Trong bối cảnh Việt Nam đang hối hả bước vào giai đoạn mới của hội nhập, với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại thế hệ mới, đồng thời với việc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách các chính sách và luật pháp, tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư, kinh doanh thì trước các yêu cầu phức tạp về nhiều mặt, các doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro tốt hơn. Nhằm giúp cho doanh nghiệp trang bị kiến thức và nắm được các bước kỹ thuật cũng như các yêu cầu pháp lý, VCCI-HCM phối hợp với Công ty Luật Lawlink tổ chức buổi hội thảo: “QUẢN TRỊ RỦI RO DOANH NGHIỆP & VAI TRÒ CHIẾN LƯỢC CỦA IN-HOUSE COUNSEL”. Hội thảo này nằm trong chuỗi các sự kiện của dự án: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế do VCCI chủ trì.
Nội dung hội thảo tập trung xoay quanh: [1] Nhận diện các rủi ro pháp lý “xuyên biên giới” mà doanh nghiệp phải đối diện trong bối cảnh mới của Hội nhập; các yêu cầu thiết yếu về nâng cao năng lực quản trị rủi ro pháp lý xuyên biên giới; [2] Nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của đội ngũ In-house Counsel đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro tổng thể, từ khâu hoạch định chiến lược, thu xếp vốn, tìm kiếm và giao kết đối tác, phát triển thị trường, cho đến quản trị và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày; [3] Định hướng lộ trình phát triển cho đội ngũ In-house Counsel; Năng lực cốt lõi và kỹ năng thiết yếu của đội ngũ In-house Counsel, nhằm giúp In-house Counsel đạt được thành công trên mọi phương diện: phát triển nghề nghiệp, vị thế và tài chính.
Vai trò của luật sư đang thay đổi. Theo cách truyền thống, họ chỉ là các nhà tư vấn, giúp khách hàng hiểu luật cũng như đạt được mục đích bằng việc soạn thảo văn bản pháp lý hoặc tham gia tố tụng. Nhưng càng ngày càng nhiều luật sư, đặc biệt là các luật sư nội bộ (in-house counsel) nắm giữ thêm một vai trò mới là nhà quản trị rủi ro pháp lý, nhất là ở những nước có nền kinh tế phát triển. Bản chất của rủi ro pháp lý khác với rủi ro tài chính. Rủi ro pháp lý trong doanh nghiệp liên quan tới các hành vi pháp lý, là một lĩnh vực rủi ro mang tính chuyên ngành.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro pháp lý phát sinh từ việc thực hiện các quy định của pháp luật. Rủi ro tài chính là sự thiếu hụt nguồn vốn chính yếu như ngân quỹ, hay nói cách khác là doanh nghiệp không có đủ nguồn tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, với rủi ro tài chính, doanh nghiệp đôi lúc vẫn có thể và nên chấp nhận các rủi ro này nhằm bảo vệ những giá trị hiện hữu và tạo ra nhiều giá trị mới, ví dụ như trong các hoạt động đầu tư, sáp nhập, sử dụng vốn/ nợ, bảo hiểm và các quyết định về thuê mướn người lao động. Nhà quản trị cấp cao sẽ quyết định loại rủi ro tài chính nào doanh nghiệp có thể chấp nhận được và đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải đối mặt với các rủi ro đã được thông qua. Về rủi ro pháp lý, các nhà quản trị cấp cao, nhất là ở những công ty Nhà nước thuộc các quốc gia phát triển thường áp dụng chính sách không khoan nhượng (zero-tolerance) khi nhân viên có những hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, rủi ro pháp lý nên được phòng tránh tuyệt đối chứ không thể chấp nhận như rủi ro tài chính.
Cũng tại hội thảo, luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày trước các cán bộ pháp chế doanh nghiệp về các vụ kiện thực tiễn nhằm rút ra bài học trong quản trị rủi ro pháp lý của mình, nhấn mạnh các rủi ro liên quan đến quản trị nội bộ doanh nghiệp cũng như rủi ro ảnh hưởng các giao dịch điện tử (yếu tố công nghệ) hay rủi ro không cẩn trọng trong tìm hiểu đối tác. Ông cùng các luật sư tại hội thảo cũng lắng nghe và chia sẻ với toàn hội thảo về những vướng mắc mà các doanh nghiệp thường gặp phải, đưa ra các bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn công tác và cùng thảo luận sâu thêm một số vấn đề cụ thể.
Với nội dung thiết thực, sự tham gia tích cực của người tham dự và những câu chuyện quý báu từ khách mời, hội thảo hy vọng sẽ giúp các in-house counsel nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của mình trong bối cảnh mới cũng như sự cấp thiết của các cơ chế quản trị rủi ro pháp lý mà mỗi doanh nghiệp cần tiến hành.