...

Hội nghị Xúc tiến thương mại giữa các nền kinh tế APEC

28 Tháng 10, 2019

(Tp. Hồ Chí Minh - 4/11/2017) Vừa qua, Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC) phối hợp cùng với Liên đoàn Luật sư Châu Á Thái Bình Dương (IPBA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội nghị Xúc tiến thương mại giữa các nền kinh tế APEC. Với những chủ đề hấp dẫn, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các luật sư, đại diện doanh nghiệp lớn cùng các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước tham gia.

Tầm quan trọng của APEC với kinh tế Việt Nam

Hòa cùng với không khí chung của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam, hội thảo là nơi tụ hội nhiều diễn giả nổi tiếng từ các hãng luật, pháp chế doanh nghiệp của Việt Nam và các diễn giả quốc tế đến từ Newyork, Washington, Tokyo, Taipei, Singapore, Manila, Kualar Lumpur, Phnompenh…. Bên cạnh đó, thành công của hội thảo là sự tham gia đông đảo của các luật sư, đại diện doanh nghiệp lớn, cùng các nhà hoạch định chính sách đến từ khắp nơi trong khu vực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch VIAC ông Vũ Xuân Phong đánh giá cao tầm quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. APEC là tổ chức chiếm đến 70% quan hệ ngoại giao của Việt Nam, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, 38% viện trợ phát triển và 79% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, các thành viên trong APEC nên tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trọng tài thương mại.

“Sự hợp tác ngày càng sâu rộng về kinh tế giữa các thành viên APEC là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo sự gia tăng trong các tranh chấp thương mại giữa các tập đoàn, công ty ở các quốc gia thành viên. Chính vì vậy, VIAC sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các trung tâm trọng tài thương mại trong khu vực để cải tiến và liên tục cập nhật quy trình tố tụng phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua đó, góp phần mang đến một phương pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, thúc đẩy kinh tế khu vực.”

Nhiều vấn đề nóng được thảo luận thẳng thắn

Buổi hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều trọng tài viên VIAC với tư cách là diễn giả trong nhiều chủ đề nóng trải dài trong suốt một ngày của hội nghị. Trong phiên thảo luận về “Những đóng góp của ASEAN trong APEC”, ông Lương Văn Trung, Trọng tài viên VIAC, Luật sư Thành viên Lexcomm nhận định sự năng động của ASEAN chính là nét khởi sắc của APEC. Không chỉ tiến bộ trong phát triển kinh tế, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN với những hành lang pháp lý thống nhất cũng được kỳ vọng như một bước tiến lớn để nâng tầm các nước Đông Nam Á nói riêng và APEC nói chung.

Với phiên thảo luận về “Vốn cho sự phát triển của Việt Nam”, Tiến sỹ Lê Nết, Trọng tài viên VIAC, Luật sư Điều hành LNT nhấn mạnh đến sự hiệu quả khi sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, viện trợ phát triển của các thành viên APEC dành cho Việt Nam. Để làm được điều này, ông thẳng thắn nhận định rằng Việt Nam cần phải giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí cũng như có những kế hoạch phát triển dài hơi hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Phát triển trọng tài trong APEC: Hướng tới giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả

Tại phiên thứ 6 trong chương trình chính là phiên thảo luận “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong nội khối APEC”. Đề tài hấp dẫn này được Phó Tổng Thư ký VIAC, Luật sư Châu Việt Bắc chủ trì với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng đến từ các tổ chức trọng tài, hãng luật uy tín trong khu vực. Có thể kể tới Ông Đỗ Khôi Nguyên – Luật sư thành viên YKVN Singapore, Giáo sư Tiến sỹ Colin Ong - Hiệp hội Trọng tài Brunei Darussalem, Ông Kevin Kwek - Luật sư Điều hành Kenedy Legal Sollution (Singapore) và Luật sư Mahesh Rai - Giám đốc Drew & Napier LLC.

Các diễn giả đã đề cập đến nhiều giải pháp để thúc đẩy chất lượng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, trong đó có các giải pháp đến chính từ các bên trong việc soạn thảo thoả thuận trọng tài hiệu quả tránh các rủi ro, tăng chi phí, thời gian trong tố tụng khi phát sinh tranh chấp; các giải pháp từ phía các trung tâm trọng tài như phải tăng cường thường xuyên các chương trình huấn luyện trọng tài viên, thông qua các thực tiễn tốt và áp dụng triệt để các quy tắc, chuẩn mực quốc tế như Hướng dẫn giải quyết xung đột lợi ích của trọng tài viên, quy tắc thu thập chứng cứ của IBA, Nghị định thư về sử dụng nhân chứng chuyên gia được chỉ định bởi các bên của CIArb, Bảng hướng dẫn của ICC đối với các tài liệu chứng cứ điện tử, Vấn đề chỉ định trọng tài viên trong nội khối ASEAN để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đề cập đến một số cơ chế mới trong trọng tài quốc tế như: Trọng tài khẩn cấp, Bác đơn khởi kiện và Bản tự bảo vệ ngay từ đầu, vận dụng các thủ tục trong tố tụng để kiểm tra năng lực thực thi phán quyết trọng tài sau khi được ban hành, tăng các chế tài nếu một bên không tuân thủ tố tụng, các quyết định của các hội đồng trọng tài,….Ông Châu Việt Bắc nhận định các giải pháp từ các diễn giả rất hiệu quả, tuy nhiên việc vận dụng vào các quốc gia còn phù thuộc sự phù hợp với Luật Trọng tài của các quốc gia mình. Đối với Việt Nam, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 sau gần 7 năm có hiệu lực cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc vận dụng các thủ tục trọng tài hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển phương thức này hơn nữa.

Sau một ngày thảo luận sôi nổi, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều ấn tượng với các khách tham dự. Dự kiến trong tương lai, VIAC sẽ tiếp tục kết hợp với nhiều tổ chức quốc tế để tổ chức thêm nhiều các hội thảo bổ ích dành cho cộng đồng luật sư, doanh nghiệp và nhiều đối tượng liên quan khác.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI