Tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thương mại quốc tế khi Việt Nam là thành viên Công ước Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Đề án được phê duyệt và tiến hành nhằm phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước Viên năm 1980 cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của các đối tượng trên, khuyến khích sự tích cực, chủ động áp dụng một cách hiệu quả các quy định của Công ước trong thực tiễn giao dịch thương mại quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp hợp đồng có tính chất quốc tế, bảo đảm quyền vf lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đó, đề án định hướng chủ trương tập trung (1) Những nội dung cơ bản và quy định quan trọng của Công ước Viên 1980 sẽ được phổ biến sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan bằng nhiều hình thức phù hợp; (2)hướng dẫn giải thích và áp dụng các quy định của Công ước trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và giải quyết tranh chấp về loại hợp đồng này; (3) thực hiện phổ biến trọng tâm, trọng điểm. tập trung triểu khai sâu rộng một số hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp; (4) Gắn liền phổ biến nội dung Công ước với các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như Bộ Luật dân sự và Luật thương mại.
Trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị thực hiện sẽ tiến hành đa dạng các hoạt động nhằm phổ biến về Công ước, bao gồm:
- Tổ chức các Hội thảo quốc tế về Công ước Viên 1980, lập diễn đàn pháp luật thương mại quốc tế về các chủ đề trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
- Biên soạn, dịch thuật và phát hành các tài liệu ấn phẩm nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng.
- Tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước viên 1980 cũng như hướng dẫn áp dụng công ước.
- Xây dựng nội dung giảng dạy về Công ước trong các chương trình đào tạo về hợp đồng, về thương mại quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học phù hợp.
Đề án sẽ bắt đầu vào năm 2017 với cơ quan chủ trì – Bộ Công thương, phối hợp với các đơn vị liên quan, các tổ chức cá nhân khác gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trường Đại học Ngoại thương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tài Chính tiến hành. Thông tin cụ thể về đề án sẽ được cập nhật thường xuyên, đầy đủ tại kênh thông tin điện tử chính thức của VIAC: https://viac.vn/du-an-de-an-c141.html
Toàn văn quyết định vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Quyet-dinh-2484-QD-TTg-phe-duyet-De-an-ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-thuong-mai-quoc-te-nam-2016-335698.aspx