Vừa qua, ngày 10 tháng 6 năm 2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3006/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh” (Đề án). Đề án tập trung đưa ra những giải pháp cụ thể để hoạt động trọng tài thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cơ quan Tòa án giảm tải trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong những năm qua, hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khá sôi động khi chỉ trong 10 năm trở lại, tại địa bàn đã có thêm 10 tổ chức trọng tài thương mại (bao gồm cả chi nhánh các tổ chức đặt trụ sở chính ở Hà Nội). Đến nay, thống kê của Sở tư pháp Tp. Hồ Chí Minh đã ghi nhận được những con số tích cực phản ánh sự phát triển không ngừng của hoạt động trọng tài thương mại tại đây.
Trong 5 năm (2011 – 2016) kể từ khi Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 có hiệu lực, các tổ chức trọng tài thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý hơn 1000 vụ việc với nhiều lĩnh vực giải quyết như: mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế v.v...
Các tranh chấp do tổ chức trọng tài thương mại giải quyết ngày càng rộng, bao gồm cả các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Với thủ tục giải quyết linh hoạt, chủ động, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, kết quả hoạt động trọng tài thương mại bước đầu thể hiện đúng chủ trương xã hội hóa việc giải quyết tranh chấp thương mại và các lĩnh vực, tạo được uy tín cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong quá trình hoạt động, một số tổ chức trọng tài thương mại đã quan tâm xây dựng mô hình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với năng lực kinh nghiệm, chuyên môn của từng tổ chức; xây dựng điều lệ, bản quy tắc tố tụng, các biểu mẫu văn bản, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa ứng xử trong giải quyết tranh chấp cho các trọng tài viên và thư ký bằng nhiều hình thức khác nhau; tạo điều kiện cho các thành viên tham dự tập huấn nghiệp vụ, kiến thức v.v...
Ngoài hoạt động giải quyết tranh chấp, các tổ chức trọng tài thương mại còn thực hiện một số hoạt động khác như: tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho trọng tài viên; tuyên truyền, quảng bá hoạt động của các tổ chức trọng tài thương mại, vị trí, vai trò của trọng tài thương mại đối với xã hội thông qua nhiều hình thức khác nhau (truyền thông online, phát bộ tài liệu truyền thông, kết hợp với giảng dạy luật ở các trường, tập huấn, thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình ...); tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo liên quan đến hoạt động trọng tài thương maijl tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách có liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại và các lĩnh vực khác; xuất bản ấn phẩm về trọng tài thương mại và các ấn phẩm có liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại; hợp tác quốc tế với một số trung tâm trọng tài thương mại các nước trong khu vực ...; cũng như tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
Quá trình hoạt động trọng tài thương mại thời gian qua cho thấy hoạt động trọng tài thương mại đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục để hoạt động trọng tài thương mại ngày càng phát triển. Việc thành lập một đề án hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển hoạt động này là vô cùng cần thiết.
Nước ta nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nhiều nền tài phán xây dựng luật trọng tài trên cơ sở Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), đồng thời cũng nằm trong khu vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài ngày càng tăng như một hệ quả tất yếu của việc tăng cường đầu tư và các hoạt động thương mại. Nhiều tổ chức trọng tài thương mại tại các quốc gia trong khu vực có quy mô lớn và chuyên nghiệp, nhiều quốc gia có chính sách hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, sự thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng mạnh mẽ, những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các văn bản pháp luật về trọng tài thương mại hiện hành, sự phát triển của các tổ chức trọng tài thương mại tại khu vực, hoạt động trọng tài thương mại ở Việt Nam nói chung và tại Tp. Hồ Chí Minh có nhiều thời cơ, vận hội với những triển vọng to lớn, bắt kịp sự phát triển của trọng tài quốc tế.
Tải về: