...

Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện luật doanh nghiệp và luật đầu tư

28 Tháng 10, 2019

Luật Đầu tư rườm rà và dư thừa

Luật sư Nguyễn Lan Phương, Công ty Luật Baker & McKenzie, cho biết nhiều nội dung của Luật Đầu tư trùng lắp với nội dung của Luật DN và các luật chuyên ngành khác. Thực tế cho thấy Luật Đầu tư 2005 không thực sự cần thiết trong hoạt động kinh doanh của DN. Có vẻ điều khác biệt duy nhất và cũng là điều phiền toái mà Luật Đầu tư có được đó là quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư rườm rà, không minh bạch và được áp dụng chủ quan.

Cụ thể, luật sư Phương chỉ rõ: “Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư (quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh tại Việt Nam) và Điều 3.1 đưa ra định nghĩa về “đầu tư” là dư thừa. Vì đây chính là phạm vi điều chỉnh và nội dung chính với những điều khoản cụ thể xuyên suốt trong Luật DN”.

“Bên cạnh đó, Luật DN đã quy định rõ DN có quyền chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh đầu tư (Điều 8 Luật DN). Tuy nhiên, DN lại phải có dự án đầu tư và phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư là không cần thiết. Vì vậy nên xem xét bỏ Luật Đầu tư hoặc xem xét bỏ toàn bộ các điều khoản quy định về dự án đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” - luật sư Phương phân tích.

Đồng quan điểm với luật sư Phương, ông Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng Luật Đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng nhiệm vụ và vai trò của mình khi các thủ tục pháp lý vẫn chồng chéo, phiền phức, mất nhiều thời gian, qua nhiều cơ quan đơn vị gây tốn kém.

Ví dụ, ưu đãi về thuê đất đã có quy định trong Luật Đất đai, ưu đãi về thuế đã có quy định trong Luật Thuế nhưng Luật Đầu tư cũng đưa vào. Như vậy không khác nào là chép lại từ các luật khác.

Nhiều luật sư và DN khác cũng khẳng định các nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh mà không nhất thiết phải có Luật Đầu tư. Thậm chí có ý kiến đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá lại thời gian tám năm kể từ khi Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thì có bao nhiêu DN nước ngoài đã từ bỏ thị trường nước ta vì thủ tục đầu tư.

Quản lý DNNN chặt chẽ hơn

Góp ý kiến về hoàn thiện Luật DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết hiện nay dự thảo Luật DN đang có một chương riêng (bổ sung mới) về các nguyên tắc trong quản trị DNNN. Về hình thức, cách thiết kế như thế này không thật logic do phá vỡ kết cấu chung của luật hiện nay là phân chương theo loại hình DN chứ không theo nguồn gốc vốn trong DN.

Về thực tế, không phủ nhận cần quản lý chặt chẽ, minh bạch DNNN so với DN tư nhân do DNNN dùng vốn thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc quản trị DNNN có rất nhiều vấn đề vì vậy hoàn thiện tổng thể pháp luật về DNNN cần là trọng tâm then chốt trong thời gian tới đây.

Theo ông Lộc, giải pháp lý tưởng nhất là xây dựng Luật DNNN thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các dự án luật, nghị định… liên quan đến vấn đề DNNN đang được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc sửa đổi. Luật DNNN sẽ là một giải pháp không thể tốt hơn để quản lý một cách hệ thống, tập trung, thống nhất, minh bạch đối với DNNN. Xử lý rốt ráo các bất cập hiện nay về quản lý DNNN do có quá nhiều văn bản, ở nhiều cấp độ với giá trị pháp lý khác nhau, mâu thuẫn nhau.

Nếu không thực hiện một luật DNNN thì Luật DN sửa đổi nên có một chương riêng về quản trị đối với DNNN. Với giải pháp này, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần chú ý tới quy tắc quản trị, tổ chức và vận hành riêng đối với DNNN phải chặt chẽ, minh bạch hơn so với quản trị DN tư nhân. Đồng thời, cần rà soát tất cả văn bản đang có hiệu lực hoặc đang soạn thảo liên quan đến DNNN để chuyển hết nội dung này vào chương Quản trị DNNN của Luật DN.

Tranh chấp thương mại sẽ gia tăng

Điều 11 trong Dự thảo Luật Đầu tư về giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết thông qua trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài hoặc theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo luật sư Phan Thông Anh - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nên sửa đổi cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp. Ví dụ thương lượng hòa giải sẽ tốt hơn. Cần có những quy định chi tiết về vấn đề tranh chấp vì sắp tới khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nước ta thì tranh chấp xảy ra nhiều hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Ban Xúc tiến -  Đào tạo

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – số 09 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 04.35744001

Email: datpt@viac.org.vn hoặc ngoc.tran@viac.org.vn

 

(nguồn Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI