Ngày 12 và 15 tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhóm Công ước Viên cho người Việt Nam (CISGVN) đã phối hợp với CLB Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC) tổ chức hội thảo với chủ đề “Diễn giải và Áp dụng CISG trong thực tiễn hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” tại trường Đại học Ngoại thương. Chương trình diễn ra với sự tham gia trình bày bởi các diễn giả đến từ CISG VN, VBLC, Trường Đại học quản lý Singapore và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thu hút đông đảo các nhà luật gia, luật sư, các giảng viên và sinh viên tham dự.
Ngày 01/01/2017, CISG chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Trừ khi các bên thỏa thuận một nguồn luật khác, Công ước này về nguyên tắc, sẽ điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tại 84 quốc gia thành viên khác, bao gồm các doanh nghiệp đến từ đối tác quan trong như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hầu hết các quốc gia EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore v.v...
Trong bối cảnh trên, Hội thảo được tiến hành với kỳ vọng sẽ giúp các nhà thực hành luật hiểu rõ, áp dụng thông minh nguồn luật mới này trong quá trình soạn thảo hợp đồng, quản lý thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp; từ đó giúp các luật sư, các doanh nghiệp quản trị tốt hơn các rủi ro hợp đồng thương mại hàng háo quốc tế, phòng tránh các tranh chấp phát sinh.
Phát biểu khai mạc, Luật sư Đinh Ánh Tuyết – Thành viên Ban điều hành VBLC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhấn mạnh: “Thương mại quốc tế hiện nay đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế. Việc giảm thiểu chi phí giao dịch quốc tế là một mục tiêu quan trọng của tất cả các chính phủ cũng như các doanh nghiệp, trong đó một biện pháp hữu hiệu là đơn giản hóa giao thương quốc tế bằng cách xóa bỏ các rào cản pháp lý và tăng cường tính ổn định pháp luật của giao dịch quốc tế. Để thực hiện điều này, việc tạo ra một bộ luật thương mại quốc tế thống nhất trong khuôn khổ CISG mang lại rất nhiều lợi ích không cần phải bàn cãi. Việt Nam vinh dự là nước thứ 2 trong khu vực tham gia CISG với sự nỗ lực rõ ràng, tâm huyết của Chính phủ và sự ủng hộ của các tổ chức đồng hành, hướng tới mục tiêu chung là giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm thiểu rui ro pháp lý thường gặp trong thương mại quốc tế và tăng lợi ích giao dịch thương mại chung”.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên VIAC chia sẻ “Trong số các nỗ lực thống nhất luật pháp hợp đồng quốc tế, Công ước Viên được đánh giá là hết sức thành công, bởi ngôn ngữ luật chung, quy mô và tính chất áp dụng bắt buộc của nó. Trong một diễn đàn quốc tế gần đây tại Thái Lan do Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL), CISG được kỳ vọng và khuyến khích tại các quốc gia Đông Nam Á bởi những yếu tố tích cực của CISG phù hợp với xu thế hướng tới thống nhất và hài hòa hóa luật pháp quốc tế về hợp đồng thương mại vốn được biết đến là xu hướng phát triển tất yêu của thương mại quốc tế”.
Tham gia chia sẻ tại Hội thảo, hai chuyên gia quốc tế gồm GS. Locknie Hsu và GS. Basil C. Bitas, đến từ Đại học Quản lý Singapore đã tập trung trình bày xu hướng phát triển của thương mại hàng hóa và việc áp dụng CISG tại ASEAN, cũng như các nguyên tắc chung trong việc diễn giải và áp dụng CISG vào thực tiễn.
GS. Locknie Hsu cho rằng đối với hoạt đông thương mại quốc tế đặc biệt giữa các nước trong ASEAN, CISG sẽ là lựa chọn hiệu quả về kinh tế. Tuy vậy con số chỉ mới 2 nước trong khối ASEAN tham gia công ước này là một con số khá hạn chế. Khảo sát về giao dịch thương mại quốc tế của doanh nghiệp Canada tại khu vực ASEAN năm 2017 ghi nhân 60% phản hồi doanh nghiệp cho rằng các chính sách pháp luật bất đồng giữa các quốc gia đang là một trong những rào cản hàng đầu cho việc thúc đẩy đầu tư kinh doanh vào các quốc gia thành viên. Song, CISG sẽ có thể gỡ bỏ phần nào rào cản đó, mở ra những cơ hội thương mại lý tưởng cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác CISG sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khu vực.
GS. Basil C.Bitas chia sẻ thêm: “Nếu còn phân vân đâu là lúc phù hợp để thực hiện hài hòa hóa pháp luật thương mại thì tôi khẳng định, với ASEAN hiện tại chính là thời cơ tốt và CISG sẽ giúp ASEAN định hình tốt hơn xu thế này bằng một công ước thực tế và những lợi ích cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp”
Trong phiên làm việc tiếp theo, Luật sư Nguyễn Trung Nam – Luật sư điều hành EP Legal, thành viên Hội đồng khoa học pháp lý VIAC, TS. Nguyễn Thanh Tâm – Trưởng Khoa Luật Thương mại Quốc tế trường Đại học Luật Hà Nội và ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký VIAC đã trình bày và đưa ra thảo luận các vấn đề chuyên sâu hơn khi tiến hành soạn thảo, quản lý thực hiện hợp đồng cũng như khi giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.
Tại phần trình bày của mình, ông Phan Trọng Đạt nhận định các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế sẽ ngày càng lý tưởng hơn và tạo những dấu ấn tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng CISG. Với ưu điểm Việt Nam là thành viên của của Công ước New York năm 1958 về Công nhân và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, trọng tài thương mại sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để đảm bảo công bằng, minh bạch trong giao dịch thương mại quốc tế.
Hội thảo “Diễn giải và Áp dụng CISG trong thực tiễn hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” đã kết thúc và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham dự. Những kết quả đạt được thông qua quá trình thảo luận cởi mở cũng như với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, Hội thảo hy vọng sẽ tạo nên được những hiệu ứng tốt đẹp, giúp các luật sư Việt Nam hiểu rõ hơn về tinh thần chung của CISG và thấy được những lợi thế rất lớn khi có thể áp dụng Công ước quan trọng này một cách thông minh và hợp lý trong quá trình hỗ trợ khách hàng của mình – những thương nhân Việt Nam năng động, có tầm nhìn hướng ra thế giới nhưng vẫn còn non trẻ và chưa khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.