...

Hội thảo Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng: Hấp dẫn từ những câu chuyện thực tế

28 Tháng 10, 2019

Sáng 21/04/2017, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Sở Xây Dựng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng” với sự tài trợ từ Công ty luật Châu Hồ & Partners. Hơn 300 đại diện đến tham dự đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật và Ban quản lý dự án không những được cập nhật các kiến thức luật, các chính sách hữu ích mà còn được cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn vô cùng sát sườn với hoạt động kinh doanh của mình. Dưới đây là một số nội dung tiêu biểu.

Doanh nghiệp xây dựng phát triển, khả năng pháp lý càng phải được nâng cao.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Nguyên là Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh,Trọng tài viên VIAC, đã có những đánh giá cao tiềm năng của ngành xây dựng và bất động sản trong phát triển kinh tế.

“Xây dựng phát triển thì mới kéo theo nhiều ngành kinh tế khác phát triển, khuyến khích đầu tư công và tạo đà cho kinh tế đi lên. Hiện nay, tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn không chỉ thu hút các công ty lớn trong nước mà còn cả các tập đoàn nước ngoài. Vì vậy, các công ty trong nước nếu không muốn lép vế cần nâng cao toàn diện khả năng cạnh tranh.” Ông Trần Du Lịch – Trọng tài viên VIAC cho biết.

TS. Trần Du Lịch - Nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, trọng tài viên Nguyễn Văn Hiệp – Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết khả năng pháp lý chính là một trong những điểm yếu mà các doanh nghiệp cần cải thiện. Hiện ngay cả nhiều Ban Quản lý nhà nước cũng chưa có Luật sư hay chuyên viên pháp lý trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại được trang bị đầy đủ các thủ tục và kiến thức pháp lý. Thực tế ghi nhận tại trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy những doanh nghiệp nước ngoài khá tỉ mỉ và chi tiết trong khâu thương thảo và chuẩn bị hợp đồng với những hợp đồng mẫu FIDIC hàng chục trang. Trong khi các doanh nghiệp xây dựng Việt vẫn còn khá xa lạ với các loại hợp đồng này. Khi xảy ra tranh chấp, bất lợi vẫn thuộc về các doanh nghiệp Việt.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Năng lực của người soạn thảo hợp đồng là vô cùng quan trọng

Cũng ngay trong khuôn khổ hội thảo, bà Hồ Kim Minh Châu – Trọng tài viên VIAC, Giám đốc công ty Luật Châu Hồ & Partners đã có phần giới thiệu sơ lược cho các doanh nghiệp về hợp đồng xây dựng FIDIC. Theo đó, từng loại hợp đồng với qui mô, tính chất và thành phần tham dự khác nhau thì sẽ có các loại hợp đồng mẫu khác nhau để các doanh nghiệp có thể qui chiếu và soạn thảo. Để làm được điều này, người soạn thảo hợp đồng phải có năng lực chuyên môn vững vàng để hiểu đúng hiểu rõ tất cả các tài liệu hợp đồng trước khi chuyển tải thành những điều khoản.

ThS. Hồ Kim Minh Châu - Giám đốc Công ty Luật Châu Hồ & Partner
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Ngoài ra, với kinh nghiệm dày dặn giải quyết tranh chấp của mình tại VIAC, bà Hồ Kim Minh Châu còn mang đến những bài học kinh nghiệm thực tiễn ở cả trong và ngoài nước giúp phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp.

Giải quyết tranh chấp tại nước ngoài: Tốn kém mà không hiệu quả

Thực tế hiện nay tồn tại những quan điểm và tư duy khác nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp với các công ty nước ngoài, khi đó các công ty thường chọn trọng tài nước ngoài để được hưởng dịch vụ tại các nước phát triển đồng thời tránh được sự can thiệp của Tòa án Việt Nam.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật dân sự, Trọng tài viên VIAC, trường đây là một quan niệm sai lầm. Nghị quyết số 01/2014 /NQ -HĐTP[THP1]  của Tòa án Nhân dân tối cao đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án Việt Nam với các hoạt động của Trọng tài nước ngoài. Theo đó, nếu địa điểm giải quyết tranh chấp là Việt Nam thì Trọng tài nước ngoài vẫn chịu sự giám sát của Toà án Việt Nam. Còn nếu muốn thoát khỏi sự giám sát của Tòa án Việt Nam, các bên buộc phải chọn địa điểm trọng tài tại nước ngoài. Tuy nhiên, cách này lại phát sinh chi phí khá cao gây tốn kém cho doanh nghiệp. Hơn nữa, sử dụng trọng tài tại nước ngoài, các doanh nghiệp chưa chắc được hưởng những hỗ trợ từ Tòa án mà quan trọng nhất là biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là một trong những nội dung mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng nên lưu ý khi giá trị hợp đồng xây dựng có giá trị rất lớn.

PGS. TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật dân sự trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Ông Đại cũng khuyên các doanh nghiệp xây dựng nên lựa chọn trọng tài tại VIAC nhờ những cải tiến vượt trội trong qui tắc tố tụng mới. Theo đó, các bên giải quyết tranh chấp từ nhiều hợp đồng, gộp nhiều vụ tranh chấp làm một hay áp dụng thủ tục rút gọn. Theo tính toán, những biện pháp này sẽ góp phần tiết kiệm 15 – 37% chi phí trọng tài cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, không chỉ tiết kiệm thời gian, thủ tục rút gọn tại VIAC ít bị tòa can thiệp nội dung và hạn chế rủi ro do hủy Phán Quyết Trọng tài.

Kết thúc phần chia sẻ của các chuyên gia, hội thảo tiến hành phiên thảo luận hỏi đáp trực tiếp giữa đại diện VIAC, Sở Xây dựng Tp. HCM và các chuyên gia với người tham dự. Các câu hỏi đưa ra tại phiên đều được giải đáp ngay tại chương trình với không chỉ thông tin cơ bản giải đáp trực diện vấn đề người hỏi mà còn đi lên khái quát để người tham dự có thể nắm được bản chất của vấn đề, từ đó phòng ngừa trước hoặc có biện pháp đối ứng linh hoạt khi có phát sinh trên thực tế.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp tham dự đánh giá cao các nội dung được trình bày, bởi lẽ các vấn đề được đưa ra phân tích mang tính ứng dụng cao, hỗ trợ trực tiếp trong chính quá trình vận hành hàng ngày của các doanh nghiệp. Niềm tin và sự ủng hộ nói trên chính là động lực mạnh mẽ giúp VIAC ngày một hoàn thiện, nâng cao và mang tới những chương trình chất lượng hơn về cả hình thức và nội dung trong thời gian tới.

___________

Bộ tài liệu hội thảo: Tải tại đây

Một số hình ảnh tại hội thảo: Xem tại đây

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI