...

Hội thảo Thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khối ASEAN thông qua hài hòa hóa pháp luật thương mại

28 Tháng 10, 2019

Ngày 04 – 05/09/2017 vừa qua, Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UNCITRAL RCAP), Hiệp hội Luật sư ASEAN, Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc tế phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khối ASEAN thông qua Hài hòa hóa Pháp luật Thương mại”. Với mong muốn nâng cao nhận thức về sự cần thiết hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khối ASEAN và tạo nền tảng cho việc thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và chủ thể cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới, chương trình mở ra một diễn đàn trao đổi thảo luận sôi nổi với sự tham dự của các chuyên gia, luật sư, luật gia, đại diện các tổ chức trọng tài quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có Ông Phan Trọng Đạt (Phó Tổng Thư ký VIAC) và TS. Lê Nết (Luật sư điều hành Công ty Luật LNT và Cộng sự, Trọng tài viên VIAC) đã có phần chia sẻ tại hội thảo về hai nội dung lớn gồm (i) Đẩy mạnh thống nhất một số điều khoản mẫu cho hợp đồng và hợp đồng khuyến nghị và (ii) Tầm quan trọng của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) trong việc thúc đẩy hài hóa thương mại khu vực.

Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Trọng Đạt nhấn mạnh việc hài hóa hóa pháp luật thương mại của ASEAN là một trong những vấn đề cốt lõi thúc đẩy quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế khu vực. Từ đó, thông qua quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN, các nước thành viên tiệm cận gần hơn trong việc tìm được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu các xung đột pháp luật trong các lĩnh vực về dân sự, tố tụng dân sự, thương mại, kinh tế v.v... cũng như các vấn đề có yếu tố nước ngoài khác.

Việc hài hòa hóa pháp luật tạo cơ sở cho việc hình thành một khuôn khổ chung, thể chế liên kết khu vực trong môi trường mà hệ thống pháp luật và tư pháp của các quốc gia thành viên vốn đa dạng và khác biệt. Trong quá trình liên kết và hài hóa hóa đó, các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tiếp thu xu hướng pháp luật mới đang dần hình thành trong cộng đồng ASEAN được đánh giá là một tín hiệu tích cực.

Từ một diễn biến khác, khi các tranh chấp thương mại quốc tế không mong muốn xảy ra, ông Đạt cho rằng việc tham khảo và sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) đang ngày được ưa chuộng. Bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống, ADR phát huy được những ưu điểm mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu được ghi nhận và ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một phần quan trọng để tiến tới mục tiêu hài hòa hóa pháp luật thương mại trong khu vực.

 
TS. Lê Nết - Luật sư điều hành Công ty Luật LNT và Cộng sự, Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội thảo

TS Nết chia sẻ việc hài hóa pháp luật thương mại là việc làm thiết yếu trên con đường phát triển bền vững của mỗi quốc gia và của cả khu vực. Những năm gần đây, từ phía Việt Nam, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm và có những hành động cụ thể trong việc thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia, tạo nền tảng hội nhập trong khu vực và trên thế giới. Từ góc độ quốc tế, Chính phủ cũng đã có những chiến lược định vị Việt Nam tốt hơn trong khu vực và trên thế giới.

Điển hình là cuối năm 2015, Việt Nam chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (“CISG”) để trở thành viên thứ 84 của Công ước này. Việc gia nhập CISG đã đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế và cho các doanh nghiệp việt nam một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. 

Trong năm 2016, "VIAC lần đầu tiên vận hành thành công điều khoản Trọng tài lai, điều này phần nào chứng minh rằng pháp luật trọng tài và thực tiễn trọng tài của Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với pháp luật và thực tiễn trọng tài của thế giới. Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài adhoc tại các Trung tâm Trọng tài nói chung và VIAC nói riêng đã tạo thêm một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, đáp ứng tối đa nhu cầu giải quyết tranh chấp của các bên tại Việt Nam" - TS Nết chia sẻ tại hội thảo. 

 
Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC và TS. Lê Nết - Trọng tài viên VIAC trong phiên thảo luận

“Một đội bóng không thể chỉ có một cầu thủ chơi bóng”, do đó, việc hài hóa hóa pháp luật thương mại của ASEAN là một trong những vấn đề cốt lõi thúc đẩy quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế khu vực. Với nỗ lực và hành động của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực, ASEAN có thể kỳ vọng vào một tương lai hội nhập, phát triển hơn trong thời gian sắp tới.

______________________

1. Một số hình ảnh tại hội thảo: Xem tại đây

2. Tài liệu - Bài trình bày của các diễn giả: Xem tại đây

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI