...

Hội thảo "Giải quyết tranh chấp tài chính ngân hàng bằng phương thức trọng tài và hòa giải"

28 Tháng 10, 2019

Ngày 19/6/2015, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp tài chính - ngân hàng bằng phương thức trọng tài và hòa giải”.

Hội thảo có sự tham dự của Bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp Hội ngân Hàng, Luật sư Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký VIAC, Bà Nina Mocheva - Chuyên gia quốc tế về Trọng tài và Hòa giải, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Ông Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng cùng gần 100 đại biểu đến từ VIAC, WBG, VAMC, các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng, VBF, VCCI và một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Hội thảo nhằm giúp các TCTD hội viên nâng cao nhận thức về giải quyết tranh chấp ngân hàng bằng phương thức trọng tài, hòa giải, qua đó áp dụng trong thực tiễn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO và nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang mô hình phát triển theo cơ chế thị trường, các quan hệ kinh doanh càng phát triển, những tranh chấp xảy ra trong quan hệ kinh tế nói chung và trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng là điều không tránh khỏi, với các hình thức đa dạng và phức tạp. Lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp nào vừa đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp, vừa duy trì được mối quan hệ làm ăn là việc mà các doanh nghiệp cần cân nhắc.

Hiện nay, pháp luật hiện hành công nhận các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh sau: thương lượng, hoà giải, trọng tài và tòa án. Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Toà án đã trở nên quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các TCTD, doanh nghiệp. So với các phương thức giải quyết tranh chấp bằng Toà án thì việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải có nhiều ưu điểm như: phán quyết có giá trị chung thẩm, nội dung tranh chấp, danh tính của các bên được giữ kín, có tính linh hoạt, mềm dẻo tạo quyền chủ động cho các bên, không bị ràng buộc về mặt địa lý, thủ tục giải quyết tranh chấp nhanh chóng…

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tham luận “Phạm vi giải quyết tranh chấp ngân hàng bằng trọng tài thương mại” cũng nhấn mạnh: trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm.

Theo quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM), các tranh chấp trong hoạt động ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, giữa tổ chức tín dụng với nhau đều có thể được giải quyết bằng con đường tố tụng trọng tài nếu TCTD và khách hàng có thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên,TCTD với tư cách là một bên tranh chấp khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cần lưu ý  một số nội dung về: quyền lựa chọn các hình thức trọng tài và Trọng tài viên; thỏa thuận trọng tài; thời hiệu tố tụng; Luật áp dụng giải quyết tranh chấp; và thi hành phán quyết của Trọng tài. Như vậy, phạm vi giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngân hàng bằng phương thức trọng tài đã được quy định đầy đủ trong Luật TTTM đây là cơ sở pháp lý quan trọng để TCTD lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài - một phương thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường  và ngày càng được các nhà kinh doanh lựa chọn. 

Tiếp theo, ông Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng có bài trình bày về khó khăn trong giải quyết các loại tranh chấp tài chính ngân hàng bằng Tòa án như đương sự vắng mặt, thời hạn xét xử, Tòa án thiếu chuyên môn về lĩnh vực TCHN hay các vướng mắc trong áp dụng pháp luật, từ đó đặt ra nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, hòa giải. Tuy nhiên việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, hòa giải cũng có các nhược điểm như: không có tính cưỡng chế, dễ bị lợi dụng để trì hoãn, không được hợp nhất vụ án... 

Các đại biểu cũng được nghe Ông Phan Trọng Đạt - Phó trưởng ban Xúc tiến Đào tạo - VIAC trình bày tổng quan về giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài VIAC. Trong đó nêu rõ sự khác biệt giữa tố tụng trọng tài so với tố tụng tại tòa án đồng thời đưa ra Điều khoản mẫu giải quyết tranh chấp ngân hàng tại VIAC. 

Không chỉ được nghe về thực tiễn tình hình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hòa giải trong nước, các đại biểu còn được nghe các diễn giả quốc tế như Bà Nina Mocheva - Chuyên gia quốc tế về Trọng tài và Hòa giải, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Ông Jonathan Ross, Thành viên Hội đồng Chuyên gia Thị trường Tài chính Quốc tế (P.R.I.M.E. Finance), La Hay Ông Hassan Alami, Giám đốc Trung tâm Trọng tài và Hòa giải Quốc tế Casablanca, Morocco (CIMAC) chia sẻ về: Tổng quan về sử dụng trọng tài và hòa giải trong tranh chấp ngân hàng tài chính; Diễn biến, xu hướng, và các vấn đề phát sinh trong giải quyết tranh chấp liên quan đến các giao dịch ngân hàng, sản phẩm phái sinh và giao dịch tài chính phức hợp trên thị trường khu vực và quốc tế cùng với Kinh nghiệm hợp tác giữa ngành tài chính ngân hàng và trung tâm Trọng tài và Hòa giải Quốc tế Casablanca.

Hội Thảo Giải quyết tranh chấp tài chính - ngân hàng bằng phương thức trọng tài và hòa giải đã kết thúc tốt đẹp. Các đại biểu đều đánh giá cao các nội dung được trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo, đồng thời mong muốn các cơ quan quản lý nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài cho phù hợp với xu thế phát triển chung.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI