...

Chuỗi hội thảo về Hợp đồng và Cơ chế Giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án

28 Tháng 10, 2019

Trong tháng 11 vừa qua tại Phòng Công nghiệp và thương mại TP. Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã diễn ra chuỗi hội thảo của BTP – JICA về thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Tại chuỗi hội thảo có sự góp mặt của nhiều báo cáo viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực về hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Xoay quanh hai chủ đề chính về hợp đồng, một số vướng mắc cùng đề xuất giải pháp và về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, đặc biệt là phương thức trọng tài thương mại, chuỗi Hội thảo đã nêu lên được nhiều điểm nổi bật trong các vấn đề pháp lý, từ đó đưa ra những phân tích và phương pháp cụ thể.

Với chủ đề đầu tiên, các khía cạnh về pháp luật hợp đồng đã được trình bày và phân tích khá kỹ lưỡng. Theo đó, các báo cáo viên đã đưa ra những bàn luận về sự thay đổi, điểm mới trong các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Có thể thấy, sự ra đời của BLDS 2015 đã đánh dấu nhiều điểm tiến bộ so với BLDS 2005 trước đó; tuy vậy, như LS. TS Nguyễn Bình An – Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai nhận định tại buổi “Tọa đàm về thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài” ngày 06/11/2018 tại tỉnh Đồng Nai, việc áp dụng và triển khai “vẫn còn tồn tại nhiều bất cập”. Chính bởi vậy, sự trao đổi, bàn luận về vấn đề hiểu và thực hiện pháp luật hợp đồng tromg thời điểm hiện tại là rất cần thiết và cần được chú trọng.

Trên cơ sở đó, tại Hội thảo tiếp theo được tổ chức bởi Bộ Tư pháp và VCCI tại TP. Hồ Chí Minh ngày 08/11/2018 với tên gọi “Áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài Tòa án”, những vướng mắc, bất cập cũng được đưa ra thảo luận ở từng khía cạnh nhất định; lồng ghép vào đó là lý giải của diễn giả về tác động và rủi ro cho doanh nghiệp khi gặp các trường hợp áp dụng trên thực tế. Theo đánh giá từ báo cáo viên Dương Anh Sơn - Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo này, trong bối cảnh Việt Nam đang trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa việc giao dịch, trao đổi hàng hóa vào khuôn khổ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp không chỉ cần có sự nhận thức đầy đủ, rõ ràng về quy định pháp luật để hạn chế tối đa các rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hơn thế nữa còn tập trung vào việc tìm ra được phương thức giải quyết hiệu quả phù hợp khi có tranh chấp phát sinh.

 
Hình ảnh từ chuỗi Hội thảo của Bộ Tư pháp - JICA

Nối tiếp việc chỉ điểm những bất cập, khó khăn khi áp dụng pháp luật, chủ đề hai được triển khai xoay quanh các nội dung về thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, hòa giải, sự lựa chọn của doanh nghiệp cũng như các hoạt động hỗ trợ của Tòa án đối với các phương thức trên. Theo đó, bàn về các phương thức giải quyết tranh chấp, nhất là về trọng tài thương mại, PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong buổi trao đổi tại Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh ngày 09/11/2018, đã chỉ ra và nhận định một số bất cập trong các điều khoản của Luật Trọng tài Thương mại 2010. Diễn giả nêu lên cụ thể những vướng mắc liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án bằng trọng tài. Ông đưa ra nhận định về vấn đề “không công lý” khi chỉ cho một thẩm phán – cá nhân duy nhất quyết định theo nhận định chủ quan của mình về Hội đồng Trọng tài với một thủ tục lỏng lẻo và không hề có sự tham gia của Viện kiểm sát và không cần lắng nghe các bên liên quan. Không chỉ vậy, trong phần này, diễn giả còn đề cập đến nguyên nhân dẫn đến bất cập là do cách hiểu khác nhau về trọng tài cũng như chưa tuân thủ thời hạn luật định từ phía nguời của Tòa án hoặc đòi hỏi gây cản việc thực thi của cơ quan thi hành án từ đó đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục bất cập trên.

Bên cạnh đó, từ góc nhìn của một đơn vị uy tín nhiều năm trong lĩnh vực trọng tài thương mại, trong chuỗi Hội thảo ngày 06/11 tại tỉnh Đồng Nai và ngày 08/11 tại TP. Hồ Chí Minh, LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những trao đổi thiết thực về xu thế giải quyết tranh chấp phổ biến trong thời gian vừa qua, nổi bật trong đó là phương thức trọng tài. Tại hai buổi Hội thảo, bằng kinh nghiệm thực tiễn giải quyết tranh chấp, luật sư đã nêu ra những thực trạng về việc lựa chọn giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp, theo đó, dựa vào khảo sát do Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI thực hiện về các doanh nghiệp FDI, có đến 92% doanh nghiệp không sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp và có đến gần 50% các doanh nghiệp chọn giải quyết bằng phương thức trọng tài. Như vậy, có thể thấy, trọng tài thương mại đang là phương thức được áp dụng ngày càng phổ biến trong giới thương nhân. Với những ưu điểm về chất lượng, tính hiệu quả, bảo mật, phương thức trọng tài được nhận định sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, từ xu thế này, với vị thế và uy tín lâu năm, có thể tin tưởng vào việc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) sẽ có những bước thúc đẩy, nâng cao hơn nữa ưu thế đặc trưng của trọng tài thương mại nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động giải quyết tranh chấp.

 
Hình ảnh từ chuỗi Hội thảo của Bộ Tư pháp - JICA

Chuỗi hội thảo trên là cơ hội để các báo cáo viên trình bày, tổng kết và thảo luận với các doanh nghiệp tham gia về những thắc mắc, trao đổi thêm về thực tiễn hoạt động, góp phần củng cố và xây dựng cái nhìn đa chiều về pháp luật hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI