...

Giải quyết tranh chấp M&A: Trọng tài thương mại là phương thức hữu hiệu

28 Tháng 10, 2019
Do M&A là hoạt động mang tính chuyên ngành cao, đòi hỏi tính chuyên môn sâu, vừa am hiểu về bản chất của các giao dịch, vừa am hiểu về pháp luật. Do đó, để giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại là một trong những phương thức được coi là phù hợp, hiệu quả.
Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về những rủi ro mà nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong các hoạt động giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A)? DN cần phải làm như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho mình?

Ông Vũ Ánh Dương: Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, phát triển nền kinh tế hội nhập nên các giao dịch M&A diễn ra rất sôi động. Đây là cơ hội phát triển mới cho các DN Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý phát sinh từ các giao dịch M&A, với vô vàn nguyên nhân khác nhau.

M&A là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, để khi có tranh chấp phát sinh thì sẽ đảm bảo được các quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch M&A.

 

 

Ông Vũ Ánh Dương

Hiện nay, có nhiều phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp trong hoạt động M&A. Bên cạnh phương thức các bên tự thỏa thuận, giải quyết qua thương lượng thì còn có cơ chế khác như hòa giải, trọng tài, tài phán bằng trọng tài và tòa án…

Tuy nhiên, hoạt động M&A là hoạt động mang tính chuyên ngành cao, đòi hỏi tính chuyên môn sâu, người phân xử phải có sự am hiểu về bản chất của các giao dịch cũng như am hiểu về pháp luật. Do đó, rõ ràng để giải quyết vấn đề này, trọng tài thương mại là một trong những phương thức được coi là phù hợp, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, khi có tranh chấp, việc giải quyết sẽ được thực hiện bởi các trọng tài viên là các chuyên gia hoạt động chuyên trong lĩnh vực M&A am hiểu về pháp luật, am hiểu thông lệ và thực tiễn quốc tế. Như vậy, vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết một cách chính xác và khách quan.

Ngoài ra, phương pháp này còn có một số ưu điểm nổi bật như tranh chấp được giữ bí mật, không công khai. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên người Việt Nam hoặc nước ngoài; có quyền áp dụng pháp luật Việt Nam hay pháp luật quốc tế; có quyền thỏa thuận về ngôn ngữ, địa điểm…

* PV: Thực tế thời gian qua, VIAC đã giải quyết nhiều sự vụ liên quan đến tranh chấp M&A chưa, thưa ông? Ông đánh giá như thế nào về rủi ro pháp lý trong các giao dịch M&A của DN, nhất là DN nhà nước (DNNN)?

Ông Vũ Ánh Dương: Tính đến nay, tại VIAC, chúng tôi đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp liên quan đến tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh doanh…

Theo thống kê, có khoảng hơn 60 quốc gia, vùng, lãnh thổ đã có DN giải quyết các vấn đề tranh chấp tại VIAC. Trong đó có cả những tranh chấp liên quan đến hoạt động M&A, song tỷ lệ tranh chấp M&A chưa nhiều.

M&A là lĩnh vực nhạy cảm đòi hỏi phải có một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp. Ảnh T.L

Thực ra, khi các giao dịch có liên quan đến một bên là DNNN thì có những yếu tố hết sức đặc thù vì đây là tài sản của Nhà nước, vốn của Nhà nước nên phải tuân thủ những quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật nói chung và những quy định liên quan đến tài sản nhà nước nói riêng. Do đó, giải quyết những vụ việc như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chính sách, nếu không đảm bảo tuân thủ đúng thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên.

* PV: Qua thực tế, ông thấy sự chuẩn bị cũng như đối mặt khi xảy ra tranh chấp M&A của DN nước ngoài và Việt Nam khác nhau như thế nào?

Ông Vũ Ánh Dương: Trong những giao dịch xuyên biên giới, các bên DN đều rất quan tâm đến các vấn đề khi tranh chấp phát sinh cũng như việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp. Bởi tranh chấp có yếu tố nước ngoài luôn được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, do sự khác biệt về pháp luật, văn hóa, tập quán kinh doanh…

Do đó, trong những giao dịch như vậy, đòi hỏi DN phải ý thức được rủi ro và phải có hiểu biết để lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp cho phù hợp. Trong hoàn cảnh đó, khác với nhiều DN trong nước, các nhà đầu tư, DN nước ngoài thường chủ động lựa chọn và tìm đến phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vì họ đánh giá cao tính trung lập và khách quan của phương thức này. Bên cạnh đó, họ có cơ hội để lựa chọn các yếu tố như pháp luật, trọng tài viên, địa điểm…

* PV: Ông có lưu ý gì đối với DN khi muốn dùng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch M&A?

Ông Vũ Ánh Dương: Khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, DN nên chú trọng đến vấn đề lựa chọn trọng tài viên. Điều này rất quan trọng bởi trọng tài viên chính là người sẽ xem xét, phán xử và ra phán quyết để quyết định vụ việc. Cả hai bên phải lựa chọn trọng tài là các chuyên gia có chuyên môn để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp sẽ chính xác và hiệu quả nhất.

Thêm vào đó, DN cần lưu ý, giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài có những nguyên tắc đặc trưng riêng, điển hình như phải có sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng khi đàm phán, kí kết. Tuy nhiên, có điểm mở là trên thực tế vẫn có những trường hợp chưa kịp đưa vào hợp đồng, khi đó các bên có thể có những thỏa thuận ở thời điểm sau khi có tranh chấp.

Ngoài ra, DN cần phải tham gia đầy đủ các quy trình, thủ tục của trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu không tham gia đầy đủ hoặc từ bỏ thì có thể DN sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi trong quá trình giải quyết.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tố Uyên - Thời báo Tài chính Việt Nam đăng ngày 21/12/2018

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI