...

Hội thảo Thuận lợi hóa môi trường kinh doanh năm 2017: Thực thi hợp đồng tại Việt Nam

28 Tháng 10, 2019

Ngày 27/06/2017, Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam (MPI) phối hợp cùng Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MoJ) với sự hỗ trợ từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Công ty Luật TNHH Yulchon đã tổ chức thành công Hội thảo “Thuận lợi hóa môi trường kinh doanh năm 2017: Thực thi hợp đồng tại Việt Nam”.

Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC trong năm 2017, Hội nghị được tổ chức với mục đích giới thiệu đến Hàn Quốc thực tiễn thực thi hợp đồng, các vướng mắc khi thực thi hợp đồng tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp tham dự Hội nghị cũng nắm bắt được thực tiễn thực thi hợp đồng tại Hàn Quốc, các khó khăn các doanh nghiệp Hàn Quốc từng gặp phải và cách giải quyết các khó khăn đó. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện, hoàn thiện  quá trình thực thi hợp đồng để có thể phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động.

Đến tham dự hội thảo, các diễn giả và đại biểu, bao gồm các chuyên gia quốc tế và khu vực, cùng các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư, thẩm phán, trọng tài viên, đại diện các hiệp hội, các giảng viên và nhà nghiên cứu trong nước hoạt động trong lĩnh vực pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng, đã có cơ hội trình bày, đóng góp, trao đổi và thảo luận một cách thẳng thắn về các chủ đề của hội thảo.

Xoay quanh nội dung thảo luận trong khuôn khổ thúc đẩy thuận lợi hóa kinh doanh (Ease of Doing Business - EoDB) giữa các quốc gia trong APEC đặc biệt là Việt Nam và Hàn Quốc, các thảo luận chính tập trung vào ba vấn đề lớn với bảy phiên làm việc về: Báo cáo về dự án EoDB tại Việt Nam, Báo cáo dự án và quá trình thực hiện dự án EoDB, Thực tiễn thực thi hợp đồng và ứng dụng phù hợp các văn bản của UNCITRAL, Thúc đẩy phương thức trọng tài nhằm cải thiện chỉ số thực thi hợp đồng trong Báo cáo về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Thực tiễn thực thi hợp đồng và hệ thống tín dụng Hàn Quốc, Hệ thống tín dụng tại Việt Nam và cuối cùng là Thực tiễn thực thi hợp đồng tại Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Trong phiên làm việc đầu tiên, Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM đã trình bày trước toàn hội nghị Báo cáo về dự án EoDB tại Việt Nam. Trong bản báo cáo, bà Thảo đã chỉ ra các chỉ số về thực thi hợp đồng trong Báo cáo về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cũng như so sánh các chỉ số của Việt Nam so với các nước trong khu vực và toàn thế giới. Bà cũng đề cập tới Nghị quyết 19-2017/NQ-CP: Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và các kết quả đạt được sau khi thực thi Nghị quyết 19-2017/NQ-CP tại Việt Nam.

Ông Kim Bong Jin – Công tố viên Phòng Tư pháp Thương mại, Bộ Tư pháp Hàn Quốc

Tiếp đó, tại phiên làm việc thứ hai, ông Kim Bong Jin – Công tố viên Phòng Tư pháp Thương mại, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã trình bày bản Báo cáo dự án và quá trình thực hiện dự án EoDB dưới góc nhìn của Hàn Quốc. Diễn giả đã báo cáo quá trình thực hiện dự án EoDB cũng như đề xuất cho các nước thành viên như Indonesia, Peru, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, .v.v… Bên cạnh đó, ông đưa ra những thành tựu đã đạt được trong khuôn khổ thúc đẩy thuận lợi hóa kinh doanh và các bước tiến cụ thể của các nước thành viên. Đồng thời, ông cũng nêu ra các con số thống kê về thực thi hợp đồng của Hàn Quốc và kinh nghiệm cũng như quá trình thực thi hợp đồng tại Hàn Quốc. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống tòa án trực tuyến: lợi ích cho các bên, hệ thống và giao diện của hệ thống.

Ông Kim Jin Ho - Chuyên viên pháp lý, Trung tâm UNCITRAL tại khu vực Châu Á -  Thái Bình Dương

Phân tích thêm dưới góc độ thực tiễn, Ông Kim Jin Ho - Chuyên viên pháp lý, Trung tâm UNCITRAL tại khu vực Châu Á -  Thái Bình Dương mang tới hội thảo bối cảnh thực tiễn thực thi hợp đồng và ứng dụng phù hợp các văn bản của UNCITRAL. Bên cạnh việc giới thiệu về UNICTRAL, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tính ứng dụng và thuận tiện của Hợp đồng mẫu cho trọng tài trong việc giải quyết các vụ tranh chấp. Với mục đích mang đến một cơ chế trọng tài ngày càng thân thiện cũng như việc giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, ông cũng đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam như xây dựng lòng tin vào cơ chế trọng tài trong doanh nghiệp,  làm rõ vai trò của Tòa án hay rút gọn quá trình xác nhận và thực thi hợp đồng.

Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Là đại diện VIAC tham gia hội thảo, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký, VIAC trình bày các phương pháp thúc đẩy phương thức trọng tài nhằm cải thiện chỉ số thực thi hợp đồng trong báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Ông đưa ra những phân tích về xu hướng trong giải quyết tranh chấp thương mại và các thành tố đáng chú ý trong Chỉ số Thực thi Hợp đồng cũng như Sự phát triển của khung pháp lý cho phương thức trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác (ADRs) tại Việt Nam. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài nhằm cải thiện chỉ số thực thi Hợp đồng ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Luật sư cộng sự, Công ty Luật TNHH Tư Vấn Độc Lập

Tổng quan về thủ tục tố tụng dân sự tại Việt Nam và triển vọng hoàn thiện thực thi hợp đồng tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Minh - Luật sư cộng sự, Công ty Luật TNHH Tư Vấn Độc Lập chỉ ra các điểm mới, đáng chú ý trong Bộ luật Tố tụng dân sự mới năm 2015. Ông làm rõ các vấn đề liên quan đến thực thi hợp đồng trong Bộ luật mới như thời gian tố tụng, quản lý vụ án, thủ tục rút gọn …. và đặc biệt là về trọng tài. Từ đó, ông đề xuất các kiến nghị để có thể hoàn thiện hơn quá trình thực thi hợp đồng tại Việt Nam.

Hội nghị kết thúc và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham dự. Những kết quả đạt được thông qua quá trình thảo luận cởi mở cũng như với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, Hội nghị hy vọng sẽ tạo nên được những hiệu ứng tốt đẹp giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về nội dung của EoDB, giúp họ tự tin trong quá trình thự thi hợp đồng. Hội nghị cũng đã mở ra những cơ hội hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, Bộ Tư pháp Hàn Quốc và các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, hiệp hội và cộng động doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tại Việt Nam cũng như trong các nghiên cứu về hài hòa hóa pháp luật thương mại tại ASEAN.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI