...

Hòa giải thương mại đã tiệm cận thông lệ quốc tế

28 Tháng 10, 2019

 

Bên thềm Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) ngày 29/05/2018 vừa qua, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với Ls. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) một số vấn đề về xu thế mới trong lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thay thế - hòa giải thương mại.

Hòa giải thương mại là gì? Vì sao phải có trung tâm hòa giải thương mại?

Theo tôi thì hòa giải thương mại là một trong 4 phương thức hòa giải trong hoạt động thương mại của các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp đối với người dân, bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài, và tòa án. Chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị để thực hiện và khuyến khích các bên hòa giải thương mại, và sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP (Nghị định 22) quy định về phương thức hòa giải thương mại.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có một nghị định dành riêng cho hòa giải thương mại. Với tinh thần Hòa giải bao giờ cũng là một phương thức tốt, hay thậm chí là một bản án tốt, một phán quyết trọng tài tốt có thể cũng không hiệu quả bằng phương thức hòa giải với một kết quả hòa giải. Vì rõ ràng, khi đã hòa giải, thì dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên và các bên tự nguyện thi hành các thỏa thuận hòa giải thành đấy mà không cần đến sự cưỡng chế từ phía cơ quan nhà nước như là phán quyết trọng tài hoặc như bản án của Tòa án. Với tinh thần như vậy, hòa giải là một phương thức rất phù hợp đối với các doanh nghiệp, vì rõ ràng nó dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn mối quan hệ truyền thống, từ đó bảo vệ lợi ích của các bên dựa trên cơ sở thỏa thuận, đồng thuận, các bên có thể dùng hòa giải là cách tốt nhất.

Trung tâm hòa giải thương mại hoạt động thế nào? Và nó có đóng góp gì cho hoạt động hòa giải tại Việt Nam?

Theo Nghị định 22, có 2 hình thức để thành lập tổ chức hòa giải. Một là, thành lập một trung tâm hòa giải thương mại hoàn toàn là một pháp nhân mới. Hoặc là các trung tâm trọng tài đã hoạt động trước đây có chức năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải theo các quy định trước đây của pháp luật, thì có thể tiếp tục thực hiện việc hòa giải thương mại đó.

Với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì chúng tôi lựa chọn theo phương án 2. Nghĩa là chúng tôi không thành lập một pháp nhân mới độc lập mà đẩy nhanh quá trình, hiệu quả hoạt động phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tiến hành. Như vậy, rõ ràng là đây không phải là một vấn đề mới đối với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, bởi cách đây hơn 10 năm, Trung tâm cũng đã tiến hành các hoạt động hòa giải. Nhưng bây giờ theo Nghị định mới thì chúng tôi sẽ làm theo đúng các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn và trình tự hòa giải mà Nghị định này đã quy định. Như vậy, đây là một giai đoạn mới, là một bước tiếp nối mới, là một hình thức tổ chức mới nhưng vẫn kế thừa truyền thống trước đây.

Và cùng với việc đẩy nhanh hoạt động về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì nỗ lực của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để thúc đẩy hòa giải trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cộng đồng còn lại, chúng tôi nghĩ đây là một hướng đi phù hợp trong điều kiện hiện nay, vừa thúc đẩy đổi mới bên trong, vừa hợp tác, liên kết với bên ngoài. Đây cũng là cách mà các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng cùng xắn tay với nhà nước để giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có cả vấn đề tranh chấp, trước hết là từ tranh chấp thương mại và sau này trong điều kiện phát triển thì chúng ta sẽ xây dựng luật về hòa giải hòa giải nói chung để giải quyết các tranh chấp không những về thương mại mà cả những tranh chấp về dân sự, tranh chấp trong xã hội.

Ông có kỳ vọng gì cho sự ra đời của trung tâm hòa giải thương mại?

Theo tôi thì khi thành lập hoặc đẩy mạnh một hoạt động nào đó thì chúng tôi vẫn có kỳ vọng. Nhưng còn đòi hỏi rất nhiều điều kiện khác nhau, một là nỗ lực của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nỗ lực của Trung tâm Hòa giải thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, của các hòa giải viên là từ một phía; phía thứ hai là từ nỗ lực của các cơ quan nhà nước và trong đó đặc biệt là những tổ chức có liên quan như là các cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp, Bộ Tư pháp hoặc là các bộ, các ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, cùng xắn tay với nhau để tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp thầy được ưu thế của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Nó vừa thân thiện, vừa bí mật, vừa tiết kiệm, vừa là hiệu quả thi hành cao, cũng phù hợp với tập quán giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế. Chẳng có lí do gì để chúng tôi và các cơ quan, tổ chức liệt kê vừa rồi lại không xắn tay lại để cùng làm. Như vậy, chúng ta cũng giúp giảm thiểu vai trò, giảm bớt công việc của Tòa. Để Tòa án giải quyết những công việc mang tính công quyền nhiều hơn các tranh chấp tư giữa các doanh nghiệp.

Chúng ta cần lưu ý điều gì khi Việt Nam đã ký 10 hiệp định thương mại tự do (FTA)?

Theo tôi, rõ ràng ở đây có 2 loại tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại: một là, tranh chấp hoàn toàn mang tính chất trong nước và thứ hai, là tranh chấp có yếu tố nước ngoài, chúng ta cần chú ý đến cả 2 phương diện đó. Một mặt là nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức hòa giải, giữa các hòa giải viên trong nước, chúng ta cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nước ngoài, với các trung tâm hòa giải quốc tế và các tổ chức khác để chúng ta bồi dưỡng, đào tạo, đi tìm những hòa giải viên, có khả năng để làm các hòa giải thương mại quốc tế. Như vậy, họ không những phải thành thạo về ngoại ngữ mà họ cũng phải có một cái phông văn hóa, để có thể hội nhập được với từng vùng miền văn hóa từ các nước trên thế giới. Bởi hòa giải rõ ràng không chỉ là vấn đề của áp dụng pháp luật, mà là vấn đề của kỹ năng, của văn hóa, của cách tìm ra mẫu số chung lợi ích của các bên trong tranh chấp, khả năng thuyết phục của hòa giải viên là rất cần thiết. Vì vậy, việc trao đổi kinh tế trong trường hợp này là rất cần thiết. Vậy rõ ràng, các trung tâm hòa giải cũng phải hướng đến cái mô hình hoạt động đó, đồng thời, thắt chặt mối quan hệ với tổ chức quốc tế, đồng thời cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cơ quan trong bộ, ngành tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng của các hòa giải viên trong hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI