Đối với các doanh nghiệp trung gian, việc nắm rõ chế tài trả tiền chênh lệch chính là một cách bảo vệ mình khi tranh chấp thương mại xảy ra. Tuy nhiên, chế tài này lại thường bị “bỏ quên” trong các vụ tranh chấp.
Nỗi khổ của doanh nghiệp trung gian
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam là nước giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều. Đây là một trong những mặt hàng được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón từ doanh nghiệp chế biến trong nước.
Tuy nhiên, các thương vụ mua bán điều thường phổ biến dưới hình thức doanh nghiệp nước ngoài mua điều từ doanh nghiệp chế biến trong nước để bán lại cho khách hàng cuối tại một nước thứ ba. Hay nói theo cách khác thì phần lớn doanh nghiệp Việt chính là bên trung gian mua đi bán lại. Chế tài trả tiền chênh lệch thường bị các doanh nghiệp trung gian bỏ quên trong các giao dịch thương mại.
Ở vị trí trung gian, doanh nghiệp thường gặp phải nỗi lo từ cả bên mua lẫn bên bán như bên mua có thể vi phạm hợp đồng, không giao hàng, giao hàng không đúng phẩm chất thỏa thuận, giao hàng trễ hẹn… trong khi đó, bên bán còn canh cánh nỗi lo mất uy tín với khách hàng cuối khi phát sinh trục trặc với lô hàng.
Đa số trường hợp khi gặp vấn đề về thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài thường chủ động tìm mua hàng từ một nguồn khác để đảm bảo cung cấp hàng đúng thời hạn cho khách hàng cuối để giữ khách.
Khi ấy, xuất hiện một vụ tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Chưa có hướng dẫn về trả tiền chênh lệch
Thông thường, trong các vụ kiện thương mại này, bên mua hàng không nên bỏ quên một chế tài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được quy định tại khoản 3 Điều 297 Luật Thương mại 2005 là yêu cầu trả tiền chênh lệch:
“Khoản 3, Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng: “Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này [phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng] thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý”.
Là một trong các chế tài buộc thực hiện hợp đồng (như tên gọi của Điều 297 Luật Thương mại 2005), yêu cầu trả tiền chênh lệch tiếp nối trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, cho phép bên bị vi phạm tìm kiếm một cách thức khác để hợp đồng đảm bảo được thực hiện dù cho bên vi phạm lần lữa thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
Sự tồn tại của chế tài yêu cầu trả tiền chênh lệch trong pháp luật thương mại, trước nhất phản ánh được tính dây chuyền của quan hệ thương mại, tức bên mua trong quan hệ này đồng thời là bên bán tại quan hệ khác (trung gian mua đi bán lại); và trong một số trường hợp, việc bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm không quan trọng bằng việc hợp đồng được thực hiện (bên mua trung gian lấy được hàng để có hàng giao cho khách hàng cuối – vốn chỉ cần hàng, không quan tâm đến tiền bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm).
Chế tài này đảm bảo được tính liên thông hàng hóa trong những quan hệ thương mại vốn đan xen, ảnh hưởng đến nhau.
Có lợi trên lý thuyết là thế nhưng thực tế cùng là một trong các chế tài thương mại, nhưng so với các chế tài khác như bồi thường thiệt hại (Điều 302), phạt vi phạm hợp đồng (Điều 300) hay yêu cầu trả lãi chậm thanh toán (Điều 306), trả tiền chênh lệch có vẻ ít được “nhớ đến” trong yêu cầu của nguyên đơn tại các vụ tranh chấp mà người viết đã gặp qua.
Phải chăng do chi tiết vận dụng chế tài này chưa được hướng dẫn bởi pháp luật như các chế tài thông dụng hơn?
Khi xảy ra tranh chấp thương mại doanh nghiệp trung gian mua bán nhớ về chế tài này để bảo vệ tối đa lợi ích của mình trong giao dịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến các căn cứ để xác định tính hợp lý khi đưa ra yêu cầu này trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các căn cứ này được người viết xác định dựa trên đặc tính nổi bật của khoản tiền chênh lệch là tính thay thế, tức bên bị vi phạm cần chứng minh được hàng mua từ nguồn khác chính là để thay thế cho hàng tại hợp đồng bị vi phạm nhằm giao cho khách hàng cuối.
Theo đó số lượng và chủng loại hàng thay thế cần tương thích với hàng tại hợp đồng; và thời gian giao hàng thay thế cần hợp lý với mục đích mua hàng là để cung cấp cho khách hàng cuối.
Bài học từ thực tiễn
Đáng chú ý là, như đã nhắc đến bên trên, dù pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết căn cứ xác định khoản tiền chênh lệch, nhưng tại Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại (tạm gọi là Án lệ số 09) công bố tại Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao có một đoạn nhắc đến việc xem xét khoản tiền này của Tòa án như sau:
“Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào các Hợp đồng mua bán phôi thép mà Công ty thép Việt Ý ký với nhà sản xuất khác để buộc Công ty kim khí Hưng Yên phải trả cho Công ty thép Việt Ý khoản tiền chênh lệch do phải mua hàng với giá cao hơn, nhưng chưa xem xét làm rõ, việc mua hàng của nhà sản xuất khác này có đúng là để bù vào số hàng còn thiếu do Công ty kim khí Hưng Yên không giao đủ để đảm bảo cho việc sản xuất kinh doanh theo kế hoạch đã đặt ra hay không, về vấn đề này Tòa án cần phải yêu cầu Công ty thép Việt Ý cung cấp tài liệu, chứng cứ (như đơn đặt hàng của bên thứ ba, kế hoạch sản xuất kinh doanh...) để chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra, từ đó mới có căn cứ buộc Công ty kim khí Hưng Yên thanh toán số tiền bồi thường thiệt hại cho phù hợp”.
Tuy Án lệ số 09 không chủ yếu tập trung vào hướng dẫn cách xem xét khoản tiền chênh lệch thì qua đoạn trích trên tại Án lệ, quan điểm của người viết cũng tương tự với hướng tiếp cận của Tòa án phúc thẩm khi xem xét lại bản án của Tòa án sơ thẩm.
Ngoài ra, một điểm khác mà người viết cho rằng cũng cần lưu ý trong quá trình xem xét tính hợp lý của khoản tiền chênh lệch, đó là tính thị trường của giá cả hàng hóa thay thế tại thời điểm mua. Sẽ không hợp lý nếu tại thời điểm mua hàng thay thế, giữa nhiều lựa chọn, bên bị vi phạm (không vì lý do chính đáng nào) lại chọn nguồn hàng có giá cao hơn giá thị trường khiến khoản tiền chênh lệch bị đội lên gây thiệt hại cho bên vi phạm khi thanh toán khoản tiền chênh lệch.
Tóm lại, hy vọng với một vài phân tích nêu trên, cái nhìn về chế tài trả lại tiền chênh lệch phần nào rõ ràng và được vận dụng linh hoạt hơn trong quan hệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm.
Hoàng Trần Thùy Dương, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam