên và hải quan sở tại thấy hàng được xếp từ cuối containers ra đến cửa, nhưng nhìn từ sàn lên nóc containers thì chỉ có một nửa container là có hàng và hàng không được xếp đầy containers. Ở đây, theo kết quả giám định, chỉ có 743 bành cao su được dỡ ra khỏi 02 container, dẫn đến tổng số hàng bị thiếu là 517 bành. Tuy nhiên, Bên bán (Bị đơn) cho rằng mình đã giao đúng và đủ hàng như quy định trong hợp đồng. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “Chứng thư giám định của H cấp tại cảng dỡ hàng là phù hợp với quy định của Điều 6 hợp đồng cũng như phù hợp với quy định về cơ quan giám định hàng hư hỏng thiếu hụt ở cảng đích ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm lô hàng do chính P cấp. Vì vậy, Chứng thư giám định này là cuối cùng và có giá trị ràng buộc cả Nguyên đơn và Bị đơn. Nguyên đơn cũng đã tuân thủ đầy đủ và đúng các bước quy định về trình tự và thủ tục khiếu nại đòi bồi thường hàng hóa thiếu hụt quy định tại Điều 6 của hợp đồng”. Như vậy, trước sự bất đồng giữa các bên về việc hàng được giao có đầy đủ hay không, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào kết quả giám định. Ở đây, hàng đang ở nước ngoài và tổ chức giám định là tổ chức nước ngoài nhưng vẫn được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Để chấp nhận kết quả trên, Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào Điều 6 của hợp đồng theo đó “nếu phát hiện chất lượng, quy cách phẩm chất, số lượng, trọng lượng không phù hợp với hợp đồng thì Người mua sẽ thông báo cho Người bán biết và Người mua có quyền khiếu nại Người Bán dựa trên cơ sở Giấy chứng nhận giám định do cơ quan giám định độc lập có uy tín cấp trong vòng 30 ngày kể từ khi hàng đến cảng đích, các bên cũng thỏa thuận rằng Người bán sẽ không chịu trách nhiệm về hư hỏng tổn thất nếu do nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của chủ tàu hoặc người bảo hiểm”. Việc xác định hàng hóa có đúng số lượng so với hợp đồng thường được đối chất trực tiếp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, vụ việc trên cho thấy không có việc giao nhận trực tiếp nên đã dẫn tới khó khăn trong việc xác định. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào giám định của một tổ chức để xác định và thực tế việc giám định của tổ chức này đã được dự liệu trong hợp đồng. Đây là bài học bổ ích cho việc giao nhận hàng và các bên trong hợp đồng nên có thỏa thuận minh thị về tổ chức giám định cũng như trình tự giám định để hạn chế những tranh chấp sau này về việc xác định hàng có đủ so với hợp đồng hay không.
#090 | Xác định xuất xứ của hàng hóa
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Malaysia (Nguyên đơn) và Công ty Việt Nam (Bị đơn) ký hợp đồng mua bán một bộ hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí để lắp đặt trong Bệnh viện. Các Bên thỏa thuận xuất xứ hàng hóa là Malaysia và Hội đồng Trọng tài xác định hàng hóa phải được sản xuất tại Malaysia. Bài học kinh nghiệm : Xuất xứ hàng hóa là thuật ngữ quen thuộc đối với doanh nghiệp nhưng hiểu nội hàm khái niệm này như thế nào vẫn là điều chưa thực sự rõ trong thực tiễn và có thể làm phát sinh tranh chấp. Trong vụ việc trên, các Bên thỏa thuận tại Điều 1.3 “ Xuất xứ: Sản xuất tại Malaysia”. Theo đánh giá của Công ty giám định V, Một số thiết bị & nhóm thiết bị có nhãn thể hiện “Sản xuất tại Malaysia ", một số thiết bị & nhóm thiết bị có nhãn thể hiện “Sản xuất tại Trung Quốc" hoặc tên nhà sản xuất Trung Quốc, một số thiết bị & nhóm thiết bị có nhãn thể hiện “Sản xuất tại Mexico ", một số thiết bị & nhóm thiết bị có nhãn không thể hiện nước sản xuất. Nhãn trên tất cả các thiết bị được kiểm tra không thể hiện công nghệ và tiêu chuẩn sản xuất . Kết quả đánh giá cho thấy các thiết bị mà các Bên giao nhận thể hiện nơi sản xuất ở các nước khác nhau và câu hỏi đặt ra là các thiết bị trên có đáp ứng yêu cầu về “xuất xứ” mà các Bên đã thỏa thuận không? Theo Bên bán, không có sự khác biệt giữa quy định “ Xuất xứ: Sản xuất tại Malaysia ” và quy định “ Xuất xứ: Malaysia ”. Hợp đồng chỉ yêu cầu Thiết bị có xuất xứ tại Malaysia , chứ không phải hoàn toàn sản xuất tại Malaysia . Tuy nhiên, theo Bên mua, hợp đồng rất rõ ràng về vấn đề này khi quy định Thiết bị phải được “ sản xuất tại Malaysia ” nhưng Chứng thư giám định cho thấy một số bộ phận chủ chốt của thiết bị không được sản xuất tại Malaysia. Do đó, Bên mua cho rằng đây là sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Trước sự không thống nhất nêu trên, Hội đồng Trọng tài phải đánh giá. Việc đánh giá trên đòi hỏi phải giải thích hợp đồng và Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng này khi cho rằng “đây chỉ là vấn đề giải thích Điều 1.3 của hợp đồng”. Kế tiếp, theo Hội đồng Trọng tài, “ngôn từ Điều 1.3 rõ ràng đòi hỏi thiết bị phải được sản xuất tại Malaysia chứ không chỉ là xuất xứ hoặc tới từ Malaysia . Sự hiện diện của các từ “được sản xuất” tại Điều này khiến Hội đồng Trọng tài không thể đi đến một kết luận khác. Trong một điều khoản hợp đồng ngắn gọn và rõ ràng quy định quy cách của thiết bị, không thể bỏ qua sự hiện diện của từ “được sản xuất”, từ này có nghĩa là “được chế tạo” hoặc "được sản xuất”. Nói rằng Điều 1.3 này chỉ yêu cầu thiết bị tới từ Malaysia mặc dù thiết bị có thể được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc hoặc một nơi nào khác là bỏ qua ý nghĩa rõ ràng của từ “được sản xuất”, và Hội đồng Trọng tài không thể làm như vậy theo luật Singapore, luật Việt Nam hoặc thậm chí theo lẽ thường. Vì vậy Hội đồng Trọng tài không đồng ý với biện luận của Nguyên đơn rằng không có sự khác biệt giữa quy định “ Xuất xứ: Sản xuất tại Malaysia” và quy định “ Xuất xứ: Malaysia ”. Các từ “sản xuất tại” rất quan trọng trong Điều khoản này và phải mang ý nghĩa rõ ràng và thông thường. Do vậy, Hội đồng Trọng tài thấy rằng Điều 1.3 của hợp đồng đòi hỏi thiết bị phải được sản xuất tại Malaysia , chứ không chỉ cần có nơi xuất xứ là Malaysia ”. Như vậy, trước bất đồng của các Bên về khái niệm “xuất xứ” của hàng hóa, Hội đồng Trọng tài đã giải thích và đi đến kết luận “xuất xứ” tại Malaysia ở đây được hiểu là “sản xuất” tại Malaysia . Nói cách khác, trên cơ sở nội dung của hợp đồng, khái niệm “xuất xứ” từ một địa điểm được hiểu là “sản xuất” tại địa điểm đó. Hướng giải quyết này cũng phù hợp với khoản 14 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó”. Từ vụ việc này, doanh nghiệp xác lập giao dịch có đề cập tới vấn đề xuất xứ cần thận trọng trong việc làm rõ nội hàm của từ “xuất xứ” để hạn chế những tranh chấp không cần thiết mặc dù thuật ngữ này được sử dụng rất phổ biến trong đời sống như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên. Trong hợp đồng cần tránh những thuật ngữ dẫn tới cách hiểu khác nhau về xuất xứ hàng hóa và cần có những quy định rõ ràng về xuất xứ đối với toàn bộ hàng hóa hay đối với từng bộ phận của hàng hóa nếu các bên muốn đề cập tới nội dung này trong hợp đồng.
#089 | Xác định chất lượng hàng hóa
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Trung Quốc (Bị đơn - Bên bán). Phía Việt Nam đã nhận hàng nhưng cho rằng hàng không đúng hợp đồng. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “Bị đơn đã giao cho Nguyên đơn hàng hóa không phù hợp với hợp đồng”. Bài học kinh nghiệm : Việc đánh giá hàng hóa có đúng hợp đồng hay không kéo theo những hệ quả nhất định mà chúng ta sẽ thấy trong các chủ đề sau. Việc đánh giá hàng hóa có đúng hay không đúng hợp đồng có thể dựa vào số lượng và chất lượng. Đối với việc đánh giá số lượng, vấn đề thường không quá phức tạp so với đánh giá chất lượng hàng hóa vì số lượng mang tính định lượng nên dễ xác định bằng các công cụ đo lường [1] . Trong vụ việc trên, Bên mua đã nhận hàng và giao hàng và các Bên không tranh chấp về số lượng nhưng Bên mua cho rằng chất lượng hàng hóa không đúng như hợp đồng. Để biết hàng hóa giao nhận có chất lượng phù hợp với hợp đồng hay không, cần phải làm gì? Theo Hội đồng Trọng tài, “ngay khi làm thủ tục hải quan để nhận hàng, Nguyên đơn đã phát hiện và lập tức, bằng Thư điện tử ngày 22/04/2010, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn biết là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Tại các thư điện tử ngày 25/04 và ngày 28/04/2011 Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn là mẫu lấy từ lô hàng Bị đơn giao cho Nguyên đơn đã được Nguyên đơn gửi tới Công ty giám định Q để trưng cầu giám định nhưng Bị đơn không có bất kỳ ý kiến nào phản đối. Đến ngày 16/05/2011, Nguyên đơn gửi Thông báo kết quả giám định của Công ty giám định Q cho Bị đơn và Bị đơn cũng không có ý kiến phản đối. Như vậy, Hội đồng Trọng tài cho rằng Công ty giám định Q đã được các Bên lựa chọn và theo Điều 262 Luật Thương mại năm 2005, Chứng thư giám định của Công ty giám định Q có giá trị pháp lý đối với các Bên”. Theo Điều 262 Luật Thương mại năm 2005, “trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định”. Với quy định này, giám định do người thứ ba sẽ ràng buộc các bên nếu có thỏa thuận của các bên. Vậy trong trường hợp này, các Bên có thỏa thuận về việc giám định bởi người thứ ba không? Ở đây, Hội đồng Trọng tài cho rằng Bên mua đã đề xuất hướng giám định và Bên bán không có ý kiến phản đối nên coi như người giám định “đã được các Bên lựa chọn”. Đây là hướng giải quyết khá độc đáo nhưng cần thiết trước sự không hợp tác của Bên bán. Do đó, để không bị ràng buộc bởi giám định của người thứ ba mà một bên đơn phương yêu cầu, các bên nên có thỏa thuận minh thị về việc giám định. Trong trường hợp không có thỏa thuận về chủ đề này thì khi một bên đề xuất hướng giám định, bên còn lại cần cho ý kiến và, nếu không cho ý kiến khác, bên còn lại bị coi là chấp nhận đề xuất của bên kia. Từ đó, kết quả giám định của người thứ ba sẽ ràng buộc các bên như Hội đồng Trọng tài đã làm trong vụ việc trên. [1] Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra tranh chấp và nội dung này sẽ được trình bày ở một chủ đề ở phần sau.
#088 | Thỏa thuận chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty C (Israel - Nguyên đơn) ký hợp đồng công nghệ với Công ty E (Việt Nam - Bị đơn). Trong hợp đồng các bên chọn VIAC khi có tranh chấp và, tại Điều 15 của hợp đồng, các bên chọn ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài xác định “ngôn ngữ trọng tài trong vụ tranh chấp là tiếng Việt”. Bài học kinh nghiệm : Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng luôn là một vấn đề không thể thiếu cho dù đó là tố tụng dân sự tại Tòa án hay đó là tố tụng tại Trọng tài thương mại. Theo Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, “tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Như vậy, “về nguyên tắc, tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt”. Quy định này ràng buộc cơ quan tố tụng cũng như các đương sự tham gia tố tụng với một số hệ quả quan trọng sau: Thứ nhất , “trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt mà họ sử dụng ngôn ngữ khác trong quá trình tố tụng thì phải có sự tham gia tố tụng của người phiên dịch để dịch ngôn ngữ đó ra tiếng Việt và ngược lại” [1] . Cụ thể, ngay tại phiên hòa giải, cần có “người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt” (khoản 5 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004) và đến khi tuyên án thì “trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết” (Điều 239 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Thứ hai , “đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp” (khoản 3 Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004). Với quy định này, “nếu đương sự chưa gửi kèm bản dịch tài liệu, chứng cứ đó sang tiếng Việt hoặc đã dịch sang tiếng Việt nhưng bản dịch chưa được công chứng, chứng thực hợp pháp thì Toà án không nhận tài liệu, chứng cứ đó” [2] và nếu Tòa án chấp nhận những chứng cứ, tài liệu chưa được dịch sang tiếng Việt thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về ngôn ngữ quy định “đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận”. So với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng trường hợp theo đó các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm trường hợp “tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC chấp nhận ngôn ngữ do các bên thỏa thuận khi tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong vụ việc trên, tranh chấp có yếu tố nước ngoài và các Bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài nên các bên được thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài. Thực tế, các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ trọng tài bằng tiếng Anh. Theo Hội đồng Trọng tài, “trong những văn thư giao dịch ban đầu, các Bên sử dụng tiếng Anh, Hội đồng Trọng tài cũng gửi các thông báo của mình cho các Bên bằng tiếng Anh”. Nhưng cuối cùng, Hội đồng Trọng tài lại sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Việt và đã ra Phán quyết trọng tài bằng tiếng Việt. Việc làm này có trái với ý chí chung của các bên không, có trái với các quy định trên hay không? Thực ra, trong quá trình tố tụng, “ngày 18/11/2014, Nguyên đơn gửi Bị đơn Văn thư đề nghị sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài. Bị đơn đã chấp nhận và như vậy hai bên thỏa thuận sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ trọng tài”. Ở đây, ban đầu các bên thỏa thuận chọn tiếng Anh nhưng sau đó đã thỏa thuận lại là sử dụng tiếng Việt và thỏa thuận lại này đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Từ vụ việc trên, doanh nghiệp rút ra một số lưu ý sau: thứ nhất , các bên được quyền thỏa thuận chọn ngôn ngữ cho tố tụng trọng tài (không được thỏa thuận chọn ngôn ngữ nếu tranh chấp được giải quyết tại Tòa án nhân dân); thứ hai , các bên có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ ngay từ đầu (trong hợp đồng có thỏa thuận trọng tài) nhưng cũng có thể thỏa thuận chọn ngôn ngữ trong quá trình giải quyết tranh chấp; thứ ba , nếu các bên đã thỏa thuận chọn ngôn ngữ thì các bên cũng có quyền thay đổi bằng cách thỏa thuận một ngôn ngữ khác. Đây là những điểm khá đặc thù khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài mà doanh nghiệp nên biết. [1] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa (chủ biên), Sđd , tr.67. [2] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn và Đặng Thanh Hoa (chủ biên), Sđd , tr.71.
#087 | Doanh nghiệp tranh chấp hợp đồng với người tiêu dùng
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty H (Bị đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán căn hộ với ông K (Nguyên đơn - Bên mua). Trong hợp đồng, các bên thỏa thuận chọn VIAC. Khi có tranh chấp, Bên mua đã khởi kiện ra VIAC và Hội đồng Trọng tài theo hướng Bên mua “được quyền đơn phương chấm dứt theo Điều 13 hợp đồng” và việc “Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán 1.420.000.000 VND tiền ứng trước cho việc bán căn hộ theo hợp đồng” là “có căn cứ”. Tuy nhiên, “Hội đồng Trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”. Bài học kinh nghiệm : Doanh nghiệp có thể có đối tác là một chủ thể hoạt động trong kinh doanh nhưng đối tác của doanh nghiệp cũng có thể là một người tiêu dùng. Trong trường hợp doanh nghiệp xác lập hợp đồng với người tiêu dùng như trong vụ việc nêu trên, pháp luật có những quy định đặc thù mà doanh nghiệp nên biết. * Được giải quyết tại Trọng tài Theo khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “ n gười tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Với nội dung này, tranh chấp của doanh nghiệp với người tiêu dùng là một dạng “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên có thể được giải quyết bằng trọng tài. Thực tế, khả năng giải quyết tranh chấp loại này bằng trọng tài đã được ghi nhận minh thị trong Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 30 đạo luật vừa nêu: “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Trọng tài”. Trong vụ việc trên, thỏa thuận trọng tài được xác lập giữa một cá nhân và một công ty thương mại về việc mua nhà ở. Do đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ mua bán này về nguyên tắc là tranh chấp với người tiêu dùng và có thể được giải quyết bằng trọng tài theo quy định trên. Thực tế, Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu khi xét rằng “Hội đồng Trọng tài được VIAC thành lập hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp”. Như vậy, doanh nghiệp cần biết là tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài để từ đó có thể thỏa thuận chọn trọng tài khi có nhu cầu. * Sự lựa chọn của người tiêu dùng Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có một quy định đặc thù tại Điều 16 theo đó “đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”. Như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng khởi kiện ra trọng tài, họ không cần sự chấp thuận từ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ở đây, người tiêu dùng được “quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp” (tiêu đề của Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Thực ra, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng có quy định theo hướng trên tại Điều 38 theo đó “trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”. Trong vụ việc trên, người khởi kiện ra Trọng tài là người tiêu dùng (mua nhà ở) và người bị khởi kiện là một công ty nên Trọng tài thụ lý giải quyết là phù hợp với quy định hiện hành. Trên đây là quy định đặc thù liên quan đến việc khởi kiện mà doanh nghiệp nên biết khi xác lập hợp đồng với người tiêu dùng. * Nghĩa vụ chứng minh của các bên Về cơ bản, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng giống như các tranh chấp khác. Bởi lẽ, Điều 19 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định “trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại”. Tuy nhiên, về nghĩa vụ chứng minh, pháp luật hiện hành có quy định đặc thù. Cụ thể, theo Điều 40 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật này”. Thực tế, Điều 42 có quy định đặc thù về chứng cứ theo hướng “người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”; “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại”. Như vậy, người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp và việc chứng minh không có lỗi thuộc bên chuyên nghiệp. Ở đây, chỉ có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp là có sự khác biệt với thủ tục chung và doanh nghiệp nên biết trong trường hợp có tranh chấp với người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là, đối với việc chứng minh những vấn đề khác yếu tố lỗi như chứng minh thiệt hại thực tế, trách nhiệm vẫn thuộc về người tiêu dùng và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng vừa nêu trong vụ việc trên khi theo hướng “bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”. Nói tóm lại, thông qua vụ việc nêu trên, doanh nghiệp biết rằng tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài. Ở đây, pháp luật có một số quy định đặc thù cho người tiêu dùng. Ngoài những quy định đặc thù này, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cũng giống trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với đối tác là doanh nghiệp khác.
#086 | Chuyển giao quyền yêu cầu kéo theo chuyển giao thỏa thuận trọng tài
12/26/2023Tình tiết sự kiện : Công ty S (Bên cho mượn) cho Công ty D (Bị đơn – Bên mượn) mượn khuôn và trong văn bản cho mượn, các Bên thỏa thuận chọn trọng tài (VIAC) nếu có tranh chấp. Sau đó do hỏa hoạn khuôn bị hư hỏng, Công ty S và Công ty Bảo hiểm V (Nguyên đơn - thế quyền) đã thống nhất lập ra Thỏa thuận chuyển giao như sau: Công ty S mong muốn chuyển giao và Công ty Bảo hiểm V mong muốn nhận các quyền của Công ty S để đòi Công ty D phải bồi thường thiệt hại. Hội đồng Trọng tài xác định có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Bài học kinh nghiệm : Từ hợp đồng cho mượn tài sản nêu trên, chúng ta thấy phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa Bên cho mượn (Công ty S) và Bên mượn (Công ty D). Trong hợp đồng cho mượn, các Bên thỏa thuận chọn VIAC khi có tranh chấp (Điều XII.C của hợp đồng mượn tài sản). Thỏa thuận này có hiệu lực ràng buộc giữa Bên cho mượn và Bên mượn. Do hỏa hoạn nên tài sản cho mượn bị hư hỏng và, theo quy định, Bên mượn phải bồi thường cho Bên cho mượn (nội dung này đã được phân tích trong chủ đề khác). Nếu Bên cho mượn khởi kiện trực tiếp Bên mượn, thỏa thuận trọng tài trên được áp dụng và tranh chấp được giải quyết tại trọng tài. Tuy nhiên, Bên cho mượn và Công ty Bảo hiểm V thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu bồi thường từ Bên cho mượn sang cho Công ty V và câu hỏi đặt ra là Công ty V có được khởi kiện Bên mượn ra trọng tài để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản mượn bị hư hỏng không? Chúng ta thấy giữa Công ty V và Bên mượn tài sản không có thỏa thuận trọng tài (hai chủ thể này chưa bao giờ xác lập trực tiếp thỏa thuận trọng tài). Tuy nhiên, giữa Bên cho mượn và Bên mượn có thỏa thuận trọng tài và câu hỏi đặt ra là thỏa thuận trọng tài này có được chuyển sang cho Công ty V hay không? Nếu có việc chuyển giao, tranh chấp được giải quyết tại trọng tài, còn nếu không có việc chuyển giao, tranh chấp không được giải quyết tại trọng tài. Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định có thẩm quyền đối với tranh chấp giữa Công ty V và Bên mượn tài sản (buộc Bên mượn bồi thường cho Công ty V một khoản tiền). Hướng giải quyết về thẩm quyền như trên là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể: Theo điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác”. Với quy định này, nếu Bên mượn và Công ty V dẫn chiếu tới hợp đồng cho mượn (có thỏa thuận trọng tài) thì giữa Bên mượn và Công ty V coi như có thỏa thuận trọng tài bằng văn bản. Tuy nhiên, chưa có thông tin cho thấy các chủ thể này đã viện dẫn tới hợp đồng mượn tài sản vì việc chuyển giao quyền yêu cầu trên (trong đó Bên mượn là người có nghĩa vụ bồi thường) chỉ được Bên cho mượn và Công ty V xác lập mà không có sự tham gia của Bên mượn: Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Với quy định này, nếu có việc chuyển giao quyền yêu cầu thì thỏa thuận trọng tài “vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao”, tức vẫn có hiệu lực với Bên mượn (bên được chuyển giao) và Công ty V (bên nhận chuyển giao). Chính vì các lẽ trên mà Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Bên mượn và Công ty V cho dù hai chủ thể này chưa bao giờ xác lập trực tiếp một thỏa thuận trọng tài. Từ đó, doanh nghiệp biết rằng khi có việc chuyển giao quyền yêu cầu phát sinh từ hợp đồng có thỏa thuận trọng tài thì việc chuyển giao quyền yêu cầu kéo theo cả chuyển giao thỏa thuận trọng tài sang quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên được chuyển giao. Vụ việc trên liên quan đến chuyển giao quyền yêu cầu nhưng nếu có chuyển giao nghĩa vụ thì hướng giải quyết cũng tương tự vì khoản 3 Điều 7 Nghị quyết nêu trên quy định việc chuyển giao không chỉ cho trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu mà cho cả trường hợp chuyển giao nghĩa vụ. Đây cũng là nội dung mà doanh nghiệp nên biết trong trường hợp không có chuyển giao quyền yêu cầu như trong vụ việc được phân tích mà có chuyển giao nghĩa vụ.