Ngày 01/03/2016, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp cùng với Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) tổ chức Hội nghị các Quy định mới về Trọng tài và Hòa giải của Bộ luật Tổ tụng dân sự 2015 và giới thiệu sổ tay cho thẩm phán của ICCA về diễn giải công ước New York 1958. Tại Hội nghị các chuyên gia đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ tư pháp, Nhóm Ngân hàng thế giới và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã đưa ra các phân tích, đánh gia về quy định pháp luật mới, giới thiệu nội dung sổ tay và có phần giải đáp, thảo luận trực tiếp tại hội nghị các câu hỏi khách mời, người tham dự đưa ra.
Hội nghị dẫn chiếu thông tin tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự. Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định tại Phần thứ bảy của Bộ Luật gồm có 3 chương, cụ thể:
- Chương 35: Quy định chung về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
- Chương 36: Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự cảu Tòa án nước ngoài;
- Chương 37: Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Mai Phó Cục Bổ Trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cũng đã trình bày các nội dung mới trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tiếp đó, Bà Nina P.Mocheva – Chuyên gia về Trọng tài và Hòa giải, Nhóm Ngân hàng Thế giới giới thiệu và đưa ra các nội dung chính của Cuốn sổ tay dành cho thẩm phán của ICCA về diễn giải công ước New York 1958. Cuối cùng, hội thảo dành nhiều thời gian cho phiên hỏi đáp trực tiếp giữa chuyên gia và khách mời tham dự.
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến chia sẻ về thực tiễn và đóng góp ý kiến đối với việc thực thi các quy định pháp luật về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại. Phát biểu tại hội nghị, Ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ghi nhận sự đóng góp của VIAC trong quá trình dự thảo và hoàn thiện các quy định pháp luật về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại, ông cũng hi vọng trong thời gian tới VIAC sẽ ngày một phát triển và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Thông tin về Chuyên gia đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Hội nghị
Ông Phan Trọng Đạt
Phó Tổng Thư ký – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Ông Đạt hiện nay là Phó Tổng Thư ký – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam với kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp và quản lý dự án. Ông làm việc tại VIAC từ năm 2007, tham gia làm Thư ký Trọng tài trong một số vụ việc và là cán bộ điều phối dự án của Danida về tăng cường nhận thức và sử dụng trọng tài tại Việt Nam từ 2005 – 2010. Ông là thành viên Ban soạn thảo Quy tắc hòa giải của VIAC 2007, Quy tắc Tố tụng Trọng tài tại VIAC 2012 và hiện là điều phối viên dự án hợp tác giữa VIAC và IFC về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại.
Ông thường xuyên là diễn giả về kỹ năng trọng tài và giải quyết tranh chấp tại hội nghị và hội thảo tập huấn cảu VIAC, VCCI, Đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông còn là tác giả của một số bài báo trong đó có bài viết cho tạp chí Asian Dispute Review về sự phát triển của pháp luật trọng tài tại Việt Nam.
Ông Đạt có bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại – trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội và bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA) về quản lý dự án – trường Đại học Nantes, Pháp.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)