...

Ban hành Luật Điều ước quốc tế để hội nhập sâu rộng trong tình hình mới

28 Tháng 10, 2019

Đây là những ý kiến được nêu ra tại Hội thảo “Góp ý dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)”, do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 7/10.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), đây là Luật rất quan trọng và trong tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta cần có những quy định đầy đủ để hội nhập, đảm bảo lợi ích của đất nước. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ban hành năm 2005 đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, trong đó tên gọi “ký kết, gia nhập và thực hiện” là chưa đầy đủ và đúng đắn. Do vậy, cần thiết ban hành một Luật khác và lấy tên gọi là Luật Điều ước quốc tế để bao quát hết được các vấn đề và phù hợp với tên gọi chung của quốc tế.

Bên cạnh đóng góp các ý kiến về nội dung các điều khoản trong Luật, các đại biểu cũng đề nghị tăng cường vai trò của Quốc hội khi Việt Nam tham gia điều ước quốc tế. Theo Tiến sĩ Phạm Vă n Chắt - Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam , Quốc hội phải tham gia ngay từ đầu, đặc biệt là việc thẩm tra, xác định các điều khoản phù hợp với chủ trương thì mới tiến tới đàm phán, ký kết. Điều này sẽ tránh được trường hợp “gặp khó” khi đàm phán xong rồi lại vướng những quy định trong các Luật khác cũng như phải đảm bảo độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Quốc hội nên trao quyền và tăng cường vai trò cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để tham gia trong suốt quá trình đàm phán, ký kết.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nên đặt tên gọi mới là Luật Điều ước quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến việc giải thích rõ các từ ngữ liên quan, công bố các thông tin nhanh chóng, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia ký kết các điều ước quốc tế. Trong thời gian qua, nhiều vấn đề chúng ta còn bị động trong sự tiếp nhận, từ đó thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi tham gia, hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại, đối tác thương mại…

So với Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi chỉ giữ nguyên 10 điều, bỏ 24 điều, sửa đổi 73 điều và bổ sung 20 điều mới. Do vậy, theo các đại biểu, dự thảo Luật lần này gần như là luật mới./.

Theo TTXVN

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI