...

Hội thảo Chủ đề: Quản lý Tập thế quyền sao chép trong nhà trường

28 Tháng 10, 2019

Ngày 18-11-2015, tại Khách sạn Candle (287- Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) Cục Bản quyền tác giả - COV phối hợp với Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO đã tổ chức Hội thảo chủ  đề “Quản lý tập thể quyền sao chép trong nhà trường”. Hội thảo thu hút đông đảo các giáo sư, phó giáo sư là những tác giả viết giáo trình cho sinh viên hệ Đại học, trung  học chuyên nghiệp và dạy nghề; lãnh đạo các trung tâm học liệu của các trường Đại học, cao đẳng trong địa bàn Hà Nội cùng  một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông  đã đến dự.

         
Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó cục trưởng Cục bản quyền tác giả phát biểu khai mạc hội thảo

Tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền là một trong những vấn đề quan ngại và rất khó kiểm soát; mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật về Quyền tác giả, quyền liên quan được hoàn thiện và bổ sung trong các Bộ luật Dân sự (phần 6, chương 34); Bộ luật Hình sự (Điều 170A); Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.v.v… Nhưng nạn sao chép lậu vẫn chưa được cải thiện nhất là trong lĩnh vực trường học.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Phó trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, COV
 trình bày về “Cơ sở pháp lý của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, đến thời điểm Tháng 10/2015, Việt Nam đã ký kết và tham gia vào 03 Hiệp định song phương, 05 Điều ước quốc tế đa phương, 09 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do có nội dung về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả. Đặc biệt, tháng 10/2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định quan trọng, đã quy định rất rõ về Sở hữu trí tuệ/ Quyền Sở hữu trí tuệ tại chương QQ. Nhưng bên cạnh đó cũng nổi lên một vấn đề là nếu không có trình độ chuyên môn sâu thì rất khó hiểu và vấn đề quan trọng là phải cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam mới có thể thực hiện có hiệu quả.

Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam – VIETRRO ra đời và phát triển dựa trên những cơ sở pháp lý nêu trên, nhưng việc đi vào làm thực tế tại Việt Nam và phát huy được những giá trị tiếp nhận từ nền văn hóa bản quyền tiến bộ trên thế giới là một hành trình khó khăn, cần nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và trình độ nhận thức của toàn bộ xã hội.

Ông Hoàng Trọng Quang - Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam Trình bày

Quản lý tập thể quyền sao chép, vai trò chức năng của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam.

Hội thảo “Quản lý tập thể quyền sao chép trong nhà trường” là một trong những hoạt động thực hiện triển khai đề án: “Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam”. Hội thảo đã thảo luận sâu về tình trạng bất cập đã và đang diễn ra trong hoạt động sao chép tác phẩm tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, tìm ra giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường khắc phục tình trạng xâm hại tác phẩm, gây thiệt hại quyền lợi của các nhà khoa học như hiện nay.

Nhiều ý kiến của đại biểu đánh giá cao hội thảo và kiến nghị Cục bản Quyền tác giả hỗ trợ hơn nữa cho các tổ chức quản lý tập thể trong việc tổ chức nhiều kênh tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền tác giả cho các đối tượng sáng tạo khoa học, sáng tác văn học và các đối tượng sử dụng tác phẩm.  

Ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam 

trình bày Đề án “Cấp phép sao chụp trong trường học”

Ông Nguyễn Kiểm cũng nhấn mạnh, Đề án “Cấp phép sao chụp trong trường học” là một trong những chương trình quan trọng của VIETRRO trong quá trình đưa nền bản quyền của Việt Nam tiến bộ theo kịp thế giới. Nhưng điều kiện cần thiết cho thành công, cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sự hợp tác thiện chí giữa người nắm giữ quyền và người sử dụng; đảm bảo năng lực chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức quản trị tập thể và có nguồn kinh phí trong giai đoạn đầu.

Về phía các trường Đại học, cao đẳng, đào tạo chuyên nghiệp, đại biểu GS.TS Vũ Hữu Yêm - Giảng viên trường Học viện Nông nghiệp cho biết: “Cần cho những tác giả được hưởng thù lao với tỷ lệ thích đáng, để tránh tình trạng ăn cắp kiến thức, các trường Đại học hiện đang rất đau đầu với những trường hợp đạo luận văn”.

PGS. TS Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân

Theo PGS. TS Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế Quốc dân, Trọng tài viên – Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam: Các trường Đại học có rất nhiều tác phẩm được sử dụng một cách thường xuyên, liên tục, VIETRRO cần có thêm các hoạt động tuyên truyền vấn đề bản quyền đến các trường Đại học cụ thể, nơi tập trung tầng lớp tri thức trẻ. Đồng thời, phải mạnh tay với việc vi phạm quyền sao chép trên thị trường photocopy và thị trường số.

Thay mặt Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam VIETRRO, ông Nguyễn Kiểm đã cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của đại diện các trường, các tổ chức liên quan. Ông cũng khẳng định, tuy thời điểm hiện tại, VIETRRO còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đã gặt hái được những thành công bước đầu. Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của Cục bản quyền tác giả và sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn VIETRRO sẽ vượt qua  khó khăn, đưa nền bản quyền Việt Nam  tiến lên, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của đất nước ./.

Một số hình ảnh đáng chú ý tại hội thảo:

Ông Nguyễn Văn Nhân – Giám đốc công ty truyền thông Tầm nhìn Á Châu phát biểu về tình trạng vi phạm bản quyền
Ông Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Xa lộ thông tin đặt nhiều câu hỏi về bản quyền thông tin mạng

Theo Trang thông tin điện tử Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI