Ngày 16/08/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thuộc nhóm Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - Phương án khả thi cho doanh nghiệp” tại Khách sạn Sheraton, thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội thảo
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm hỗ trợ Hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh (HCC - WTO), Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), cùng rất nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội thảo đã thu hút gần 250 đại diện đến từ các Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng như các cá nhân là Trọng tài viên, Luật sư, Giảng viên của các trường Đại học, cơ sở đào tạo Luật. Đồng thời, Hội thảo cũng nhận được sự truyền thông rộng rãi của hơn 15 cơ quan báo chí địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến đưa tin và ghi hình trực tiếp.
Ông Trần Du Lịch phát biểu khai mạc hội thảo
Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng VIAC, với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp chất lượng và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VIAC luôn là đơn vị đi đầu trong giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài và có đóng góp tích cực đối với Dự thảo Nghị định 22/2017/NĐ-CP; chủ động xây dựng Quy tắc Hòa giải vận dụng trong quá trình xử lý các vụ việc bảo đảm sự tuân thủ Nghị định 22/2017/NĐ-CP và được Bộ Tư pháp bổ sung vào hoạt động hòa giải.
Ông Trần Ngọc Liêm phát biểu tại hội thảo
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định về tính cần thiết và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án đối với các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Xuất phát từ nguyên nhân đó, nhờ vào uy tín và kinh nghiệm xét xử lâu năm, VIAC được đánh giá là một trong những trung tâm trọng tài đáng tin cậy và có những đóng góp hữu ích đáng kể tới cộng đồng doanh nghiệp.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Bà Phạm Thị Thu Huyền - Chuyên gia cao cấp ngành tài chính phụ trách Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam, Bộ phận phát triển thị trường tài chính và Nâng cao tính cạnh tranh và đổi mới, Sáng kiến chung của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, Nhóm Ngân hàng thế giới cũng đồng phát biểu. Theo đó, bà Huyền đánh giá cao tầm quan trọng và tính phổ biến của phương thức trọng tài và hòa giải. Trong khuôn khổ hợp tác giữa IFC và VIAC, Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) đã được thành lập và đang dần tiến vào những bước hoàn thiện, phát triển hơn trong tương lai.
Bước vào nội dung buổi Hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh - Phó phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã có những phân tích khái quát về hệ thống pháp luật Việt Nam, đưa đến cho người tham dự cái nhìn tổng quan về phương thức trọng tài và hòa giải thương mại; cũng như bày tỏ quan điểm ủng hộ cách giải quyết này của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, ở góc nhìn hỗ trợ và giám sát, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng chia sẻ, cung cấp đến doanh nghiệp, luật sư…các thông tin, sự hỗ trợ và kiểm soát chặt chẽ của Tòa án đối với việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài và hòa giải thương mại.
Ông Phan Trọng Đạt trình bày tại Hội thảo
Ngoài ra, để người tham dự có những kiến thức nhất định và hiểu sâu sát hơn đối với các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), đã đưa đến cho doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích với chủ đề “Trọng tài và Hòa giải thương mại - Vì sao Doanh nghiệp nên lựa chọn”; phân tích cụ thể những ưu thế, lợi ích doanh nghiệp có thể có được khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và giao lưu câu hỏi tích cực đến từ người tham dự. Các vấn đề mà doanh nghiệp, luật sư… còn vướng mắc, chưa có hướng xử lý đã được các chuyên gia giải đáp tường tận và chi tiết không chỉ ở góc độ pháp lý, mà còn được mổ xẻ thông qua những vụ việc thực tế. Có thể thấy, qua Hội thảo lần này, các doanh nghiệp cùng cá nhân đã được cung cấp những thông tin vô cùng hữu ích và chất lượng liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải; từ đó, dần tìm kiếm, định hướng cho mình biện pháp khắc phục những tranh chấp phát sinh trong quá trình kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất.
___________
1. Tài liệu hội thảo (xem tại đây)
2. Một số hình ảnh về hội thảo (xem tại đây)