...

VIAC và ITPC tổ chức thành công Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023

13 Tháng 12, 2023

Toàn cảnh Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) triển khai dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Diễn đàn có sự tham dự của Đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.


Đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoan nghênh ý tưởng được cụ thể hóa thành hành động của VIAC và ITPC trong việc hỗ trợ pháp lý, tăng cường thu hút đầu tư tại thành phố. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều chính sách bám sát chỉ đạo của Trung ương về phát triển Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là Nghị quyết 98 có hiệu lực ngày 01 tháng 8 năm 2023. Nghị quyết 98 đã được thiết kế với nhiều chính sách đặc thù cho Thành phố, gắn liền cùng các nhóm Quản lý đầu tư, Quản lý tài chính ngân sách, Quản lý về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư chiếm lược. Tuy nhiên, trong quá trình vừa qua, đứng trên góc độ của Chính quyền Thành phố tập trung giải quyết trong phát triển hạ tầng, phát triển về kinh tế - xã hội cũng như hỗ trợ Nhà đầu tư, Đồng chí Võ Văn Hoan nhận thấy môi trường đầu tư tại Thành phố còn cần phải tiếp tục cải thiện để nhà đầu tư an tâm triển khai các hoạt động của mình. Như vậy, một kênh thông tin trao đổi, đối thoại trực tiếp không chỉ giữa những nhà đầu tư với nhau mà còn giữa nhà đầu tư và Chính quyền cần được triển khai để tiếp tục gia tăng tính công khai, minh bạch về cơ chế thông tin, cơ chế xử lý cũng như có sự lắng nghe, tiếp thu những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

 

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tiếp nối bài phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những nhận định về môi trường đầu tư hiện tại và vai trò của nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với tiến trình hội nhập của nước ta. Tại TP. Hồ Chí Minh, vấn đề thu hút đầu tư và cải tiến môi trường đầu tư đang được xem là mũi nhọn của chính quyền thành phố. Việc thông qua Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù được xem là công cụ pháp lý cần thiết để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy sự năng động nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy Thành phố khai thác triệt để vị trí đầu tàu kinh tế theo hướng bền vững. TS. Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá, với vai trò là người đứng đầu của một tổ chức chuyên điều phối về pháp lý và giải quyết tranh chấp, việc vận dụng các quy định pháp luật chính là một trong những yếu tố then chốt góp phần quyết định sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư. Đó cũng là cơ sở để Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) quyết định thành lập nên mô hình Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư thường niên, với kì vọng sẽ đem đến một kênh đối thoại chặt chẽ giữa cộng đồng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài với chính quyền, cũng như thu thập ý kiến chuyên môn, kiến nghị pháp lý từ các chuyên gia, góp phần đưa ra các giải pháp cho chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp. Sự cộng hưởng của các cơ quan, Hiệp hội, các đơn vị hỗ trợ pháp lý chính là yếu tố quan trọng để đưa Diễn đàn trở thành “chìa khóa” cho các vướng mắc của nhà đầu tư. Với bối cảnh Nghị quyết 98 vừa ban hành, Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư được kì vọng sẽ là bước khởi đầu cho việc xây dựng công cụ hữu hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tạo nên một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả về mặt pháp lý.

 

Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Xúc tiến đầu tư và thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, bằng sự am hiểu các điểm mạnh và điểm cần cải thiện của Thành phố đối với các vấn đề pháp lý đối với hoạt động đầu tư, cũng như nhu cầu từ phía doanh nghiệp, Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện hai đơn vị tổ chức, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có một diễn đàn là nơi có thể thu thập, lắng nghe và hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư đang quan tâm và đã hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư  2023, bà Vân chia sẻ về mô hình Diễn đàn, đây là mô hình mới mang tính kế thừa điểm mạnh của các chương trình trước đây và bổ sung nhiều sáng kiến mới nhằm phát huy thế mạnh và tạo hiệu ứng cộng hưởng từ các thành phần tham gia Diễn đàn trong việc cải thiện môi trường đầu tư về lĩnh vực pháp lý tại Thành phố. Đồng thời, Diễn đàn đánh dấu một chặng đường hợp tác giữa ITPC và VIAC, mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn từ đội ngũ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Về mô hình, Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư (ILS Forum) tập trung vào 2 nội dung chính gồm (i) Phản ánh, kiến nghị của nhóm các nhà đầu tư trong, ngoài nước tại TP. Hồ Chí Minh và (ii) Giải pháp pháp lý trong ngắn hoặc dài hạn của các chuyên gia đến từ các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức tư vấn pháp lý, cũng như chuyên gia pháp lý.

Mở màn chuỗi Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư thường niên, Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023 với chủ đề Kiến tạo lợi thế mới cho nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh Nghị quyết 98/2023/QH15 tập trung khai thác những điểm mới, thay đổi được đặt ra trong Nghị quyết liên quan đến hai vấn đề chính lớn: (i) Đầu tư thông qua phương thức đối tác Công - tư (PPP); (ii) Thu hút nhà đầu tư vào dự án "xanh". Trong đó, Diễn đàn được triển khai thông qua hình thức lắng nghe báo cáo chuyên môn và thực hiện hoạt động đối thoại, giải đáp trực tiếp giữa hai khối gồm: đại diện các nhà đầu tư và chuyên gia pháp lý.

 

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tại Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá tổng quát về việc triển khai Nghị quyết 98 và những tác động mà Nghị quyết này mang lại. Theo ông Lịch, Nghị quyết này là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp tháo gỡ hai điểm nghẽn làm cản bước phát triển của Thành phố bấy lâu nay: thể chế và hạ tầng. Đây là lần đầu tiên Thành phố được trao một nghị quyết có nhiều nội dung mang tính đột phá, mở đường cho nhiều hướng đi cải cách vượt bậc. Ông Lịch đánh giá, nhiều chính sách đặc thù phát huy tác dụng sau 4 tháng TPHCM triển khai Nghị quyết, tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống, phát huy hết vai trò như kỳ vọng thì những mô hình như Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý đầu tư là cực kỳ cần thiết và đóng vai trò cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng nhà đầu tư – các đơn vị tư vấn, yểm trợ pháp lý và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh và 
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nối tiếp diễn đàn, Ông Phạm Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chuyên môn với chủ đề “Đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) trong bối cảnh Nghị quyết 98 - Cơ hội và thách thức với Thành phố và Nhà đầu tư. Theo đó, hiện nay, nhà nước đã ban hành Luật PPP và một số văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động đầu tư bằng hình thức này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc Nghị quyết 98 được áp dụng là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho Thành phố có thể chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án PPP mang tính khả thi. Theo ông Kiên đánh giá, việc triển khai các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc; mặc dù các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, cả phía nhà nước lẫn khu vực tư nhân vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định loại hợp đồng (BOT, BTO, BLT, BTL, BOO, O&M, BT) sao cho phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất của dự án. Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, sự thiếu hụt các hướng dẫn cụ thể và được quy định tường minh tại luật và các văn bản pháp luật khiến cả các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hết sức lúng túng khi tham gia vào hợp đồng PPP.

Tiếp theo, Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa đến Diễn đàn báo cáo chuyên môn liên quan đến vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án “xanh”. Theo ông Sử đánh giá, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào thời cơ nhận chuyển dịch đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, muốn hưởng lợi từ cơ hội này, chúng ta cần có chiến lược và kế hoạch rõ ràng cũng như chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, để hướng tới  phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 - mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, chúng ta cần nhanh chóng thích nghi với nhiều khái niệm, ngành công nghiệp còn khá mới mẻ. Hiên nay, bộ khung pháp lý liên quan đến các vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong đó liên quan nhiều đến năng lượng, phát thải,… vẫn chưa được quy định cụ thể. Thêm vào đó, nhiều chính sách của nhà nước còn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần nhanh chóng học tập, soạn thảo, ban hành những Luật, Nghị định liên quan giúp nhà đầu tư cơ sở, niềm tin để an tâm thực hiện dự án.

Tiếp nối chương trình, các phiên đối thoại với mục tiêu tập hợp ý kiến, đóng góp đối với Nghị quyết 98 đã được triển khai. Phiên đối thoại được tổ chức dưới dạng thức đối đáp giữa hai nhóm gồm Nhóm Công tác và Nhóm Chuyên môn; trong đó, nhóm Công tác bao gồm đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhóm Chuyên môn bao gồm các chuyên gia pháp lý, có uy tín và kinh nghiệm nghiên cứu về chủ đề được thảo luận.

 

Ông Ngô Thành Tùng – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam và Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Mở đầu phần đối thoại, Phiên 1 với chủ đề “Đầu tư bằng phương thức hợp tác đối tác công – tư” đã được triển khai với sự điều phối của Trưởng tiểu ban Nhóm Công tác là Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Trưởng tiểu ban Nhóm Chuyên môn là Ông Ngô Thành Tùng – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam. Phiên đối thoại cũng có sự góp mặt trao đổi của đại diện các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài cùng các chuyên gia uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý về PPP bao gồm:

- TS. LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
- LS. Nguyễn Trung Nam - Luật sư Sáng lập Công ty Luật TNHH EPLegal, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
- Ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV), Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie.
- Ông Karasawa Masayuki - Đại diện Thường trú Văn phòng JICA Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
- LS. Meir Tlebalde - CEO và Đồng sáng lập Công ty TNHH Kirin Consulting Vietnam
Lấy trọng tâm thảo luận các quy định liên quan đến triển khai dự án PPP trong khuôn khổ Nghị quyết 98, Phiên đối thoại đã tập trung thảo luận một số vấn đề sau:
  1. Vấn đề phát sinh khi mở rộng hình thức PPP với các lĩnh vực mới gồm thể thao và văn hóa tại Nghị quyết 98.
  2. Sự thay đổi trong quy định về hình thức hợp đồng BOT và BT tại Nghị quyết 98.
  3. Cơ chế phân chia lợi nhuận giữa Thành phố và nhà đầu tư trong dự án PPP
  4. Tranh chấp phát sinh và ràng buộc trong hợp đồng khi lựa chọn đầu tư bằng hình thức PPP
Là một trong những hình thức hợp đồng quan trọng và đã, đang chi phối nhiều dự án lớn, trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, PPP được đánh giá là lĩnh vực cần được đầu tư nghiên cứu để đảm bảo cân bằng quyền lợi cho cả nhà nước và nhà đầu tư. Tuy vậy, tại phiên đối thoại, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 98 mặc dù có nhiều bước tiến vượt bậc so với khung pháp lý về PPP (ở một số điều khoản), nhưng lại đặt ra cho nhà đầu tư nhiều băn khoăn khi không có hướng dẫn chi tiết và có nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, Nghị quyết 98 quy định việc áp dụng hình thức hợp đồng đối tác công – tư đối với các lĩnh vực mới như thể thao, văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư hiện chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực mà không bao gồm 2 lĩnh vực nói trên, vậy việc áp dụng PPP đối với hai lĩnh vực này có khả năng sẽ gây ra một số cản trở nhất định cho nhà đầu tư khi xây dựng, vận hành dự án. Chưa kể, việc thu hồi vốn từ các công trình trong lĩnh vực này hiện nay cũng đang còn nhiều vướng mắc, khiến nhà đầu tư còn chưa tự tin để quyết định. Bên cạnh đó, vấn đề áp dụng mẫu hợp đồng BOT và BT quy định tại Nghị quyết 98 hiện nay cũng gây nên một số tranh cãi liên quan đến sự chênh lệch lớn so với khung pháp lý hiện hành, hình thức thanh toán, khả năng thanh toán…Nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý đánh giá rằng, Nghị quyết 98 có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội mới, giúp Thành phố, nhà đầu tư có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn đang tồn tại ở các công trình cũng như mở rộng phạm vi thực hiện PPP. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, đưa quy định này vào cuộc sống, vào các dự án, các hướng dẫn về quy trình, về hoạt động thanh toán, thậm chí là về kiểm soát rủi ro cần được ban hành. Bên cạnh các vấn đề nói trên, yếu tố về chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa Thành phố và Nhà đầu tư cũng được đưa ra để lấy ý kiến tại phiên đối thoại. Có thể nói, việc chia sẻ lợi nhuận, đặt ra cơ chế kiểm soát, san sẻ mức doanh thu tăng giảm là điều vô cùng cần thiết khi vận hành một dự án PPP. Theo các chuyên gia, thành công của một dự án và lòng tin của nhà đầu tư với chính quyền địa phương sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thành tố này. Chính bởi vậy, Thành phố nên bổ sung hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn cho nhà đầu tư về cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận khi áp dụng Nghị quyết 98; học hỏi, đánh giá kinh nghiệm của các nước bạn để thiết lập một hệ thống kiểm soát rủi ro tài chính hiệu quả cho các dự án PPP. Sau cùng, vấn đề về đánh giá rủi ro pháp lý, đề xuất cơ chế giải quyết, phòng ngừa tranh chấp được thảo luận với sự đối thoại rất sôi nổi từ các chuyên gia. Theo đó, nhà đầu tư cho rằng, tranh chấp về PPP phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng phần đa là do khung pháp lý chồng chéo, thủ tục nhiều tầng lớp, phức tạp. Đánh giá về Nghị quyết 98, chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 98 còn rộng, các mẫu hợp đồng hay hướng dẫn vận dụng hợp đồng chưa được đề cập. Từ khó khăn đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị, cụ thể như cho phép sử dụng luật nước ngoài để giải thích quy định hợp đồng PPP nếu luật quốc gia chưa hoàn thiện hoặc không quy định, quy định bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp đối với dự án có yếu tố công và có những chính sách hiệu quả về đất đai, cấp phép, thanh toán để tạo điều kiện hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn hơn vào các dự án PPP của Thành phố.

 

LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang Việt Nam và Ông Giandomenico Zappia - Thành viên Ban Lãnh đạo EuroCham Việt Nam, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh, Chủ tịch Tiểu ban Tài chính Bền vững

Tiếp nối Phiên 1, Phiên đối thoại 2 được triển khai với chủ đề “Thu hút nhà đầu tư chiến lược với các dự án “xanh” với sự điều phối của Trưởng tiểu ban Nhóm Công tác là Ông Giandomenico Zappia - Thành viên Ban Lãnh đạo EuroCham Việt Nam, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh, Chủ tịch Tiểu ban Tài chính Bền vững và Trưởng tiểu ban Nhóm Chuyên môn là LS. Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang Việt Nam. Phiên đối thoại cũng có sự đóng góp ý kiến của đại diện các Hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài cùng các chuyên gia có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng, thúc đẩy kinh tế xanh, bao gồm:

- Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bà Đỗ Thị Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế KPMG Việt Nam
- LS. Nguyễn Văn Hải - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH YKVN
- Bà Lâm Nguyễn Hoàng Thảo - Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Luật sư Cộng sự Công ty Luật Russin & Vecchi
- Ông Frederick R. Burke - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam, Cố vấn cấp cao Công ty Luật Baker & McKenzie.
-  LS. Kazuhide Ohya - Luật sư Thành viên Công ty LuậtTNHH Nishimura & Asahi (Việt Nam)

Tại Phiên này, các chuyên gia không chỉ khai thác, kiến nghị đối với quy định về thúc đẩy đầu tư trong các dự án năng lượng sạch và còn cung cấp nhiều thông tin giá trị góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh hiệu quả cho TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, nhà đầu tư đã đưa ra các đánh giá về điều kiện, thủ tục đầu tư với các dự án năng lượng sạch mà Nghị quyết 98 quy định. Nhà đầu tư cho rằng, Nghị quyết 98 đã thể hiện tinh thần và cho thấy quyết tâm của Thành phố trong việc huy động các nguồn vốn chất lượng cao cũng như khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng sạch. Tuy nhiên, có nhiều điểm tại Nghị quyết 98 khiến nhà đầu tư cảm thấy bối rối, thậm chí đặt ra cho họ những sự bất an nhất định về trở ngại tiềm ẩn có thể phát sinh trong tương lai, đặc biệt là khi không thể đáp ứng các tiêu chí mà Nghị quyết yêu cầu. Tiếp theo phiên đối thoại, các chuyên gia đã đặt ra và có những ý kiến thảo luận thú vị về vấn đề tài chính liên quan đến phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch. Đối với vấn đề này, các chuyên gia đều đồng ý rằng, Nghị quyết 98 có nhiều điểm sáng khi quy định khá nhiều vấn đề liên quan đến nguồn tài chính cho các dự án năng lượng, có thể kể đến một số điều khoản như Điều 5, Điều 7, Điều 10 của Nghị quyết này. Nhưng ở một góc độ khác, nhà đầu tư đánh giá, các quy định này có thể sẽ không đủ, việc xây dựng một nguồn tài chính xanh riêng, các quỹ tín dụng riêng để phát triển các dự án về năng lượng cần thiết được quan tâm và thực hiện để tiến đến sự bền vững, phát triển mạnh của lĩnh vực này tại TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Sau các trao đổi về quy định của Nghị quyết 98 cũng như đối chiếu với khung khổ pháp lý hiện tại, các chuyên gia cũng đã liệt kê một số rủi ro pháp lý mà nhà đầu tư chiến lược có thể phải đối mặt khi quyết định đầu tư vào các dự án năng lượng. Theo đó, các chuyên gia nhận định rằng, để Nghị quyết 98 trở nên khả thi và thiết thực hơn, Thành phố cần chuẩn bị các phương án cụ thể về cách triển khai, tài chính, kế hoạch về quỹ đất, bồi thường, thu hồi và sử dụng đất, tất cả cần được điều chỉnh để phù hợp với môi trường TP. Hồ Chí Minh; cùng với đó, Thành phố cần phối hợp với các cấp có thẩm quyền, trung ương để nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn trong vận hành các dự án năng lượng sạch.

Toàn cảnh Phiên Đối thoại Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023

Sau hai phiên thảo luận, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổng kết và bế mạc Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023. Theo đó, ông Lộc hy vọng rằng những kết quả thu được từ Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023 sẽ đóng góp nhằm thúc đẩy nhanh chóng đưa Nghị quyết 98 phát huy được đúng như kỳ vọng của chính quyền và nhà đầu tư. Hy vọng rằng Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư sẽ trở thành kênh thông tin hiệu quả, yểm trợ pháp lý doanh nghiệp.

 

>>> Thông tin chi tiết về Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023 và khảo sát ý kiến doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, vui lòng truy cập tại Website chính thức của Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư: https://www.ilsforum.vn/

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI