...

FTA Việt Nam Hàn Quốc: Doanh nghiệp sẽ được gì?

27 Tháng 10, 2019

Nếu như các FTA trước đây với Hàn Quốc, DN Việt chỉ tận dụng được 30% các ưu đãi thì đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), DN sẽ tận dụng được từ 80 – 90% ưu đãi.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) nhấn mạnh tại Hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc: Nội dung cam kết - Tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI kết hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 21/5.

Việt Nam được gì từ VKFTA?

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trang cho biết, VKFTA có thể coi là hiệp định thương mại tự do (HĐTMTD) thế hệ mới đầu tiên. Giống như là một bước chuyển giao, chuyển tiếp giữa các HĐTMTD thế hệ cũ và thế hệ mới. “VKFTA có các nội dung mở cửa sâu hơn, đầy đủ hơn, cụ thể hơn so với tất cả các hiệp định và cam kết trong quan hệ thương mại mà Việt Nam và Hàn Quốc đã có trước đây", bà Trang nói.

Có thể nói, VKFTA cũng được coi như bước “tập dượt” cho việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA lớn quan trọng hơn như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

VKFTA

Đánh giá về cơ hội, theo ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á (Bộ Công thương), VKFTA sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, điều mà FTA Asean – Hàn Quốc làm chưa “tới”.

“Hàn Quốc tự do hóa hơn 97% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản và tiêu dùng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Chính nhờ hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ trong VKFTA mà hàng Việt sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…tại thị trường này", ông Tuyên phân tích.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay như dệt may, giày, dép, điện tử… Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc. 

“Về tổng thể, DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về mặt thuế quan, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, dệt may, da giầy...Với việc thực thi Hiệp định này, chúng ta có cơ sở để khẳng định mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi”, bà Đào Thu Hương, Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) khẳng định thêm.

Sẽ không tạo ra “cú sốc” lớn cho DN

Tuy nhiên, theo ông Tuyên, trên thực tế, để so sánh thì Hàn Quốc có nền kinh tế lớn hơn, phát triển hơn Việt Nam, trong khi đó VKFTA có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa cao nên chắc chắn chúng ta cũng sẽ gặp không ít những thách thức, khó khăn.

Điều đầu tiên mà chúng ta có thể thấy ngay trong bức tranh hội nhập toàn cầu đó là những yêu cầu về một môi trường kinh tế chuẩn. Có nghĩa là một môi trường chính sách minh bạch, môi trường kinh doanh thông thoáng… Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự chuyển mình thay đổi hơn nữa cũng như việc kiện toàn hệ thống quy phạm pháp luật theo các cam kết đã ký kết với đối tác.

Trao đổi thêm bên lề về vấn đề này, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá, mặc dù thời gian qua nước ta đã có những chuyển biến nhất định trong việc “cải tạo” môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, những kết quả này chưa thấm vào đâu so với sự cần thiết và mục tiêu cũng như yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Chính vì vậy, khi nói đến cụm từ “thực hiện môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng” tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để thực hiện được lại rất khó và đây thực sự là cửa ải khó khăn cần vượt qua khi chúng ta đến với VKFTA.

Đối với DN nội địa, thách thức lớn nhất chính là sự cạnh tranh về hàng hóa. Khi mở cửa thị trường, các DN Hàn Quốc có điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường Việt Nam, khi đó DN nội sẽ luôn trong trạng thái phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ. Ngược lại, con đường vào thị trường Hàn Quốc của DN Việt cũng thênh thang hơn, song nếu không khai thác được thì DN sẽ chịu rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những thách thức về cạnh tranh không đáng lo ngại. Vì cơ cấu sản phẩm giữa hai bên tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp. Ngoài ra, nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho những ngành này. Trong AKFTA, Việt Nam đã mở cửa đáng kể cho Hàn Quốc, do đó việc mở cửa tiếp theo không tạo ra cú sốc lớn./.

Theo VKFTA, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... 

Tố Uyên

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI