Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu rộng cùng thế giới. Cùng với đó là sự chấp nhận kinh tế thị trường luôn đi liền với cạnh tranh và phá sản. Vấn đề đặt ra phải chỉ ra được mặt mạnh, mặt yếu và những thất bại nào của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc hội nhập. Tranh chấp kinh tế nói chung và tranh cấp hợp đồng kinh tế nói riêng là đỉnh điểm của những bất cập trong quản trị doanh nghiệp, thể hiện phần nào mặt yếu và những thất bại của doanh nghiệp Việt, nhất là khi cọ xát với doanh nghiệp nước ngoài trong các vụ tranh chấp. Để lý giải phần nào vấn đề này, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã thực hiện cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
PV: Qua thực tiễn hoạt động của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có thể nhìn thấy phần nào vấn đề bất cập của doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện ở kĩ thuật văn bản hợp đồng của các bên, trình độ quản trị…. Ông có ý kiến chia sẻ về vấn đề này.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã và đang tham gia vào hàng ngàn vụ tranh chấp trong nước giữa các bên đều là Việt Nam và tranh chấp quốc tế giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp nước ngoài ( đến nay đã có các doanh nghiệp đến từ 60 quốc gia khác nhau tham gia tại VIAC).
Trên cơ sở phân tích các vụ tranh chấp, chúng tôi thấy xu hướng thứ nhất là các doanh nghiệp thông thường hay vướng phải điều “nước đến chân mới nhảy” mà không lường trước những rủi ro trong kinh doanh nên các hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nước thường rất sơ sài. Còn khi làm với nước ngoài thì thiếu bài bản kể cả các hợp đồng thương mại, đầu tư lớn. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài ở những thị trường chưa phát triển lắm thì họ cũng có tình trạng tương tự như ta. Tức là quan niệm về hợp đồng cũng rất đơn giản, chỉ vài ba điều khoản chính là chú ý, còn lại những điều khoản khác thì quy định cũng sơ sài. Đặc biệt là thiếu hẳn các quy định cần thiết nên khi có sự kiện không bình thường xảy ra thì rất khó để phân định trách nhiệm mỗi bên như thế nào.
Xu hướng thứ hai là, càng ngày việc đàm phán, kí kết hợp đồng càng có chiều hướng tiến bộ hơn, điều khoản hợp đồng ngày càng cụ thể hơn, phân định trách nhiệm ngày càng rõ hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao dịch, đàm phán được thực hiện một cách cẩn trọng hơn, cùng với việc các doanh nghiệp đã rút ra được bài học từ trong quá trình hội nhập nên họ biết rút kinh nghiệm thất bại thành công trong quá khứ để đàm phán, ký kết hợp đồng mới. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, các hiệp hội, các luật sư, việc đàm phán, ký kết hợp đồng dần được cải thiện.
Mặt khác, có thể thấy năng lực thực hiện hợp đồng của chúng ta còn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Chọn được đối tác, đàm phán, ký hợp đồng, chất lượng hợp đồng tốt rồi nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Trong quá trình thực hiện có thể do những điều kiện khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Khi đó, nếu hợp đồng nào được soạn thảo chu đáo, phân định rõ trách nhiệm của các bên, lường trước được các tình huống có thể xảy ra và đưa được vào trong hợp đồng thì việc thực hiện sẽ trôi chảy hơn. Còn những hợp đồng nào sơ sài, không lường trước được tình huống như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, đặc biệt là những đối tác lần đầu, chưa phải là hợp tác với nhau lâu dài. Và thường xẩy ra tranh chấp. Đó là điều chúng tôi muốn nhắn nhủ tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là cố gắng để soạn thảo hợp đồng, thực hiện hợp đồng sao cho thật tốt.
PV: Ông có đồng tình với nhận định, nếu ta coi công ty là một gia đình thì hãy coi luật sư hay các nhà tư vấn pháp lý là bác sĩ gia đình không? Thực tế, doanh nghiệp VN chưa nhận thức sâu sắc được điều đó, hoặc ngại ngùng loanh quanh chỉ vì một khoản chi phí, hoặc có thể là vì doanh nghiệp còn quá nhỏ…. Theo quan điểm của ông, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhìn nhận lại như thế nào cho phù hợp để tiếp cận vấn đề pháp lý này?
Nhìn lại vài mươi năm trước thì điều này gần như là phổ biến. Nhưng giai đoạn sau này, cùng với việc có một số doanh nghiệp lớn lên trong quá trình hội nhập họ đã sử dụng các dịch vụ pháp lý của các luật sư, của các nhà tư vấn và họ cũng theo học các lớp đào tạo, hướng dẫn về pháp luật nên tình hình có khá hơn trước. Riêng các doanh nghiệp lớn hẳn thì họ thành lập bộ phận pháp chế ngay trong doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng thường xuyên với luật sư, chuyên gia pháp luật trợ giúp nên tình hình có tốt hơn.
Những doanh nghiệp mới thành lập sau này phần lớn chưa có kinh nghiệm thương trường và bản thân tiềm lực của họ cũng còn hạn chế (tài chính, nhân lực). Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều trong số họ vẫn quan niệm việc đến đâu thì tính đến đó, xử lí tình huống, Tư duy kiểu đó khiến người ta suy nghĩ không theo hệ thống bài bản, nên dễ gặp rủi ro.
PV. Vậy doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng đó thế nào, thưa ông?
Theo tôi, phải tùy thuộc vào quy mô, năng lực cụ thể, tuổi đời, thị trường và mặt hàng của doanh nghiệp để lựa chọn cách làm phù hợp. Chúng ta không thể nói chung chung được. Chỉ xin có một lời khuyên chung: doanh nhân cũng như con người, cũng cần bác sĩ để chăm lo cho sức khỏe, doanh nghiệp cũng cần những luật sư, những nhà tư vấn pháp lý, nhất là trong thời kì hội nhập quốc tế với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Bởi hội nhập quốc tế nên khách hàng đến từ những thị trường khác nhau, hệ thống pháp lý hoàn toàn khác nhau. Rồi trong hội nhập quốc tế cho dù bây giờ điều kiện thuận lợi hơn so với trước đây rất nhiều nhưng mà rủi ro luôn luôn có, những biến động hội nhập luôn luôn có. Ví dụ như, giá cả lên xuống một cách bất thường khiến cho đối tác bội ước hợp đồng, kể cả những đối tác truyền thống họ vẫn có thể bội ước hợp đồng. Giả sử không có điều khoản trọng tài để giải quyết tranh chấp hợp đồng thì lúc bấy giờ không biết đi kiện đâu cả. Cho nên lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp luôn cần có ý thức sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý. Đó là luật sư hoặc các nhà tư vấn chuyên nghiệp chuyên giúp cho hợp đồng luôn được soạn một cách chu đáo và có thể giải quyết được những rủi ro khi nó xảy ra. Còn lập phòng pháp chế, thuê thường xuyên hay theo vụ việc, cho loại giao dịch nào thì tùy hoàn cảnh cụ thể. Lưu ý rằng, sự cẩn thận ở đây không bao giờ thừa.
PV. Cũng muốn hỏi ông thêm là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC có những công cụ, dịch vụ để phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tương thích chưa, thưa ông?
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC thành lập đã lâu và được coi là lớn nhất ở VN. Chúng tôi có sứ mệnh phục vụ doanh nghiệp, không phải là tổ chức lợi nhuận, không kinh doanh. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng để làm tốt mấy điểm sau đây:
Một là, trọng tài VIAC phải tương thích với thực tiễn tốt nhất của trọng tài quốc tế. Dù giải quyết các tranh chấp trong nước hoặc quốc tế vẫn phải lấy chuẩn quốc tế. Bởi chúng tôi vừa phục vụ các doanh nghiệp hội nhập, đồng thời cũng đem những chuẩn mực đó áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước, không có gì mâu thuẫn mà chỉ làm thuận lợi hơn quá trình hội nhập cho doanh nghiệp Việt mình. Nếu việc này không làm tốt thì doanh nghiệp Việt muốn chọn VIAC thì doanh nghiệp nước ngoài người ta cũng không chọn. Toàn bộ hoạt động của chúng tôi là từ quy tắc, quy định, thực tiễn hoạt động vừa phải bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam vừa phải phù hợp chuẩn quốc tế.
Ví dụ, vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hai bên có quyền thỏa thuận chọn luật của nước ngoài thì chúng tôi phải chấp nhận chọn luật của nước ngoài; hoặc nếu họ chọn địa điểm xét xử ở nước ngoài, ngôn ngữ nước ngoài thì chúng tôi cũng phải tuân thủ như vậy. Có những trường hợp hai bên thỏa thuận xử vắng mặt, không nhất thiết phải triệu tập các bên đến mà chỉ xử trên hồ sơ hiện có thì chúng tôi cũng phải làm như vậy; cũng có thể xử qua teleconference hoặc videoconference nếu các bên muốn. Chúng tôi phải bảo đảm tính độc lập, vô tư, khách quan và công bằng, đúng pháp luật khi giải quyết tranh chấp. Đó là chuẩn mực, đồng thời có cơ chế giám sát để hạn chế tối đa các tiêu cực, các can thiệp vào quá trình trọng tài, để cho dù là ai, nếu vi phạm thì họ vẫn phải chịu chế tài theo qui định của pháp luật. Ngoài ra, phải cố gắng để cho chi phí thấp nhất và thời gian giải quyết tranh chấp ngắn nhất.
Thứ hai , phải thực hiện tốt phương châm của VIAC là thân thiện, minh bạch, hiệu quả. Thân thiện vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp nên nó cần phải hoàn thiện để doanh nghiệp cảm thấy đây là công cụ của chính họ. Minh bạch là doanh nghiệp kiểm soát được quá trình tố tụng, dễ tiên liệu, không được để mờ ám, rủi ro cho doanh nghiệp. Hiệu quả được hiểu là các bên được quyền tham gia, kiểm soát tố tụng cao nhất với chi phí thấp nhất, thời gian ngắn nhất , VIAC phải phối hợp với các cơ quan của nhà nước để phán quyết được thi hành tại Việt Nam và ở nước ngoài nhanh nhất.
PV.Thưa ông, tâm lý của doanh nghiệp nói chung khi họ vướng tranh chấp thì phần lơn đều muốn chọn giải quyết tranh chấp qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chứ ít lựa chọn qua kênh tòa án. Bởi giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tại có nhiều mặt hay như: nhanh chóng, thủ tục rõ ràng; có tính bảo mật và đặc biệt nữa là thông qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì việc hòa giải, sự kết nối hai bên thuận lợi, có vẻ dễ dàng hơn cơ quan tòa án. Và đặc biệt là khi đất nước hội nhập thì khối lượng công việc cũng như tính phức tạp của các vụ việc đến với VIAC ngày càng cao. Đó có phải là áp lực với VIAC hay không, thưa ông ?
Chúng tôi luôn luôn đặt mình phải chịu áp lực và thực sự có áp lực. Bởi trên thế giới, các tổ chức trọng tài quốc tế luôn tự hoàn thiện để cạnh tranh tốt hơn. VIAC cũng phải hành động theo phương châm này vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, để họ có cơ hội được lựa chọn trên đất nước này tổ chức trọng tài đủ mạnh, có uy tín cao. Nếu họ buộc phải lựa chọn tổ chức trọng tài nước ngoài thì tuy cũng có những tổ chức minh bạch, độc lập, công khai nhưng doanh nghiệp Việt, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải “lặn lội” ra nước ngoài để giải quyết tranh chấp thì rất tốn kém. Thế nên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chấp nhận áp lực và cố gắng để vượt qua áp lực đó, để doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong và ngoài nước tin cậy và lựa chọn.
Thứ hai là một khi đã hội nhập thì các tranh chấp thương mại đa dạng nên Danh sách trọng tài viên VIAC phải luôn được bổ sung bởi các trọng tài viên nổi tiếng trong nước và quốc tế. Mặc dù thù lao trọng tài viên VIAC là không cao (VIAC thực hiện chính sách phí trọng tài thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam) nhưng thực tế cho thấy nhiều trọng tài viên nổi tiếng vẫn vô tư phục vụ, xét xử rất độc lập, khách quan, đóng góp cho sự phát triển công bằng và bền vững tại Việt Nam.
Thứ ba là, Trung tâm phải nâng cao chất lượng hoạt động, áp dụng tốt nhất thực tiễn trọng tài quốc tế để xét xử và bồi dưỡng chuyên môn cho trọng tài viên. VIAC thường xuyên cập nhật thông tin, kí kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức trọng tài có uy tín của khu vực và quốc tế, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo với các tổ chức trọng tài nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm.
Nhân đây, tôi cũng xin nhắc lại là VIAC giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm cả tranh chấp quốc tế và tranh chấp trong nước. Các tranh chấp trong nước hiện nay rất đa dạng như xây dựng, bảo hiểm, tín dụng, du lịch, đầu tư, bất động sản và các lĩnh vực thương mại khác đang được các doanh nghiệp lựa chọn VIAC để giải quyết ngày càng nhiều hơn. VIAC cũng có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp giữa ngay cả khi một bên là thương nhân ( doanh nghiệp ) và bên kia là cơ quan chính quyền hoặc các tổ chức, cá nhân khác nếu tranh chấp đó phát sinh từ hoạt động thương mại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Doanh nhân Hội nhập