...

Hội thảo cuộc chiến thương mại Mỹ Trung: Triển vọng và rủi ro đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu

28 Tháng 10, 2019

Ngày 24/10 vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) đã tổ chức buổi Hội thảo với tên gọi “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu” hướng tới mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp những diễn biến mới nhất của cuộc thương chiến Mỹ - Trung; đồng thời, tìm ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu.

Toàn cảnh hội thảo

Buổi Hội thảo được chia làm hai phiên chính:

Phiên thứ nhất với chủ đề “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam” được triển khai và bàn luận bởi các báo cáo viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kinh tế: Ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. HCM; TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam; TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.

Trước những đòn áp thuế liên tục và ngày càng mạnh tay giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường thế giới hiện nay đang có những biến động đáng kể. Cuộc thương chiến không chỉ tác động đến kinh tế của hai cường quốc, mà còn ảnh hưởng đến những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cơ chế trả đũa, chống đối không khoan nhượng giữa các bên làm cho thị trường biến đổi ngày một phức tạp, các lĩnh vực kinh tế, tài chính cũng bị kéo theo luồng xoay đó.

Thông qua phiên thứ nhất, bằng nhận định và đánh giá về xu thế chuyển động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia đã giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn về mặt lợi, mặt hại; vạch ra chiến lược phù hợp nhằm phát triển hiệu quả và an toàn nhất hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời, tại phiên này, các chuyên gia cũng đã có những bình luận đối với tình hình của hai “nhân vật chính” để đưa ra lăng kính mới và có chiều sâu hơn cho doanh nghiệp thay vì chỉ chỉ hướng doanh nghiệp nhìn vào cục diện chung, nhìn vào phần nổi của tảng băng thương chiến.

Kết thúc phần tham luận tại phiên một, phiên hai được triển khai xoay quanh vấn đề về “Nhận diện rủi ro trong hoạt động giao kết và thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu – Trọng tài thương mại: Phương án khả thi trong giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp” được trình bày và thảo luận bởi các báo cáo viên là các chuyên gia, luật sư, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài  Quốc tế Việt Nam (VIAC) bao gồm: LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; LS. Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty TNHH Luật Lê Nguyễn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); TS. Nguyễn Tuấn Hoa - Nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông, Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia -Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); TS. Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Mở đầu là phần trình bày về chủ đề Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TS. Nguyễn Tuấn Hoa. Có thể thấy, “doanh nghiệp số” hiện nay đang là xu hướng được đa phần doanh nghiệp hướng tới. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, lộ trình mà doanh nghiệp phải đi còn khá dài và cũng hàm chứa không ít những rủi ro. Trong phần tham luận của mình, TS. Tuấn Hoa đã chỉ rõ những yếu điểm của doanh nghiệp cũng như sự mơ hồ về cuộc cách mạng công nghệ trong nhận thức của họ, từ đó, định hình những phương án phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là khi đối mặt với những tình huống giao dịch bằng điện tử trong thực tế.

LS. Lê Thành Kính - Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội thảo

Ngay sau bài trình bày từ TS. Nguyễn Tuấn Hoa, LS. Lê Thành Kính - Trọng tài viên VIAC trao đổi với doanh nghiệp về chủ đề “Chứng từ xuất nhập khẩu – Mối nguy hiểm đến từ công cụ giao dịch quan trọng của doanh nghiệp”. Từ những thực tiễn, nhận định các tranh chấp trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế của doanh nghiệp đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), có thể thấy, những rủi ro phát sinh đôi khi không vì những nguyên nhân sâu xa, mà đến từ chính những chứng từ giao dịch được sử dụng thường xuyên. Với sự nhạy bén qua quá trình dài nghiên cứu chuyên môn, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã khẳng định năng lực, trình độ xét xử đối với những vụ việc, định hướng cho doanh nghiệp cách giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả nhất.

TS Nguyễn Xuân Minh - Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội thảo

Tiếp đó, ở phần trao đổi về “Trọng tài thương mại – Phương án khả thi trong giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, TS Nguyễn Xuân Minh – Trọng tài viên VIAC đã đưa ra những nhận định chi tiết về các rủi ro đến từ bản thân doanh nghiệp và đối tác trong quá trình mua bán hàng hóa. Từ đó, báo cáo viên nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của trọng tài, đặc biệt là vai trò và uy tín của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đối với việc giải quyết tranh chấp. Ở phần cuối bài trình bày, chuyên gia còn đưa ra lời hướng dẫn cho doanh nghiệp cách thức đàm phán, thỏa thuận với đối tác của mình về điều khoản trọng tài, từ đó, giải vây cho doanh nghiệp trước những tình cảnh khó khan, không thể thỏa hiệp với bạn hàng.

Sau từng phiên trình bày, Hội thảo được tổng kết thông qua phần trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu và doanh nghiệp. Trong phần này, các câu hỏi của doanh nghiệp đã được giải đáp bởi các báo cáo viên, từ đó, doanh nghiệp có cái nhìn đa chiều và chuyên sâu hơn đối với những vấn đề đã được trình bày trước đó.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI