...

Hội thảo: Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

28 Tháng 10, 2019

Nằm trong khuôn khổ Dự án Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện năm 2014 do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, trong 2 ngày 9-10/20 vừa qua, Vụ Pháp luật quốc tế đã phối hợp với Văn phòng Dự án tổ chức Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tham dự phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo, ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Đức Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, ông David Anderson – Giám đốc dự án USAID/GIG, Giáo sư David A.Gantz – Chuyên gia tư vấn của dự án cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đại diện các Văn phòng Luật sư, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự, sở kế hoạch – đầu tư địa phương.Báo cáo nghiên cứu về hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng Tòa án, Trọng tài trong nước ở Việt Nam

Liên quan đến Báo cáo nghiên cứu về hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng Tòa án, Trọng tài trong nước ở Việt Nam, LS Vũ Ánh Dương – Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã giới thiệu tổng quan chung về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Tòa án, Trọng tài các quốc gia trên thế giới; thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Tòa án, Trọng tài Việt Nam và các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.Nhận xét về dự thảo báo cáo, LS. Nguyễn Mạnh Dũng cho biết song song với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là nguy cơ tiềm ẩn của những tranh chấp có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư quốc tế và trên thực tế số lượng tranh chấp đầu tư đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, Báo cáo này đã đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và sẽ giúp thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tòa án, cơ quan Chính phủ cũng như các chủ thể khác liên quan đến hoạt động đầu tư đồng thời tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu và đưa ra kiến nghị nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, LS Dũng còn đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện Báo cáo liên quan đến các khái niệm “đầu tư”, “tranh chấp đầu tư”, “nhà đầu tư”; các cơ chế (thiết chế) để giải quyết tranh chấp đầu tư; thước đo tính hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư; sự khác biệt trong thủ tục giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam; môi trường pháp lý cho lĩnh vực giải quyết tranh chấp; yếu tố nhân lực, quản trị và các biện pháp phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. Báo cáo nghiên cứu hướng dẫn việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế sử dụng cho cán bộ, công chức Nhà nước ở TW và địa phương.

Trao đổi tại Hội thảo, chuyên gia dự án USAID Nguyễn Thị Chính cũng đã trình bày Báo cáo nghiên cứu Hướng dẫn việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế sử dụng cho cán bộ, công chức Nhà nước ở TW và địa phương. Báo cáo đã cung cấp những kiến thức cô đọng nhất về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong cả ba giai đoạn: tiền tranh chấp, trong khi giải quyết tranh chấp và hậu quả giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra hai nhóm kiến thức, kỹ năng, bao gồm: nhóm kỹ năng về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế; nhóm kiến thức về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Liên quan đến Báo cáo hướng dẫn phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đa số đại biểu tại Hội thảo cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tranh chấp quốc tế là Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc thật kỹ trước khi ký kết bất cứ Hợp đồng đầu tư nào, cần hoạch định kế hoạch phát triển lâu dài tránh trường hợp khi đã ký kết Hợp đồng rồi mới phát sinh sự việc.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được chia thành 4 nhóm thảo luận các vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo như: cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nào phù hợp và hiệu quả đối với Việt Nam; Các giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Tòa án, Trọng tài trong nước; Trong quá trình giải quyết đầu tư quốc tế, hòa giải nên được tiến hành ở giai đoạn nào... và làm các bài tập tình huống do Ban tổ chức đưa ra nhằm rèn luyện các kỹ năng giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Theo Công thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI