...

Để tránh “chưa được vạ thì má đã sưng” trong giải quyết tranh chấp

28 Tháng 10, 2019

Trong rất nhiều vụ tranh chấp, bên thắng kiện “chưa được vạ thì má đã sưng” do phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để khởi kiện nhưng bên thua kiện thì không còn tài sản để thi hành án. Do đó, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là cần thiết để hạn chế rủi ro cho bên thắng kiện.

BPKCTT là chế định được tòa án, trọng tài áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp nhằm “tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án” (điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). BPKCTT không phải là phán quyết cuối cùng để giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp, mà như tên gọi của nó, các biện pháp này có tính chất tạm thời nhằm phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp, tránh gây ra hậu quả không thể khắc phục được.

Thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp một bên “đánh hơi” thấy có thể bị khởi kiện thì ngay lập tức tẩu tán tài sản hoặc tiêu hủy chứng cứ nhằm trốn tránh nghĩa vụ hoặc gây khó khăn cho quá trình giải quyết. Tuy nhiên, chỉ khi quá trình tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài đã khởi động thì đương sự mới có quyền yêu cầu áp dụng. Do vậy, cần có cơ chế để đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện. Dự thảo “Luật áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện” (dưới đây gọi là “dự thảo luật”) đang được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế vừa nêu.

Dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận về tính cần thiết và tính khả thi trên thực tế. Trong đó, có ý kiến lo ngại chế định này có thể bị lạm dụng bởi các kỹ thuật pháp lý, nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh trong quan hệ kinh doanh. Tuy vậy, không thể phủ nhận vai trò tích cực của chế định này trong việc bảo vệ bên bị thiệt hại trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trong vụ tranh chấp, để đảm bảo tài sản không bị tẩu tán, một bên phải khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài, sau đó mới được quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Vì vậy, nếu các bên có thiện chí để giải quyết trong ôn hòa bằng các phương thức như thương lượng, hòa giải thì lại không có cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ ngăn chặn những thiệt hại tiếp tục xảy ra trong quá trình giải quyết. Phổ biến là các trường hợp đương sự một mặt chấp nhận đàm phán, thương lượng nhưng mặt khác lại trì hoãn, kéo dài nhằm tạo cơ hội để tẩu tán tài sản, hoặc làm cho hiện trạng tranh chấp phức tạp hơn.

Chế định áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện có thể được dùng làm biện pháp bảo đảm cho quá trình thương lượng, hòa giải. Bởi lẽ, việc thương lượng, hòa giải cần có những cơ chế để đảm bảo rằng kết quả hòa giải được các bên thực thi, cũng như ngăn chặn thay đổi hiện trạng tranh chấp, tiêu hủy chứng cứ trong quá trình hòa giải. Nếu sau một thời gian mà hòa giải không thành, một bên vẫn có quyền khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài, lúc này vẫn đảm bảo đã ngăn ngừa được các thiệt hại có thể xảy ra.

Theo dự thảo luật, trong quá trình tòa án áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện, nếu xét thấy người có nghĩa vụ đã thực hiện được nghĩa vụ hoặc đã được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thì tòa án ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng (điều 31). Như vậy, việc áp dụng BPKCTT có thể là công cụ hữu hiệu để kết quả thương lượng có cơ sở thực thi, đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Về ý kiến cho rằng việc áp dụng BPKCTT có thể bị lạm dụng nhằm gây thiệt hại đến lợi ích của các bên, pháp luật về bồi thường thiệt hại do áp dụng BPKCTT sai đã có quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo nguyên tắc “tự chịu trách nhiệm và tự định đoạt” của đương sự đối với các yêu cầu của mình. Vì thế, nếu việc lạm dụng chế định này mà gây thiệt hại cho các chủ thể khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Nhìn chung, việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là nhu cầu của các bên, phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, việc xây dựng và ban hành luật về vấn đề này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là một chế định mới, chưa có thực tiễn áp dụng. Để đồng bộ trong quá trình thực hiện, dự thảo luật cần làm rõ mối quan hệ của việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện tại tòa án, nhưng sau đó một bên khởi kiện tại trọng tài thì việc duy trì biện pháp đó được xử lý như thế nào để không có kẽ hở cho bên có nghĩa vụ tiếp tục gây thiệt hại cho bên có quyền.

Huỳnh Đăng Hiếu, Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI