Ngày 19 tháng 04 năm 2019, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Toà Trọng tài quốc tế (ICA) thuộc Phòng Thương mại quốc tế ICC tổ chức hội thảo “Giải quyết hiệu quả tranh chấp từ Hợp đồng tổng thầu EPC – Khơi thông tắc nghẽn tại các dự án trọng điểm của Việt Nam” tại Khách sạn REX Sài Gòn.
Hội thảo diễn ra với sự tham dự của các đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây, các ban quản lý dự án xây dựng, phát triển đô thị tại tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp, các công ty luật … cùng các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Với nội dung chính xoay quanh việc nhận diện một số tranh chấp điển hình thường phát sinh từ các dự án xây dựng lớn được quản lý bằng cơ chế tổng thầu EPC (Thiết kế - Mua sắm – Thi công) – theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế Các Kỹ sư Tư vấn (FIDIC) và phân tích đặc điểm của các tranh chấp này, trao đổi kinh nghiệm từ những mô hình đã phát sinh tranh chấp – trong đó có cả những tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC và ICC, để giúp không chỉ các đơn vị Tổng thầu EPC mà cả các Chủ đầu tư có thêm thông tin về quá trình phát sinh, quản lý và giải quyết các khiếu nại, các tranh chấp vốn luôn rất phức tạp trong quá trình thực hiện một dự án xây dựng theo mẫu hợp đồng FIDIC, đặc biệt là các dự án EPC.
Hội thảo được chia thành 3 phiên với các nội dung chính: (1) Cơ chế quản lý dự án xây dựng bằng hình thức tổng thầu EPC tại Việt Nam – Một số đánh giá tổng quan; (2) Đề xuất một số cách tiếp cận mới đối với cơ chế giải quyết tranh chấp từ hợp đồng tổng thầu EPC tại Việt Nam; và (3) Một số tranh chấp điển hình tại các dự án theo cơ chế tổng thầu EPC tại Việt Nam & các khuyến nghị từ chuyên gia.
Phiên đầu tiên, hai diễn giả là Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Trọng tài viên VIAC và ông FAN Mingchao, Giám đốc khu vực phụ trách về Trọng tài và ADR, đã đưa đến cho người nghe những thông tin tổng quan về tình hình áp dụng cơ chế tổng thầu EPC tại các dự án trọng điểm của Việt Nam và tình hình tranh chấp xây dựng đang được giải quyết tại Toà trọng tài ICC. Trong bài trình bày của mình, bà Nguyễn Thị Duyên đã cho thấy thực tế hầu hết các dự án quản lý theo cơ chế EPC của các ngành năng lượng điện hay hoá chất ở Việt Nam theo mẫu FIDIC Silver 1999 (đã cập nhật năm 2017), nhưng dường như các Chủ đầu tư và cả các đơn vị Tổng thầu vẫn chưa thực sự nắm rõ các khuyến nghị của FIDIC đối với các mẫu FIDIC Silver và mẫu FIDIC Yellow khiến cho việc áp dụng mẫu hợp đồng đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn cho chính các bên khi hiểu và giải thích nghĩa vụ theo hợp đồng cũng như sự phân chia rủi ro giữa đơn vị Tổng thầu và Chủ đầu tư trong quá trình triển khai của dự án. Bà Duyên cũng đã điểm qua những điểm khác biệt căn bản giữa hai mẫu FIDIC Silver và mẫu FIDIC Yellow để giúp Doanh nghiệp có thể theo đó chọn được cho mình mẫu hợp đồng phù hợp với điều kiện cụ thể của dự án.
Tiếp theo đó, dưới sự điều phối của ông Mingchao Fan, phiên thứ hai đã cung cấp cho các đại biểu các thông tin về cơ chế giải quyết các khiếu nại và tranh chấp tại các dự án quản lý theo cơ chế tổng thầu EPC. Tại phần trình bày của mình, ông Lưu Tiến Dũng, Luật sư thành viên Công ty TNHH Luật YKVN, Trọng tài viên VIAC đã (i) thông tin về cơ chế giải quyết tranh chấp được khuyến nghị tại mẫu hợp đồng FIDIC thường được áp dụng cho các dự án lớn tại Việt Nam; (ii) việc “tuỳ chỉnh” cơ chế mẫu này của các bên trên thực tế tại các dự án ở Việt Nam và một số những “trúc trắc” gặp phải ở một số phương án sửa đổi cơ chế giải quyết tranh chấp theo mẫu hợp đồng FIDIC.
Theo ông Dũng, trong thực tiễn Việt Nam, khác với phần lớn các điều khoản về giải quyết tranh chấp ở các lĩnh vực khác thường bị "bỏ quên", các điều khoản về giải quyết khiếu nại/tranh chấp trong mẫu HĐ FIDIC được các bên lưu tâm tới ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng; tuy nhiên, các điều khoản này lại thường được các bên "tùy chỉnh"/ sửa chữa rất nhiều khiến cho nhiều trường hợp việc xử lý/giải quyết các khiếu nại, tranh chấp khi có xung đột phát sinh trên thực tế lại trở nên khó khăn, thậm chí, một số trường hợp rơi vào tình trạng không thể thực hiện được. Tiếp nối, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC đã trình bày về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được đề cập tới tại các cuốn hợp đồng mẫu của FIDIC, giới thiệu thêm về phương thức hoà giải thương mại đang được rất quan tâm tại Việt Nam gần đây. Theo ông Bắc, gần như toàn bộ các tranh chấp từ các hợp đồng theo mẫu của FIDIC đều có điều khoản trọng tài – phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khả thi cho các tranh chấp xây dựng lớn, với tính phức tạp cao không chỉ đòi hỏi chuyên môn sâu về xây dựng và mẫu hợp đồng FIDIC của những người giải quyết tranh chấp và còn cả năng lực quản lý chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài của tổ chức hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Phương thức hoà giải thương mại cũng đang bắt đầu được quan tâm nhiều hơn tại Việt Nam; và với các quy định Chương 33 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cho phép một Văn bản về kết quả hoà giải thành có thể được Toà án công nhận để có hiệu lực cưỡng chế thi hành, hoà giải thương mại hứa hẹn sẽ trở thành một lựa chọn khả thi nữa cho các bên khi có tranh chấp, bởi với hòa giải thương mại, các bên kiểm soát được kết quả hoà giải, hiệu quả về cả thời gian và chi phí tố tụng. Ông Bắc cũng nhấn mạnh, việc tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao khả năng sử dụng trọng tài thương mại, hòa giải thương mại (có thể kết hợp với nhau hoặc với các phương thức ADR khác), cũng như quản lý thủ tục giải quyết tranh chấp là việc các Chủ đầu tư và các đơn vị Tổng thầu cần lưu ý để không bị “bỡ ngỡ” nếu buộc phải tham gia vào các vụ khiếu kiện từ các dự án mình thực hiện và để thực sự “tự tin” đối mặt với các tranh chấp khi thực hiện đấu thầu quốc tế.
Phiên thứ ba của hội thảo với nội dung đi vào cụ thể tìm hiệu một số tranh chấp điển hình, thường phát sinh trong các dự án theo cơ chế tổng thầu EPC tại Việt Nam, phân tích các đặc điểm của tranh chấp có thể phát sinh trong từng giai đoạn, từ đó, các diễn giả đưa ra khuyến nghị về cách thức phòng ngừa, quản lý và giải quyết tranh chấp phù hợp nhất để các doanh nghiệp tham khảo và thảo luận. Phiên thứ ba được điều phối bởi ông Nguyễn Trung Nam – Luật sư sáng lập Công ty Luật EP Legal. Các diễn giả bao gồm: ông Nguyễn Văn Hiệp – Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC, Giảng viên cao cấp Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh; Bà Helena Chen – Luật sư thành viên Công ty Luật Pinsent Masons; và Bà Hazel Tang, Thư ký Tòa Trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế (ICC).
Chia sẻ thêm khi bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc công ty TNHH Phòng ADR Việt Nam, Thành viên Tòa Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC) Ngoài ra, trong khi chờ đợi Công ước Singapore về kết quả hòa giải thành quốc tế (United Nation Convention on International Settlement Agreements resulting from Mediation – Singapore Convention on Mediation) sẽ được ký kết vào tháng 8/2019 sắp tới; sau đó là việc Việt Nam cùng với các quốc gia khác xem xét để gia nhập, và nội hóa các quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia để các Văn bản về kết quả hòa giải thành có thể được yêu cầu công nhận và thi hành trên phạm vi quốc tế giống với các phán quyết trọng tài của VIAC theo Công ước NewYork 1958 thì VIAC/VMC sẽ chuẩn bị các sản phẩm phối hợp giữa hòa giải/trọng tài để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp.
_____________________
Tải về toàn bộ tài liệu hội thảo TẠI ĐÂY