Hiện đang có khoảng 50 luật với khoảng 150 điều khoản cần phải sửa đổi đề tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.
Sự chồng chéo, thiếu tính thống nhất, “cát cứ” giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh là một trong những hạn chế lớn nhất của tiến trình cải cách thể chế.
Chồng chéo và vướng víu
Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, để đạt được những mục tiêu như: đến năm 2020 Việt Nam phải đạt chuẩn môi trường kinh doanh tốt nhất nằm trong 3 nước dẫn đầu ASEAN, hướng tới 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020, thực thi hiệp định FTA thế hệ mới, TPP, EVFTA… thì áp lực cải cách thể chế là rất lớn. Trong 4 – 5 năm tới việc hoàn thiện thể chế phải bằng 30 năm qua. Tổng hợp ý kiến của DN và thực hiện rà soát, VCCI đã chỉ ra đến 37 luật về đầu tư, kinh doanh còn có những mâu thuẫn, chồng chéo cần phải sửa đổi, bao gồm: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, các luật về thuế… Cộng đồng DN cũng kiến nghị phải sửa đổi thêm khoảng hơn 10 luật nữa. Như vậy, tổng cộng có khoảng 50 luật cần phải sửa đổi.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, việc sửa đổi, điều chỉnh các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cần được tiến hành liên tục và khẩn trương, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Luật này cần lấy tên là “một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh”. Mỗi kỳ họp Quốc hội, Quốc hội có thể thông qua 1 luật như vậy – TS Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Tại buổi gặp mặt báo chí vừa diễn ra, trả lời câu hỏi của PV DĐDN về việc khi nào thì dự luật trên sẽ được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội? Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh bắt đầu từ gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. Đây là chủ trương phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Gợi ý này cũng xuất phát từ việc Chính phủ mới thành lập có tinh thần cải cách và hành động rất quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp của UBTVQH vừa qua, vì hồ sơ về dự luật này vẫn chưa đầy đủ và đang trong quá trình hội thảo, thảo luận nên dự luât chưa được đưa vào chương trình kỳ họp. Khi nào, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, Quốc hội sẽ đưa vào chương trình kỳ họp. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rà soát và sửa đổi luật là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của Quốc hội. Thông thường, mỗi dự luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung phải mất 2 – 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua. Tuy nhiên, nếu dự luật nào chỉ sửa đổi một vài điều thì có thể thông qua ngay trong 1 kỳ họp.
Ngay cả những luật vừa được ban hành và có tư tưởng rất tiến bộ như Luật Đầu tư 2014 và Luật DN 2014 cũng còn nhiều điểm bất hợp lý.
“Góp ý không cần danh tính”
Ông Đậu Anh Tuấn -Trưởng ban Pháp chế – VCCI cho biết, Chính phủ với những thông điệp rõ ràng: Chính phủ kêu gọi sự giám sát, phản biện, phát hiện vướng mắc từ phía cộng đồng DN. Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, xử lý nhanh chóng để hoàn thiện thể chế kinh tế. Theo ông Tuấn, việc rà soát bất cập tại các luật lần này giúp nhanh chóng sửa đổi các điểm vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh mà không quá phụ thuộc vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh sẽ được xem xét một cách hệ thống và tổng thể. Từ đó, các quy định, điều khoản còn chống chéo, mâu thuẫn hay “cát cứ thẩm quyền” sẽ dần được khắc phục. Thủ tướng đã chỉ thị: “Cần phải xây dựng để trình luật này trong thời gian sớm nhất”. Theo phản ánh từ cộng đồng DN, hiện nay ở một số điều, một số quy định trong các luật vẫn còn tình trạng cục bộ. Các cơ quan soạn thảo luật vẫn “cài cắm” lợi ích, lợi thế của một số khu vực như DNNN, DN lớn và cả lợi ích của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT ông Đặng Huy Đông cũng phải thừa nhận, có hiện tượng “cài cắm” lợi ích của một số đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là có. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT và Ban soạn thảo dự luật kêu gọi cộng đồng DN và các cá nhân, tổ chức tích cực lên tiếng, đóng góp cho dự thảo luật cũng như quá trình rà soát sau này một cách thẳng thắn. Nếu sợ bị trù úm thì DN hoặc cá nhân có thể không cần nêu danh tính, ban soạn thảo cũng nghiên cứu và xem xét.
Ông Trần Anh Đức – Cty Luật Allen&Overy: Nhà đầu tư ngoại muốn mua nợ nhưng không được
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đến Việt Nam tìm hiểu về nợ xấu theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta lại có quy định NĐTNN không được nhận thế chấp nhà, đất. Kể cả công ty mua bán nợ của Việt Nam cũng chỉ mua trên giấy mà chưa có sự chuyển giao về tài sản bảo đảm.
Với rủi ro mua nợ không có tài sản bảo đảm thì việc nhà đầu tư ngoại phải bỏ cuộc là điều đương nhiên.
Bà Nguyễn Kim Dung – Trung tâm Apolo Việt Nam: Nghị định 73/2012 trái Luật Đầu tư nhưng chưa được gỡ bỏ
Trong danh mục hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, Luật Đầu tư không yêu cầu phải nộp đề án tiền khả thi. Tuy nhiên, Nghị định 73/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục theo Luật Giáo dục vẫn có yêu cầu nộp đề án này và các cơ quan quản lý chưa gỡ bỏ vì chờ hướng dẫn.
Luật Đầu tư 2014 cũng bãi bỏ thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ với dự án giáo dục. Vậy nhưng quy định phải có chủ trương đầu tư của Chính phủ tại Nghị định 73/2012 vẫn chưa được gỡ bỏ.
Bà Vũ Thị Minh Nguyệt – đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam: DN phải làm tới 72 báo cáo/năm cho Sở KH-ĐT
Để thực hiện Thông tư 04/2011/TT-Bộ KH&ĐT, mỗi tháng, DN của chúng tôi phải làm đến 6 báo cáo cơ sở, chi tiết về hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nữa, định kỳ 6 tháng chúng tôi phải có báo cáo Quý, mỗi quý lại có 1 báo cáo. Như vậy, tính chung một năm chúng tôi phải làm 72 báo cáo.
Ngoài ra, từ khi Luật Đầu tư mới ra đời, DN muốn tổ chức hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm lại phải xin giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh. Nếu trước kia đi xin chứng nhận đầu tư kinh doanh tại 1 nơi thì nay phải đi tới hai nơi.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát VN: Chồng chéo ngay trong Luật Đầu tư
Luật Đầu tư 2014 đã đưa bia ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là một bước tiến mới của luật, bởi vì bia là loại sản phẩm rất thông dụng và không gây nguy hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014 lại có dòng: “Kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương” mà kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và văn bản hướng dẫn, bao gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật… chứa đựng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, bia lại vẫn có trong dòng kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Đình Quyết – giám đốc Công ty Hưng Hà: Phân biệt đối xử DNNVV
Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương phân biệt đối xử giữa DN lớn và DNNVV. Theo Thông tư 20, các nhà nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ô tô sản xuất. Quy định siết chặt nhập ô tô này đã có hiệu lực từ 26/6/2011 nhưng đến nay không gỡ bỏ. Những DNNVV chúng tôi là một nạn nhân của Thông tư 20 từ nhiều năm qua.
Để có được những DN lớn như Trường Hải thì cũng phải bắt đầu từ một DN nhỏ. Với quy định của Thông tư 20, chỉ các DN lớn mới có thể tham gia nhập khẩu. Một môi trường kinh doanh như vậy là không bình đẳng và không phù hợp với chủ trương phát triển DN mà Thủ tướng Chính phủ đang hướng tới.
Ông Lê Ái Thụ – Tổng Hội Địa chất VN: 1 năm, DN bị hàng chục đoàn thanh, kiểm tra hỏi thăm
Luật Bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản đang có sự chồng chéo nhau và thể hiện rõ nhất là các quy định về thanh, kiểm tra. Điều này dẫn đến, 1 năm DN có thể bị đến vài chục cuộc thanh, kiểm tra với nhiều nội dung giống nhau.
Ngoài ra,à Luật Khoáng sản của Việt Nam quy định có giám đốc điều hành mỏ và quy trách nhiệm và bị phạt trong việc để mỏ xảy ra vỡ, sạt lở… trong khi “ở nước ngoài cũng không có vị trí này”. “Vỡ, sạt lở chết người thì phạt ông giám đốc DN chứ phạt gì ông giám đốc điều hành mỏ. Quản lý khoảng sản ở Việt Nam cũng cần theo thông lệ quốc tế”.
LS Ngô Việt Hòa – Công ty General Motor: Bỏ Luật Đầu tư và nhập vào Luật DN
Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, luật hiện đang điều chỉnh cả hoạt động đầu tư của DN trong nước.
Mặc dù, những quy định của Luật Đầu tư 2014 được đánh giá là khá tiến bộ. Nhưng những quy định của Luật này cơ bản thuộc nội hàm của Luật DN. Do đó, chúng ta có thể bỏ Luật Đầu tư và chuyển các nội dung về điều kiện kinh doanh, ngành nghề cấm kinh doanh… sang Luật DN.
LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC): Cần huy động sự đóng góp từ hiệp hội DN
Chúng ta cần phải coi đây là một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở đầu tư, kinh doanh. Nhưng đối tượng chính để thực hiện nhiệm vụ này chính là hiệp hội DN, cộng đồng DN Việt Nam. Trong đó, vai trò chinh là VCCI tổ chức hiệp hội quốc gia của cộng đồng DN Việt Nam.
Cách đây 4 năm, VCCI đã tiến hành rà soát 16 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Kết quả rà soát đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh của DN và người dân được cải thiện một cách rõ rệt. Tuy nhiên, lần rà soát này có quy mô toàn diện và được thực hiện mang tính liên tục.
Do đó, cộng đồng DN, đặc biệt là các hiệp hội cần phải chủ động đóng góp và thành lập từng cơ quan chuyên biệt của mình để tiếp thu đóng góp từ hội viên cũng như đưa ra kiến nghị xác đáng.